Thứ bảy, 14/09/2024, 23:52 [GMT+7]

Điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ: Gỡ khó cho bệnh viện, giảm chi cho người dân

Thứ bảy, 29/07/2023 - 10:02'
Cùng với việc ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT (Thông tư 13, có hiệu lực từ ngày 15-8-2023) quy định giá khám, chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu tại bệnh viện công, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật khám bệnh của gần 10.000 dịch vụ y tế. Đây là chiến lược tiến tới điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ, dự kiến áp dụng trong năm 2024-2025.

Người dân chờ khám, điều trị bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), sáng 24-7. Ảnh: Cao Thăng

Người dân chờ khám, điều trị bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), sáng 24-7. Ảnh: Cao Thăng

Chấm dứt “loạn giá”

Dù có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng lâu nay, khi ốm đau phải đi bệnh viện, chị Lê Thị H. (38 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) đều chọn bệnh viện tư hoặc khám theo yêu cầu tại các bệnh viện công. Tuy nhiên, điều chị H. và nhiều người băn khoăn là giá nhiều dịch vụ KCB theo yêu cầu tại các bệnh viện công không có sự thống nhất, thậm chí bệnh viện hạng 1 nhưng viện phí theo yêu cầu lại cao hơn hạng đặc biệt.

Cụ thể như Bệnh viện Bạch Mai có giá KCB cao nhất là 150.000 đồng/lượt (khám giáo sư), nhưng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giá khám theo yêu cầu tối đa là 450.000 đồng/lượt (gần đây đã điều chỉnh còn 300.000 đồng/lượt) và không phân biệt khám giáo sư hay bác sĩ giỏi. Trong khi đó, tại TPHCM, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Bệnh viện Nhân dân 115 có chi phí khám cao nhất là 500.000 đồng/lượt, nhưng ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM, giá khám tối đa là 200.000 đồng/lượt.

Ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết, qua khảo sát, tỷ lệ bệnh nhân lựa chọn KCB theo yêu cầu chỉ dưới 10% tại các bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh, còn ở tuyến huyện hầu như không có. Thời gian qua, các bệnh viện công triển khai cung ứng dịch vụ KCB theo yêu cầu dựa trên nhiều văn bản khác nhau và chưa có hướng dẫn cụ thể về khung giá chung. Do đó, Thông tư 13 ra đời nhằm thống nhất viện phí theo yêu cầu và các điều kiện khám dịch vụ cho bệnh viện công, không để tình trạng mỗi nơi một giá hoặc điều kiện vật chất, dịch vụ chưa tương xứng với giá mà bệnh viện quy định. Tuy nhiên, phải khẳng định viện phí theo yêu cầu chỉ áp dụng cho người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu và không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT hoặc không có nhu cầu KCB tự nguyện.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc tính đúng, tính đủ cùng lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB là nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập tự chủ, nâng cao chất lượng KCB, bảo đảm chế độ, chính sách để “giữ chân” cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao; đồng thời có thêm nguồn vốn đầu tư cho y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho rằng, Thông tư 13 là văn bản đầu tiên hướng dẫn cụ thể bằng luật về thực hiện KCB theo yêu cầu. Đây là thông tư quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển của các bệnh viện và nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân.

“Thông tư là tiền đề của việc thực hiện Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) chuẩn bị có hiệu lực về tính đúng, tính đủ giá KCB và là cơ sở pháp lý cho bệnh viện thực hiện tính đúng, tính đủ giá KCB. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bệnh nhân ung bướu đều là bệnh nhân nghèo, phải điều trị lâu dài nên việc điều chỉnh giá cũng sẽ tác động không nhỏ đến người bệnh. Vì vậy, bệnh viện đang xây dựng và điều chỉnh mức giá sao cho phù hợp nhất để cả bệnh viện và người bệnh đều có lợi”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn thông tin.

Còn theo TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Thông tư 13 rất “mở” cho các bệnh viện vì không quy định cố định giá mà có dải giá từ tối thiểu đến tối đa để các bệnh viện xây dựng giá phù hợp với từng bệnh viện và điều kiện cơ sở vật chất. Thông tư này cũng cho phép bệnh viện công thực hiện hợp tác công tư và liên doanh, liên kết với cơ sở y tế nước ngoài, chuyên gia y tế nước ngoài để nâng cao dịch vụ y tế phục vụ người dân.

Đảm bảo quyền lợi của người bệnh

Cùng với việc ban hành quy định thống nhất giá KCB theo yêu cầu ở bệnh viện công, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật khám bệnh của gần 10.000 dịch vụ y tế, tiến tới điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ. Dự kiến, danh mục này sẽ được ban hành và áp dụng tại các cơ sở y tế công lập khi Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.

Lý giải về việc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, kết cấu viện phí hiện chỉ gồm 4/7 yếu tố: thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp. 3/7 yếu tố cấu thành viện phí vẫn chưa tính vào là sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Do đó, người bệnh vẫn phải chi tiền túi tới 40% trong tổng chi phí KCB.

Tính đến năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành danh mục hơn 18.000 kỹ thuật KCB và trên cơ sở đó đã xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, giá các dịch vụ kỹ thuật (mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế). Tuy nhiên, qua thực tế triển khai có nhiều dịch vụ y tế bị trùng lặp nên Bộ Y tế đang cùng các bệnh viện sắp xếp lại, hoàn thiện xây dựng danh mục khoảng 10.000 định mức kinh tế kỹ thuật và đây là cơ sở để điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ.

“Sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ thì sẽ từng bước giảm chi của người dân. Việc tính đúng giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh

 

v
Về việc viện phí thời gian tới sẽ tăng cao khi tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành, nhiều ý kiến nhận xét, hiện lương cơ sở đã tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng nên viện phí tăng lên là vấn đề không tránh khỏi, nhưng quan trọng là các bệnh viện phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và tinh thần, thái độ phục vụ cho tương xứng.

Đại diện nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM cũng cho rằng, viện phí BHYT đã được xây dựng 20 năm qua là rất lỗi thời. Ví dụ như dịch vụ siêu âm tại bệnh viện có giá 49.500 đồng/lượt, nhưng y tế tư nhân “tính đúng, tính đủ” đã thu tới 200.000-300.000 đồng/lượt.

Với nguồn thu viện phí “thu không đủ chi” như vậy, các bệnh viện công khó duy trì và phát triển chuyên môn phục vụ người bệnh được tốt. Vấn đề tất yếu là phải tính đúng, tính đủ viện phí, từ đó bệnh viện mới có điều kiện phát triển, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh và ngày càng giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Bộ Y tế vừa đề xuất điều chỉnh viện phí được thực hiện theo sự thay đổi mức lương cơ sở. Theo Bộ Y tế, lương cán bộ y tế là một trong những yếu tố cấu thành giá dịch vụ KCB. Do đó, nếu tính chi phí do điều chỉnh lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, giá dịch vụ KCB sẽ tăng 5%, chi Quỹ BHYT tăng khoảng 2.700 tỷ đồng mỗi năm và phương án tăng viện phí có thể được áp dụng trong tháng 7-2023. Nếu tính thêm chi phí quản lý, giá dịch vụ KCB sẽ tăng thêm 4%, dự kiến chi Quỹ BHYT khoảng 2.180 tỷ đồng/năm. Bộ Y tế sẽ đánh giá chi phí khấu hao theo từng hạng bệnh viện, chuyên khoa, đề xuất lộ trình từng bước tính khoản này vào giá dịch vụ KCB. Việc tính toán sẽ đảm bảo khả năng cân đối Quỹ BHYT, khả năng chi trả của người bệnh, tình hình kinh tế - xã hội. Phương án tăng này dự kiến áp dụng từ cuối năm 2025.

Cập nhật 15:20 - Thứ Ba, 25/07/2023 /https://www.baodienbienphu.com.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Chung tay đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) triển khai nhiều giải pháp nhằm chung tay phòng, chống tảo hôn (TN), hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trên địa bàn.
Tô thắm hình ảnh của người chiến sỹ công an
Với sự mưu trí, dũng cảm, tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, Thiếu tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng Công an xã Bản Giang (huyện Tam Đường) đấu tranh thành công nhiều vụ án ma tuý, khai thác...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.