Thứ bảy, 20/04/2024, 21:22 [GMT+7]

Chính sách tài chính quốc gia phải đóng vai trò tiên phong trong phân bổ các nguồn lực

Thứ tư, 17/11/2021 - 07:58'
Chiến lược tài chính giai đoạn 2021 – 2030 đặt ra yêu cầu chính sách tài chính quốc gia phải đóng vai trò tiên phong trong việc huy động, giải phóng, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ , đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số góp phần định hướng, dẫn dắt các nguồn lực xã hội vào các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn.

Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh: M.P)

Ngày 16/11, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 với chủ đề “Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam” được Bộ Tài chính tổ chức với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). Đây là Diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017.

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Chiến lược 10 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, và các Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt trong bối cảnh thế giới và trong nước đang trải qua những tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020. Sau gần 10 năm thực hiện, kết quả đạt được từ việc triển khai các nội dung của chiến lược là khá toàn diện, góp phần quan trọng vào việc củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phân bổ các nguồn lực tài chính, củng cố tiềm lực tài chính quốc gia, cải thiện dư địa tài chính. Vì vậy, trong 2 năm qua về mặt chính sách tài khóa, chúng ta đã chủ động đưa ra các giải pháp về tài chính, ngân sách ứng phó có hiệu quả trước tác động của dịch COVID-19.

Theo đó, đã huy động tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài nước đảm bảo đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 bằng 33,7% GDP, đạt mục tiêu (32-34% GDP) và cao hơn giai đoạn 2011-2025 (31,7% GDP).

Chính sách thuế, phí đã được rà soát, hoàn thiện cùng với việc đẩy mạnh và hiện đại hóa công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN). Nhờ đó, tiềm lực tài chính nhà nước ngày càng được tăng cường, thu NSNN hàng năm vượt dự toán, quy mô thu NSNN ngày càng tăng, giai đoạn 2011 - 2020 cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2001 - 2010. Tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 24,7% GDP.

Cơ cấu thu ngân sách bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa ngày càng cao trong tổng thu NSNN. Tỷ trọng thu nội địa tăng từ mức bình quân 68,7% giai đoạn 2011-2015 lên 82% giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020 đạt 85,6%.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng nhận định, bên cạnh các kết quả tích cực, việc triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 cũng gặp những khó khăn, thách thức từ sự biến động của môi trường kinh tế, chính trị thế giới cũng như những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết.

Cùng với đó, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ, nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế và đời sống nhân dân, làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông và đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống y tế, giáo dục, an sinh xã hội.

Về khía cạnh tài khóa, do tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, một mặt chúng ta phải tăng chi đột xuất và quy mô lớn; mặt khác do tác động của dịch bệnh và việc thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, nên thu NSNN năm 2020 không đạt dự toán, nhưng mức hụt thu thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó (chỉ hụt 31 nghìn tỷ đồng so với dự toán; số đã báo cáo Quốc hội dự kiến hụt 189 nghìn tỷ đồng).

Theo TS. Nguyễn Như Quỳnh Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), Chiến lược tài chính giai đoạn 2021 – 2030 đặt ra yêu cầu chính sách tài chính quốc gia phải đóng vai trò tiên phong trong việc huy động, giải phóng, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ , đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số góp phần định hướng, dẫn dắt các nguồn lực xã hội vào các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên thì cần chú trọng hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực tài chính quốc gia nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu ngân sách nhà nước, hướng tới một hệ thống thu ngân sách nhà nước đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại thu theo hướng bền vững, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường huy động các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước.

Đặc biệt quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi ngân sách nhà nước, nợ công phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, khả năng vay - trả nợ của nền kinh tế; từng bước cải thiện dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia./.



Cập nhật Thứ ba, 16/11/2021 17:08 (GMT+7)/M.P/dangcongsan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...