Thứ ba, 19/03/2024, 15:04 [GMT+7]

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Thứ hai, 19/10/2020 - 09:51'
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động ở khu vực nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, quyết định nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nậm Nhùn đã quan tâm chỉ đạo, triển khai, thực hiện nghiêm túc công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ đó, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Người dân xã Trung Chải (huyện Nậm Nhùn) tham quan mô hình nuôi gà theo kiến thức mới.

Lê Lợi là xã có nhiều điểm, hộ tái định cư thủy điện nên có diện tích đất nông nghiệp ít. Với mục tiêu nâng cao tỷ trọng nền kinh tế, xã chú trọng công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học công nghệ, cách làm mới trong sản xuất, chăn nuôi đến người dân để giúp các hộ phát triển kinh tế phù hợp mang lại thu nhập. Đồng chí Nguyễn Thị Nụ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Lợi cho biết: “Trước đây, việc chăn nuôi, sản xuất của người dân trong xã chủ yếu dựa trên kinh nghiệm truyền lại từ thế hệ trước cho thế hệ sau; hầu hết sản xuất theo hướng tự nhiên chưa áp dụng tiến bộ khoa học, nên chất lượng vật nuôi, năng suất cây trồng còn thấp, chưa thực sự mang lại giá trị về kinh tế. Nắm được nhu cầu của người dân, mong muốn được tiếp cận với những kiến thức mới trong sản xuất nông nghiệp, hàng năm xã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tỉnh, huyện mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn tại địa phương, dựa trên nhu cầu đăng ký của người dân. Qua các lớp học, đặc biệt là việc được tiếp thu lý thuyết kết hợp với thực hành các mô hình giúp người dân tiếp thu kiến thức nhanh và nhớ lâu, áp dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế gia đình, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng 1 diện tích canh tác”.

Từ năm 2017 đến nay, xã Lê Lợi phối hợp mở 3 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 87 học viên là lao động địa phương, đạt 100% kế hoạch. Từ kiến thức được học, nhiều học viên áp dụng vào phát triển trồng, chăm sóc các cây trồng mới. Hình thành vùng sản xuất cây công nghiệp đạt hơn 510ha, trong đó 478,49ha cây cao su, 28,5ha cây mắc-ca và gần 20ha cây ăn quả các loại. Người dân nắm được kiến thức nghề nghiệp, tạo việc làm tại chỗ, giúp nâng thu nhập bình quân đầu người lên 20 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm xuống còn 22 hộ (bằng 6,2%), bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Chú trọng làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện thành lập Ban Chỉ đạo, huyện giao Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ, TB&XH) huyện là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tham mưu xây dựng quy chế hoạt động cụ thể.

Bà Lại Thị Huế - Trưởng Phòng LĐ, TB&XH huyện Nậm Nhùn cho biết: “Thực hiện kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, phòng phối hợp với UBND các xã, thị trấn điều tra, rà soát nhu cầu đào tạo nghề của người lao động trên địa bàn, xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí đào tạo nghề gửi Sở LĐ, TB&XH tổng hợp đối với nghề phi nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với nghề nông nghiệp để tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch, HĐND huyện giao dự toán và chỉ tiêu đào tạo nghề nông thôn, phòng phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo hướng dẫn các xã và cơ quan liên quan thẩm định, tuyển sinh học viên phối hợp với các cơ sở đào tạo đủ năng lực tổ chức thực hiện theo kế hoạch được UBND huyện phê duyệt”.

Từ năm 2017 đến nay, huyện Nậm Nhùn mở được 39 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với 1.200 học viên tham gia (đạt 100% kế hoạch), tập trung vào các nghề: trồng cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu; điện dân dụng, sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp với hình thức đào tạo dưới 3 tháng. Địa điểm tổ chức các lớp đào tạo nghề tại nhà văn hóa các xã, tạo nhiều thuận lợi cho học viên. Hầu hết các học viên sau khi tốt nghiệp khóa học nắm được kiến thức, áp dụng tốt vào công việc hàng ngày, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức về xuất khẩu lao động trong cộng đồng dân cư, Phòng LĐ, TB&XH huyện phối hợp với Sở LĐ, TB&XH tổ chức 26 buổi tập huấn cho cán bộ, trưởng bản và người lao động tại các xã: Nậm Hàng, Nậm Manh, thị trấn Nậm Nhùn, Lê Lợi, Pú Đao, Mường Mô... với hơn 1.820 người tham gia.

Quan tâm làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Nậm Nhùn tăng từ 37,3% đầu năm 2017 lên 47,5% vào cuối năm 2019; mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 600 lao động. Người dân có việc làm, đưa thu nhập bình quân toàn huyện đạt 28,5 triệu đồng/người/năm (tăng 2,1 lần so năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 19,66%. Giúp huyện Nậm Nhùn dần thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế với các huyện khác, làm tiền đề vững chắc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...