Thứ bảy, 27/04/2024, 02:36 [GMT+7]

Người giữ hương vị món ăn truyền thống

Thứ năm, 01/10/2020 - 09:04'
Chị Hoàng Thị Bình (dân tộc Giáy ở bản San Thàng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu) được mọi người gọi với tên thân mật “Người giữ hương vị món ăn truyền thống”.

Sinh ra, lớn lên ở xã Tả Van (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), năm 18 tuổi chị Bình lập gia đình và về xã San Thàng (thành phố Lai Châu) sinh sống. Vốn là người khéo tay, ham học hỏi, chị thường xuyên được mẹ chồng dạy làm những món ăn truyền thống của người Giáy. Từ đó, chị nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê với ẩm thực dân tộc. Chị Bình kể: “Hồi ấy mới về nhà chồng, mình rất ấn tượng với những món ăn của mẹ chồng nấu, nhìn thì rất đơn giản nhưng lại có hương vị đặc biệt. Vì vậy, ngoài làm việc đồng áng, mình tranh thủ học các món ăn như: phở chua, bánh bỏng, thắng cố... Khi đã học được một số bí quyết của mẹ chồng, để nâng cao thu nhập, 1 tuần 2 buổi chợ phiên mình làm phở chua, bánh cuốn, thắng cố… mang đi bán”. Tiếng lành đồn xa, dần dà các món ăn của chị được nhiều người biết đến, khách ngày một đông. Khi đã tích cóp được chút vốn, năm 2006 chị bàn với chồng mở quán phở tại nhà. Ngoài bán phở chua, vợ chồng chị Bình còn làm phở thịt lợn. Không những “nghiện” hương vị phở của chị, khách hàng còn giúp chị giới thiệu với mọi người.

Chị Bình chế biến phở cho khách.

Năm 2013, thấy khách có nhu cầu ăn thắng cố, chị Bình tìm mua nguyên liệu về làm. Món thắng cố của chị cũng rất đặc biệt, không chỉ hương vị thơm ngon mà còn là cái tâm của người chế biến. Theo chị Bình, phở và thắng cố của người Giáy có từ rất lâu và được truyền từ đời này, qua đời khác cho đến ngày nay. Tuy nhiên, cuộc sống bây giờ bận rộn, nhiều nơi làm phở, thắng cố không còn giữ được hương vị món ăn truyền thống của người Giáy như trước. Do đó, để giữ khách, chị Bình vẫn tự tay tráng bánh phở, nấu thắng cố. Để làm được bánh phở mềm, mang hương vị riêng, chị thường chọn gạo khang dân được cấy vào vụ mùa ở xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường). Chị Bình giải thích, gạo khang dân ở Hồ Thầu khi ngâm qua nước thì nhanh mềm, xay thành bột rất mịn và tráng bánh không bị dính, khi cắt thành bánh phở vừa mềm, vừa dai. Nước phở của chị cũng rất đặc biệt từ xương lợn ninh, gia vị cho đến nguồn nước. Chị không sử dụng nguồn nước máy sẵn có mà sử dụng mạch nước ngầm từ khe núi chảy về để nấu nước phở. Chính nguồn nước tinh khiết, mát lành, ngọt tự nhiên đã tạo nên bát phở thơm, ngon, vị đậm đà mang đến thương hiệu riêng cho chị Bình.

Không chỉ phở, món thắng cố thịt ngựa cũng được chị chăm chút từ nguyên liệu đến các gia vị. Thắng cố nhà chị không thể thiếu các gia vị như: sả, gừng, tỏi, mắc khén, hạt tê, hoa hồi, vỏ quế… Muốn món thắng cố thịt ngựa mềm, thơm, trước khi cho vào xào chị Bình ướp gia vị trước từ 20 - 30 phút. Khi xào phải dùng mỡ ngựa thì món thắng cố mới dậy mùi. Đặc biệt, khi nấu thắng cố, chị không sử dụng bếp điện hay ga mà được nấu trên bếp củi và phải dùng một chiếc chảo lớn cho tất cả: thịt ngựa, lòng phèo, tim, gan, tiết ngựa… vào chảo xào đến khi miếng thịt se se cạnh, thì đổ nước vào ninh sôi khoảng một tiếng đồng hồ thì món ăn mới thơm. Để nồi nước dùng thắng cố được ngon, khi sôi chị còn cẩn thận múc từng muỗng bọt ra để nước xương thêm ngọt, thêm trong. Trước khi mang đến cho khách thưởng thức chị còn bỏ thêm ít thảo quả, sử dụng các loại rau thơm để tạo nên sự khác biệt cho món ăn.

Hầu hết khách đến đều là những người đã ăn phở, thắng cố của chị rất nhiều năm, cũng bởi hương vị phở, thắng cố dường như đặc biệt so với những nơi khác, giá cả phải chăng, khách đến ăn mua bao nhiêu tiền cũng bán, một bán phở có giá từ 10 - 30 nghìn đồng, tùy vào nhu cầu của khách. Vì vậy, chị Bình đã giữ được một lượng khách nhất định. Anh Hảng A Dua ở bản Tả Lèng (xã Tả Lèng, huyện Tam Đường) có nhiều năm ăn phở, thắng cố nhà chị Bình chia sẻ: “Tôi thích phở và thắng cố của chị Bình khi chị còn bán ở chợ phiên San Thàng. Đến khi chị mở quán, mỗi dịp có việc qua đây tôi luôn tìm đến để thưởng thức. Từ khi có chợ đêm San Thàng, vào chiều thứ 7 hàng tuần tôi thường đưa vợ, con đi chợ chơi cũng là đến quán chị Bình để ăn một bát phở, hay bát thắng cố”.

Tính đến nay, chị Bình có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm phở, thắng cố. Làm nghề này tuy vất vả, phải dậy sớm, thức khuya nhưng bù lại chị vừa giữ được niềm đam mê với món ăn truyền thống, vừa được người tiêu dùng ủng hộ, lại có thu nhập ổn định cho gia đình. Hiện tại, thu nhập bình quân của gia đình chị (trừ chi phí) khoảng 500 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, chị còn tạo thu nhập cho 2 lao động thường xuyên với mức lương từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Để giữ gìn các món ăn truyền thống, đặc biệt là phở và thắng cố, chị Bình hiện đang truyền dạy bí quyết cho con dâu. Chị mong muốn sau này, khi sức khỏe không còn thì con dâu sẽ là người kế cận truyền thống của gia đình, để các lớp thế hệ người Giáy sau sẽ nhớ và biết đến những món ăn truyền thống của dân tộc mình.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...