Thứ bảy, 14/09/2024, 15:06 [GMT+7]

Thương thay số phận đào rừng

Thứ năm, 02/02/2012 - 16:52'
(BLC) - Không rực rỡ, quý phái như hoa hồng, hoa ly, hoa đào với vẻ đẹp bình dị, mặn mà của một chút dân dã, một thoáng phong trần nhưng lại làm nên điều kỳ diệu cho mùa xuân đó là không khí tết.

Người dân vứt bỏ cành đào sau tết.

Cứ mỗi độ xuân về, người người, nhà nhà lại ráo riết đi tìm không khí tết từ những cành đào. Theo nhiều người, cành đào càng đẹp, càng xù xì, mốc thếch, rêu phong… thì càng thể hiện vị thế gia chủ. Từ cái “thú” chơi đồ tự nhiên, hoang dã và vẻ đẹp tinh tế, khoẻ khoắn của những cành đào sống hoang dại nên càng ngày cái tên “đào rừng” càng được lùng gắt gao đến độ muốn cạn kiệt. Sau 3 ngày tết, những gì tinh tuý, sức sống mãnh liệt, vẻ đẹp hoang sơ ấy cũng phải ra “nằm” cùng với những vỏ bánh chưng, hoa quả, bánh kẹo ngoài bãi rác!

Cuối năm Tân Mão, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ người nhà ở Hà Nội với nội dung gọn lỏn: Chú kiếm cho anh 2 cành đào rừng thật đẹp để làm quà biếu lãnh đạo. Nhận lời mà lòng cứ lo ngay ngáy. Suốt từ ngày 22 tháng chạp đến mãi chiều 30 tết, tôi cứ lang thang các chợ đào ở thị xã mà tìm cho được cái thứ hoa “đặc sản” ấy. Càng đến gần tết, người dân khắp nơi quanh vùng càng mang nhiều cành đào về bán. Ai cũng bảo đó là đào rừng, ai cũng “thét” giá lên tới tận mây xanh cho dù cành đào chắc chỉ xứng đáng với cái tên là nhánh. Chẳng mốc meo, không xù xì cũng chẳng mấy lộc mấy nụ nhưng cành bé thì 500 ngàn, cành lớn thì gấp rưỡi, gấp đôi, nếu đúng là đào rừng thật sự thì có khi tiền triệu cũng khó kiếm. Cánh lái xe đường dài qua các tỉnh như: Sơn La, Điện Biên, Yên Bái hoặc khu vực Sa Pa đều kể rằng đào rừng chính hiệu giá thấp cũng phải 3 triệu đồng một cành. Thế mới biết đào rừng nó có giá nhưng có hạn, còn những thứ na ná như thế thì lại rất nhiều và cũng có giá nhờ được… mang tiếng.

Khi đời sống vật chất đã tương đối đầy đủ thì người ta sẽ nâng “chuẩn” hưởng thụ lên tầm cao hơn. Khi ấy, quà bánh ngày tết đã trở thành tầm thường thì một cành đào chục năm tuổi thậm chí vài chục năm tuổi, hội tụ đầy tinh khí của đất trời, sống trong sương giá, hoang nguyên chốn rừng núi linh thiêng nghiễm nhiên trở thành quà quý. Từ khi đào rừng trở thành của quý thì nó lại ngày càng hiếm. Với giá tiền là thu nhập của cả mấy tháng mà người nông dân vùng khó khăn có thể kiếm được thì đương nhiên những cành đào rừng sẽ bị khai thác với cường độ của sự tận diệt. Tuy không nhiều nhưng tôi cũng đã gần 10 năm đón tết ở Lai Châu, những năm đầu tiên việc tìm một cành đào, thậm chí là đào rừng là chuyện đơn giản nhưng những năm gần đây những cành đào “giả đào rừng” cũng đã khó tìm được cành đẹp còn đào rừng chuẩn thì than ôi, những công chức như tôi chắc chỉ dám thưởng thức khi nó còn… ngoài chợ.

Một người bạn làm giáo viên ở một xã vùng cao của huyện Sìn Hồ (nơi được coi là “vựa đào rừng” ở tỉnh ta) ái ngại khi tôi nhờ vả: “Ông ơi, đào nhà cũng khó tìm cành đẹp chứ nói gì đào rừng. Giờ ông có mua gốc đào rừng thì chắc là còn”. Tôi buồn! Không phải là buồn vì không được việc mà buồn cho số phận cây đào rừng. Cái vẻ đẹp khẳng khái tự nhiên, mạnh mẽ hoang nguyên của nó khiến người ta đam mê nó, săn lùng nó và vẻ đẹp ấy cũng là lời nguyền chí mạng đối với từng phận đào rừng. Theo lời kể của những người già, trong những chuyến công tác tôi may mắn được gặp thì ngày xưa, đào rừng, mận rừng nhiều lắm, bây giờ chẳng có mấy, chẳng biết nó đi đâu hết (?!). Cũng dễ hiểu, với tốc độ khai thác ở cấp độ tàn phá này thì chắc chẳng mấy chốc có khi người dân Lai Châu phải về các làng đào miền xuôi mà mua đào cổ.

Các nghệ nhân trồng đào cho biết phải mất tối thiểu 20 năm trong điều kiện chăm sóc của nhà vườn thì một gốc đào thường mới trở thành đào cổ, còn đào rừng có lẽ phải lâu hơn như thế. Hơn 20 năm, thời gian đủ để một đứa trẻ trưởng thành mới có được một gốc đào của tự nhiên, trong cái khắc nghiệt của thời tiết, cũng là ngần ấy năm để hấp thụ tinh khí của trời đất mà thành được một gốc đào rừng. Ấy vậy mà chỉ một lần chặt, bao nhiêu công sức của tự nhiên chỉ còn trơ cái gốc.

… 3 ngày tết những giá trị ấy lại trở thành thứ bỏ đi chẳng một chút giá trị. Khi ấy những “hồn rừng” nếu có linh hồn chắc cũng chỉ biết trách mình mang tiếng đào rừng, sinh ra ở rừng mà thôi. Còn con người lại làm những công việc thường niên ấy là tháo những tua rua, kim tuyến, đèn nháy trang trí, lau bình, cọ lục để chờ năm sau tiếp tục tìm mua đào rừng bày tết.

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Chung tay đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) triển khai nhiều giải pháp nhằm chung tay phòng, chống tảo hôn (TN), hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trên địa bàn.
Tô thắm hình ảnh của người chiến sỹ công an
Với sự mưu trí, dũng cảm, tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, Thiếu tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng Công an xã Bản Giang (huyện Tam Đường) đấu tranh thành công nhiều vụ án ma tuý, khai thác...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.