Thứ tư, 24/04/2024, 12:05 [GMT+7]

Tăng tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi: Khó khăn ở Tân Uyên

Thứ sáu, 25/11/2022 - 09:35'
Sau khi ra khỏi diện Chương trình 30a/CP của Chính phủ, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Uyên bị cắt giảm nhiều nguồn hỗ trợ, trong đó có nguồn vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Điều này gây khó khăn cho việc tăng tỷ lệ tiêm phòng bảo vệ đàn vật nuôi.

Theo thống kê, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo của huyện Tân Uyên năm nay đạt tương đối thấp so với tổng đàn. Từ đầu năm đến nay chỉ thực hiện tiêm được 1.090/6.476 con, đạt 16,8%, trong đó: thị trấn Tân Uyên 800 liều/1.934 con; xã Phúc Khoa 67 liều/597 con; Nậm Cần 223 liều/273 con. Vài tháng qua, trên địa bàn tỉnh bệnh dại xuất hiện trở lại đã gây tâm lý lo lắng cho không ít người dân. Thế nhưng, để người dân từ khu vực trung tâm đến các xã vùng sâu, vùng xa quản lý tốt việc nuôi chó mèo cũng như tiêm đầy đủ vắc-xin phòng cho các loại vật nuôi khác là bài toán khó giải.
Hiện nay trên địa bàn huyện Tân Uyên có 45.963 con trâu, bò, lợn, trong đó: 18.740 con trâu, 24.912 con lợn, còn lại là bò. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc của huyện luôn ở mức cao so với các huyện trong tỉnh, năm 2022 dự ước đạt 74%. Đối với địa bàn thị trấn huyện có khoảng 20 cơ sở chăn nuôi tập trung đàn gia súc (trâu, bò). Ngoài ra, tại xã Pắc Ta có trang trại lợn với quy mô gần 10.000 con của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Nông nghiệp Lai Châu. Ở những cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, việc tiêm phòng vắc-xin cơ bản đảm bảo, phục vụ tốt cho việc phòng bệnh. Nhưng khó nhất là ở những hộ dân có quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ và không tập trung.
Anh Nguyễn Duy Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chia sẻ: Các hộ dân ở địa bàn thị trấn hoặc khu vực trung tâm xã nhận thức tốt và có điều kiện kinh tế nên khi vận động tuyên truyền là bà con chủ động mua vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Nhưng ở các địa bàn xa xôi, giao thông cách trở, nhận thức thấp thì chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngay cả những năm trước, Nhà nước cho không, các hộ cũng không chủ động phòng bệnh cho vật nuôi thông qua việc tiêm phòng vắc-xin.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên tuyên truyền các hộ chăn nuôi ở bản Nà Bảo (xã Thân Thuộc) thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên tuyên truyền các hộ chăn nuôi ở bản Nà Bảo (xã Thân Thuộc) thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Qua tìm hiểu ở các bản xa trung tâm chúng tôi nhận thấy, các hộ chăn nuôi cũng mong muốn được tiêm phòng cho đàn gia súc. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là nhiều loại vắc-xin đóng gói với lượng lớn, không phù hợp với đàn vật nuôi nhỏ lẻ. Chẳng hạn như 1 lọ vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu, bò gồm 25 liều tiêm được khoảng 23 con gia súc. Nhưng ở các hộ nuôi nhỏ lẻ có quy mô đàn khoảng dưới 10 con hoặc đa phần là mỗi gia đình nuôi
2 - 3 con trâu, bò để lấy sức cày kéo. Muốn tiêm phải gom các hộ lại với nhau thì mới sử dụng hết một liều, nếu 1 hộ sử dụng thì rất lãng phí. Trong khi thời gian bảo quản vắc-xin rất ngắn, điều kiện nhiệt độ thấp ở tủ lạnh hoặc ướp đá, nhiều loại chỉ có tác dụng khi bỏ ra ngoài khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ; đối với vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, khi pha thuốc xong chỉ có tác dụng trong 2 giờ. Các loại vắc-xin khác thời gian lâu nhất được khoảng 1 ngày hoặc 10 tiếng. Mặt khác, mỗi liều vắc-xin tiêm phòng bệnh cho trâu, bò, lợn chỉ hiệu quả trong 6 tháng và lại tiếp tục tiêm thì mới có tác dụng phòng bệnh lâu dài. Do đó, trung bình mỗi năm huyện tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh 2 đợt.
Theo thống kê những năm trước, được Nhà nước hỗ trợ, tỷ lệ gia súc được tiêm vắc-xin phòng bệnh đạt 95%. Năm nay, với khó khăn trên, số gia súc được tiêm phòng dự ước chỉ đạt 70%. Qua theo dõi các năm cho thấy, trên địa bàn huyện đã xảy ra các loại bệnh trên đàn gia súc như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng trên đàn trâu, bò, lợn; viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò và bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi kéo dài dai dẳng, khi phát hiện lợn có bệnh, cán bộ chuyên môn các cấp kịp thời nắm tình hình, hướng dẫn bà con xử lý bằng cách chôn lấp vật nuôi chết và tiến hành tiêu độc khử trùng, không còn mầm bệnh nữa mới tái đàn.
Trong điều kiện thực tế ở địa bàn, đời sống người dân còn khó khăn, chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, nay không được Nhà nước hỗ trợ nguồn vắc-xin phòng bệnh, các cơ quan chuyên môn của huyện tích cực tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi theo dõi sát sao tình hình sức khỏe vật nuôi, chú ý đối với bệnh xuất hiện do chuyển mùa (tụ huyết trùng), chủ động mua vắc-xin phòng bệnh sớm. Các lớp dạy nghề ngắn hạn cũng tập trung hướng dẫn người dân cách sử dụng vắc-xin hiệu quả cũng như cách thức phòng bệnh hợp lý để giảm tối đa các loại bệnh trên đàn vật nuôi.
Theo đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, giải pháp căn bản và chủ yếu nhất thời gian tới vẫn là tuyên truyền người dân tự chủ nguồn chi phí tiêm phòng bệnh trong chăn nuôi với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và nhấn mạnh thiệt hại về kinh tế để bà con nâng cao nhận thức, tự giác thực hiện.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...