Đo được... nghĩa tình
Kết quả từ chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” thuộc Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao Động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đã minh chứng cho điều đó.
Bất ngờ có hậu
Tại cuộc giao lưu chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” tổ chức ở Quảng Ngãi hôm 20.10 (được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam, hệ 1 VOV-TV, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng với 7 đài truyền hình các tỉnh duyên hải miền Trung), ngư dân Võ Văn Tâm, ở thôn Tây, xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã kể lại câu chuyện đầy bi tráng của mình sau 2 lần bị bắt, mất tàu, chìm tàu trên vùng biển Hoàng Sa.
Người xem, nghe khóc nhiều, bởi không chỉ thương cảm cho cảnh ngộ bại nghiệp do mất tàu, oằn lưng vì gánh nợ của gia đình Tâm, mà còn vì sự cố gắng ngược sóng, “cưỡi” lên những khó khăn trước mắt để tiếp tục được bám biển của anh.
Thuyền trưởng con tàu 320CV Võ Văn Tâm giờ phải tay chèo, tay thúng, đi nhờ tàu cá khác, làm bạn chài. “Khát khao lớn nhất của tôi bây giờ là làm sao có lại được con tàu, để ra vùng biển khơi xa như ngày trước” - Tâm vừa chia sẻ dứt lời, thì MC chương trình đã mời Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng lên sân khấu, trao ngay cho Tâm 500 triệu đồng, hỗ trợ để anh có thể đóng lại một con tàu mới.
Khán phòng vỡ oà vì bất ngờ, xúc động. Riêng Tâm, dẫu có thâm niên 20 năm can trường đối mặt với sóng dữ ngoài biển khơi, giờ cũng gần như “khuỵu ngã”, bởi “trong mơ tui cũng chưa bao giờ dám mơ đến món quà đó”.
|
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng trao 500 triệu đồng từ chương trình Tấm lưới nghĩa tình cho ngư dân Võ Văn Tâm (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi). |
Chỉ mới với tấm biển trao tượng trưng số tiền 500 triệu đồng, nhưng ngay sáng hôm sau (21.10), Võ Văn Tâm đã “ôm” luôn xuống xưởng đóng tàu Trương Tày ở Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) để đặt đóng tàu mới mà chưa kịp đáp tàu về đảo để chia vui với gia đình, làng xóm.
Ngoài xa Lý Sơn, bà Dương Thị Thức - vợ Tâm - đứng ngồi không yên. “Cho đến chừ tui vẫn chưa tin đó là sự thật. Lòng dạ tôi cứ như kiến đốt anh ơi. Xem ti vi mà không dám tin điều mình nghe trực tiếp, tui đứng dậy không nổi luôn. Răng họ không nói trước với mình hè? May anh Tâm đi, chứ tui mà ở trên sân khấu khi nớ thì tui xỉu mất”.
Không thể diễn tả hết được niềm vui quá lớn của gia đình bà Thức bây giờ. Đó cũng là niềm vui của hơn 70 gia đình ngư dân ở 7 tỉnh, thành duyên hải miền Trung trong đợt hỗ trợ gần 13 tỉ đồng của chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” này đến với họ.
Nghĩa tình là vĩnh viễn
Ông Hoàng Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng Ban điều hành chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” - cho biết: “Rất nhiều người dân, nhiều nhà báo hỏi tôi, chương trình có hạn định số đối tượng được hỗ trợ hay không? Bao giờ thì chương trình chấm dứt... Câu trả lời là không, sẽ không có hạn định nào cho cả hai.
Bao giờ còn thiên tai, địch hoạ, còn bão tố, cướp biển, ngư dân còn bị chìm tàu, mất tàu do bị bắt, mất ngư lưới cụ, thì chương trình sẽ tiếp tục làm cầu nối, huy động xã hội để giúp họ mua lưới, đóng lại tàu mới để tiếp tục vươn khơi”.
|
|
Ngư dân tựa nhau, đồng bào luôn đồng hành, hỗ trợ kịp thời, họ ra khơi sẽ không còn đơn độc. |
Đó không chỉ là chủ trương của chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” thuộc Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao Động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, mà là cam kết của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài với bà con ngư dân. “Tôi có thể khẳng định ngay điều đó, bởi thành quả thực hiện của chương trình này trong thời gian ngắn vừa qua” - ông Thanh nói.
Thật vậy, chỉ trong vòng 1 năm triển khai, chương trình đã tiếp nhận được gần 30 tỉ đồng. Có nhiều cá nhân, doanh nghiệp đóng góp cả tiền tỉ, nhưng cũng có cả vạn người dân, công nhân lao động nghèo chia sẻ bằng tin nhắn để được góp 14.000 đồng. Quan trọng hơn cả là tấm lòng của đồng bào cả nước đã dành cho ngư dân. Đó không chỉ là sự hỗ trợ thiết thực bằng vật chất, giúp những ngư dân gặp hoạn nạn có điều kiện trở lại vùng biển truyền thống của mình để làm ăn, mà là cả một tấm lòng, nghĩa tình của đồng bào hướng về biển đảo quê hương.
Nói về “món quà” đến 1,5 tỉ đồng mà Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam vừa tài trợ cho chương trình, ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch Công đoàn ngân hàng này - cho biết: “Tôi nghĩ đó không chỉ là nghĩa tình của doanh nghiệp đối với ngư dân miền Trung, mà đó còn là trách nhiệm. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi là làm kinh tế, ngư dân cũng làm kinh tế, nhưng sự hiện diện của họ trên vùng biển tổ quốc còn có ý nghĩa khẳng định và bảo vệ chủ quyền, vì vậy khi họ gặp khó khăn, nguy khốn, thì chúng tôi phải có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ họ”.
Bà Nguyễn Hoàng Oanh - GĐ nghiệp vụ bảo hiểm, TCty Bảo hiểm PPI - nói rằng, khi biển bình yên, ngư dân mình ít coi trọng đến việc mua bảo hiểm cho con tàu, vì vậy, mất tàu là bại nghiệp, lâm nợ. Nhiều người không còn khả năng tự đóng mới tàu, trở lại nghề biển. Giúp họ đóng tàu là đương nhiên, nhưng để giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh hiện nay, cần phải phòng ngừa bằng việc trang bị bảo hiểm. Chính vì điều đó mà Cty Bảo hiểm PPI chúng tôi đã quyết định thành lập Quỹ Bảo hiểm “An ngư Việt” để đồng hành với ngư dân. Trước mắt, quỹ sẽ tài trợ cho chương trình Tấm lưới nghĩa tình 30 suất bảo hiểm tàu cá với mức bảo hiểm rủi ro gần 10 tỉ đồng.
Luôn tồn tại hiểm nguy
Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao Động (tiền thân là Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động) đã hình thành, hoạt động và tạo được tiếng vang lớn từ 16 năm nay. Với sự chung tay góp sức của cả cộng đồng xã hội, quỹ đã thực hiện được nhiều chương trình vì người nghèo, đặc biệt là CNVCLĐ nghèo, như: “Mái ấm công đoàn”, góp tết với người nghèo, sẻ chia khó khăn với đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, công nhân tai nạn, trẻ em bị bệnh tim... với số tiền, hàng hoá quyên góp, hỗ trợ cộng đồng lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Tuy vậy, chưa bao giờ quỹ có một chương trình trọng điểm, có tính xuyên suốt, lâu dài như “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”.
Hơn 30 tỉ đồng huy động chỉ sau 1 năm triển khai, và gần 15 tỉ đồng đã trao tận tay, chính xác đến các ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn sau 3 tháng. Đó chính là sự đồng thuận của đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động toàn quốc, sự ủng hộ nhiệt thành của toàn xã hội.
Sau hôm chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” kết thúc tại Quảng Ngãi, hàng loạt xưởng đóng tàu ở duyên hải miền Trung nhận được đơn đặt hàng đóng mới tàu. Niềm vui như vỡ oà, có thể làm “khuỵu ngã” nhiều gia đình ngư dân được hưởng lợi từ chương trình như trường hợp Võ Văn Tâm ở Lý Sơn. Nhưng ngoài khơi, hàng ngàn tàu cá khác cũng lại đang phải đối mặt với bao sự hiểm nguy, bất ổn của đại dương.
Bà Huỳnh Thị Như Hoa - chủ tàu cá DNa-90152 ở phường Xuân Hà, Đà Nẵng - một trong 7 gia đình ngư dân của TP.Đà Nẵng được nhận hỗ trợ 40 - 100 triệu đồng đợt này - chưa dứt niềm vui thì đã nhận hung tin, lại có bạn tàu vong mạng trên biển.
Ngư dân Nguyễn Văn Tiến, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng - người đã cùng chồng bà Hoa dọc ngang vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa gần 20 năm nay, vừa rơi xuống biển trong lúc bất cẩn và đến thời điểm này vẫn chưa tìm được thi thể. Ông Tiến nằm lại với biển, để lại ở quê nhà 2 con nhỏ và người vợ tật nguyền cùng tương lai mờ mịt.
Theo Katie Trần VnExpress
Bình luận