Chủ nhật, 19/05/2024, 12:43 [GMT+7]

Sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích: Còn nhiều bất cập

Thứ tư, 17/10/2012 - 10:16'
Hội thảo "Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội" vừa được Sở VH,TT&DL, Hội Di sản văn hóa và Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội phối hợp tổ chức đã bàn thảo đến vấn đề xưa nay ít được đề cập là làm thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí xã hội hóa trong việc tu bổ, tôn tạo di tích. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng sau những vụ việc xâm hại di tích gây bức xúc dư luận thời gian qua. 

Công trình tháp Báo Ân tại chùa Bằng A (quận Hoàng Mai) đã được tu bổ từ nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: Minh Nguyễn

Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, Hà Nội hiện đang sở hữu nhiều di tích nhất cả nước (5.175 di tích, trong đó có 1.165 di tích quốc gia). Phần lớn các di tích này nằm trong cộng đồng dân cư, do nhân dân xây dựng, gìn giữ, quản lý. Khi đời sống của người dân Thủ đô ngày càng khấm khá thì nguồn kinh phí xã hội hóa dành cho việc tu bổ, tôn tạo di tích cũng ngày một tăng (trung bình mỗi năm gần 300 tỷ đồng). Các di tích tiêu biểu được tu bổ từ nguồn xã hội hóa là đình Sở Thượng, phường Yên Sở (Hoàng Mai) với kinh phí hơn 15 tỷ đồng; tháp Báo Ân ở chùa Bằng A (Hoàng Mai) với kinh phí gần 50 tỷ đồng; di lăng và đền thờ Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) với kinh phí hơn 14 tỷ đồng… Người dân đóng góp sức người, sức của để trùng tu di tích đã góp phần chia sẻ gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; đồng thời là cách thể hiện sự quan tâm đối với di tích, song trên thực tế, sự đóng góp, phân bổ nguồn kinh phí này còn nhiều điều chưa hợp lý.

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết, nguồn kinh phí xã hội hóa dành cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích dạng chùa thường dễ huy động hơn các di tích dạng khác, trong khi việc công đức cho xây dựng, tôn tạo chùa chiền thường do sư trụ trì tiếp nhận. Những bài học trong thực tế đã chứng minh không phải vị sư nào cũng hiểu biết về Luật Di sản văn hóa, do vậy nguồn tiền này được sử dụng để tu bổ, tôn tạo di tích ở một số nơi đã làm sai lệch giá trị của di tích. Với các di tích dạng đình, đền thường do BQL di tích tiếp nhận, quản lý và trong một số trường hợp các BQL di tích đã tự lập dự án tu bổ, tôn tạo, không thông qua các cấp có thẩm quyền. Do nhận thức chưa đầy đủ, nhiều người dân còn cung tiến cho di tích đồ thờ, vật dụng "ngoại lai" như: linh vật tỳ hưu, tượng Bạch y, đèn đá, sư tử đá… khiến di tích trông giống như hình ảnh người mặc áo the, đội khăn xếp nhưng lại đi giày Tây.

Nếu như nguồn kinh phí xã hội hóa dành cho di tích dạng đình, chùa tương đối dồi dào thì hệ thống di tích cách mạng kháng chiến lại hầu như không có. Bà Nguyễn Thị Tình, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh trăn trở: "Việc khôi phục di tích tại số nhà 48 Hàng Ngang là quyết tâm lớn của chính quyền và nhân dân Thủ đô, nhưng vẫn chưa thể gần với hiện trạng những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1945 khi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập. Giá như các gia đình sinh sống quanh khu di tích sẵn sàng thực hiện hành vi xã hội hóa đối với di tích bằng cách tạo điều kiện về mặt bằng, cảnh quan thì chắc chắn di tích 44 Hàng Ngang đã khác những gì chúng ta thấy hôm nay. Ngoài ra, Hà Nội còn gần 300 di tích cách mạng khác rất cần sự chia sẻ, quan tâm của động đồng".

Trước những bất cập trên, ông Nguyễn Khắc Lợi kiến nghị: ngoài cái tâm, nhân dân - cộng đồng góp tiền, góp công để bảo vệ di tích, sư trụ trì, các BQL di tích cần ứng xử với di tích trên dựa trên các quy định của pháp luật. Đồng tình với quan điểm trên, bà Đào Thùy Linh, Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông cho biết thêm, 100% dự án tu bổ, tôn tạo di tích bằng nguồn vốn xã hội hóa ở quận Hà Đông đều do UBND các phường là chủ đầu tư. UBND các phường chủ động thành lập ban quản lý dự án, thuê đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát thi công. Bên cạnh đó, tiểu ban quản lý di tích nơi có di tích được trùng tu còn thành lập một tổ giám sát cộng đồng, thành phần gồm lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của địa phương, các cụ trong hội người cao tuổi có kinh nghiệm có hiểu biết về pháp luật, về giá trị văn hóa, kiến trúc của di tích tham gia giám sát trong suốt quá trình tu bổ. Không để di tích xuống cấp nghiêm trọng, nhân dân một số phường ở quận Tây Hồ đã cho BQL di tích vay tiền không tính lãi để tu bổ, tôn tạo di tích theo đúng quy trình. "Với sự chung sức, chung lòng của người dân, nỗi lo kinh phí để trùng tu, tôn tạo nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn quận Tây Hồ không còn là gánh nặng của nhà quản lý nữa" - ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Tây Hồ khẳng định.

Việc huy động nguồn lực xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo di tích đã khó, song việc sử dụng nguồn lực này sao cho hợp lý, hiệu quả còn khó hơn.

Theo Hiền Dung (hanoimoi)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...