Thứ bảy, 27/04/2024, 02:48 [GMT+7]

Địa chỉ của sự thân thiện và sáng tạo

Thứ tư, 11/05/2011 - 09:08'
Công ty Thời trang Chula (số 6 đường ven Hồ Tây, quận Tây Hồ, Hà Nội) là một địa chỉ gần gũi, thân thiện với người khuyết tật. Làm việc ở đây, người khuyết tật tự tạo lập cuộc sống bằng chính khả năng, sức lao động của mình.

Anh Diego Cortizas, người sáng lập ra Chula.

Chula được sáng lập bởi vợ chồng kiến trúc sư Diego Cortizas, người Tây Ban Nha, vào năm 2006. Hiện Chula có 56 nhân viên, trong đó có 49 người khuyết tật. Anh Diego Cortizas cho biết, việc tuyển dụng người khuyết tật rất tình cờ, nhưng lại là quyết định hết sức đúng đắn. "Chúng tôi biết một số công ty đã tuyển dụng người khiếm thính và chúng tôi quyết định thử. Nhân viên đầu tiên mà chúng tôi tuyển dụng là chị Dương. Tuy bị khiếm thính nhưng chị lại có khả năng sáng tạo tuyệt vời trên mỗi sản phẩm thời trang. Sau chị Dương, chúng tôi tiếp tục tuyển người khuyết tật vào làm việc và gặt hái được nhiều thành công". 

Với anh Diego Cortizas khái niệm khuyết tật không hề xa lạ, khi trong gia đình anh có anh rể bị khuyết tật về trí tuệ và đã qua đời. Một người họ hàng của anh cũng bị khiếm thính. Anh tuyển dụng người khuyết tật và nhận thấy "Nhiều nhân viên khuyết tật có kinh nghiệm tốt hơn người bình thường. Hơn nữa, họ được bù đắp bởi những thứ khác, chẳng hạn nhiều người khiếm thính có cảm nhận màu sắc rất tốt", anh Diego Cortizas cho hay. 70% nhân viên tại Chula chưa từng đi làm nên anh chú trọng việc dạy nghề. Với một người khuyết tật chưa qua đào tạo thì sau khoảng bảy tháng làm việc và học tại đây, họ có thể may được một chiếc váy hoàn chỉnh. 

Ở Chula, người khuyết tật được giao đảm nhiệm mọi vị trí, từ thêu, may, cắt đến lãnh đạo nhóm, thiết kế trang web, bán hàng... Họ được hưởng lương hằng tháng theo năng lực, sản phẩm làm ra và được hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền học phí cho con nhỏ, tiền đi lại... 

Chị Nguyễn Phương Liên, ở phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội làm việc ở Chula đã 3 năm cho biết: "Bị khiếm thính bẩm sinh, nên khi nộp hồ sơ xin việc, tôi không tự tin lắm và cũng không nghĩ sẽ được nhận vào làm việc. Thật không ngờ, anh Diego Cortizas lại không hề phân biệt, mà thứ anh cần là sự khát khao khẳng định bản thân, khuyết tật không phải là trở ngại". Còn chị Lưu Thị Miền, 28 tuổi, ở huyện Giao Thủy, Nam Định bị khiếm thính, làm ở Chula đã hơn 4 năm. Mức thu nhập trên bốn triệu đồng giúp chị đủ chi tiêu cho bản thân và còn phụ giúp bố mẹ. "Người khuyết tật như chúng tôi có việc làm đã khó và càng khó hơn khi tìm được những việc phù hợp. Tôi đam mê công việc sáng tạo ra những mẫu quần áo, váy. Và tôi mong có nhiều nơi như Chula để những người khuyết tật được làm việc, cống hiến sức lực và trí tuệ", chị Miền bày tỏ mong muốn. 

Chula không quan niệm tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc là làm từ thiện. Chula luôn coi những nhân viên khuyết tật của mình như người bình thường, bình đẳng trong công việc, nhận lương và chế độ đãi ngộ như những người không khuyết tật. Nói như anh Diego Cortizas thì nếu khuyến khích người khuyết tật vượt qua rào cản xã hội, họ có thể làm được nhiều việc. Tuy rằng, đôi khi họ cần thêm sự giúp đỡ và người sử dụng lao động cũng phải linh hoạt hơn...

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...