Chủ nhật, 19/05/2024, 14:48 [GMT+7]

Thị trường công nghệ: Chậm phát triển vì sao?

Thứ sáu, 19/10/2012 - 10:49'
Cùng với các loại hình thị trường khác gồm bất động sản, tài chính, chứng khoán... thị trường công nghệ (TTCN) được xác định là lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, sau khoảng 10 năm phát triển, thị trường này được thừa nhận là chậm phát triển. 

Nhiều bất cập từ techmart

Thời gian qua, rất nhiều hoạt động xúc tiến phát triển thị trường công nghệ đã được triển khai, điển hình là các chợ công nghệ và thiết bị (techmart) cấp quốc gia hình thành từ năm 2003 đến nay và được tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Thông qua các techmart, các sàn giao dịch công nghệ, số lượng giao dịch công nghệ tăng khoảng 20%/năm. Cụ thể: số giao dịch của năm 2011 là 2.026, đạt 965,8 tỷ đồng, trong khi con số tương ứng của năm 2010 là 1.685 giao dịch và 548,6 tỷ đồng. Riêng techmart 2012 vừa diễn ra trong tháng 9-2012, đã có 1.200 hợp đồng, bản ghi nhớ được ký kết cùng hàng nghìn giao dịch mua bán công nghệ, thiết bị với tổng trị giá 1.526 tỷ đồng. 

Chợ công nghệ và thiết bị góp phần thúc đẩy lưu thông và chuyển giao các sản phẩm KHCN.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), techmart đã góp phần thúc đẩy lưu thông nguồn lực trí tuệ và nhân tài vì qua đó, nhiều nhà khoa học đã tìm được cơ hội để thương mại hóa công nghệ bằng cách bán bản quyền sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc liên doanh, liên kết lập doanh nghiệp. Điển hình như ông Trần Văn Dũng, được mời tham gia techmart 2003 để giới thiệu sản phẩm máy hút bùn. Nhiều người vẫn nhớ hình ảnh nhà sáng tạo quần chúng Trần Văn Dũng đến techmart với đôi dép đứt quai nhưng sau techmart, ông có nhiều đơn đặt hàng và hiện nay đã là tỷ phú. Hoặc như Viện Nghiên cứu cơ khí nông nghiệp đã tăng 200% doanh thu sau khi tham gia techmart...

Tuy nhiên, theo Cục Thông tin KHCN quốc gia, việc tổ chức techmart đã lộ ra nhiều bất cập. Đó là việc tổ chức KHCN không muốn chi phí vào hoạt động xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu vì chưa có quy định nào bắt buộc các chủ đề tài sau khi nghiệm thu cần phải công bố với xã hội kết quả thông qua techmart. Cụ thể là những hợp đồng ký kết tại các kỳ techmart triển khai được khoảng 30%. Ngoài ra, năng lực tiếp thị của bên cung công nghệ (các nhà KHCN) còn thấp, họ hầu như chưa chú trọng đến phát triển thị trường, còn hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ xúc tiến tiếp thị bán hàng. Ngoài ra, tính hoàn thiện của công nghệ nội sinh như một hàng hóa chất lượng cao còn hạn chế. Quan trọng hơn cả là techmart không đủ để xây dựng một TTCN khi một loạt những yếu tố khác đến nay chưa rõ ràng.

Thiếu nhiều định chế trung gian

Một thị trường muốn phát triển tất yếu phải hình thành trên cơ sở cung - cầu gặp nhau và tìm được tiếng nói chung. Bên cạnh yếu tố đặc thù, TTCN không thể tách rời xu hướng ấy. Trong khi đó, tính đến thời điểm này, tỷ lệ các đề tài của tổ chức khoa học trong nước được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh không cao, chỉ đạt 12-15%. Điều này cho thấy, cung và cầu công nghệ chưa gặp nhau. 

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân khẳng định, cơ chế kinh tế thiếu tính cạnh tranh nên chưa tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, khiến TTCN cũng trầm lắng theo. Trong khi đó, vấn đề xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn bất cập. Phía cầu hàng hóa là tri thức KHCN (đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp) còn thấp; khả năng cung cấp hàng hóa phù hợp, chất lượng tốt, giá cả hợp lý là sản phẩm nghiên cứu, công nghệ của các tổ chức KHCN hạn chế. Hệ thống trung gian, dịch vụ KHCN chưa phát triển, đặc biệt là dịch vụ giám định sở hữu trí tuệ, đánh giá khoa học và định giá công nghệ.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Trâm (ĐH Nông nghiệp Hà Nội), TTCN Việt Nam luôn trong cảnh trầm lắng vì hai nguyên nhân: người có nhu cầu không đủ tiền mua hoặc không thể đặt hàng cho người khác nghiên cứu; người có khả năng sáng tạo ra sản phẩm công nghệ cũng không có tiền. Họ có thể có ý tưởng nhưng thường là không đủ khả năng tài chính và nếu có sản phẩm thì thường vô cùng sơ khai, chưa thích hợp với thị trường.

Đặc biệt, với cách đánh giá các đề tài, dự án KHCN như hiện nay là chỉ theo những gì cam kết trong mục tiêu nghiên cứu đơn lẻ thì tính hoàn chỉnh của công nghệ theo dây chuyền dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Điều đó cho thấy sự thiếu vắng vai trò của các tổng công trình với nhiệm vụ ráp nối nhiều lĩnh vực khoa học, nhiều đề tài nghiên cứu thành một sản phẩm "ra tấm, ra món" vẫn là thử thách đối với nền KHCN nước nhà. Đáng lo ngại hơn là có sản phẩm KHCN được chuyển giao nhưng việc giải quyết thế nào vấn đề sở hữu trí tuệ đến nay vẫn đang bỏ ngỏ. Điển hình là trường hợp chuyển giao giống lúa của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm cho doanh nghiệp gặp phải vấn đề này vì đặc thù của sản phẩm nghiên cứu khoa học thường thì tác giả sẽ là tập thể chứ hiếm khi là cá nhân. Cơ chế phân chia tài chính sau chuyển giao đến nay vẫn là những dấu hỏi... Trong khi đó, quy định hiện nay là kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước và khi chuyển giao phải được sự đồng ý. Khúc mắc ấy làm nản lòng giới khoa học và thường thì họ sẽ chọn cách lẳng lặng chuyển giao mà không cần báo cáo.

Phải khẳng định rằng, với một nền KHCN có trình độ thấp như hiện nay và TTCN sơ khai thì vai trò của Nhà nước trong vấn đề này rất quan trọng. Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, trong hoàn cảnh ấy, việc khuyến khích sử dụng công nghệ nội sinh bằng cơ chế tài chính (hỗ trợ tài chính 30-50% tổng kinh phí mua công nghệ, nhưng không quá 500 triệu đồng) cần được sớm áp dụng. Giải pháp này được Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc triển khai rất hiệu quả. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ cho người ứng dụng công nghệ, thiết bị mới có nguồn gốc trong nước vào sản xuất, đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Văn Giang (hanoimoi)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...