Thứ hai, 29/04/2024, 10:49 [GMT+7]

Lời dặn của Bác “Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no”, những giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn đối với tỉnh Lai Châu

Chủ nhật, 07/01/2024 - 10:04'
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn cuộc đời vì mục tiêu đánh đuổi giặc ngoại xâm, phá tan xiềng xích nô lệ, xóa bỏ mọi áp bức, bất công, giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại tự do, ấm no và hạnh phúc cho Nhân dân. Không chỉ vậy, Người đã đóng góp hết sức mình vào sự nghiệp giải phóng con người, đấu tranh giải phóng nhân loại khỏi đau khổ, bị áp bức, bất công trên toàn thế giới.

Vì mục tiêu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phấn đấu không ngừng nghỉ và được kết tinh thành một tinh thần, một ý chí và trở thành một tư tưởng xuyên suốt trong mọi hành động của Người, trong đó có tư tưởng về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân được thể hiện rõ qua mong ước cháy bỏng của Người, đó là: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Người đã viết thư gửi đồng bào toàn quốc kêu gọi ra sức cứu đói, chống nạn đói, “coi cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống ngoại xâm”. Người đặc biệt quan tâm đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất và tiết kiệm để chống đói. Người đề nghị Hội đồng Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và mở cuộc lạc quyên cứu đói. Trong Thư gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa... Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”.

Người dân xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ) tích cực sản xuất đảm bảo đời sống.

Người dân xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ) tích cực sản xuất đảm bảo đời sống.

Tư tưởng về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta cụ thể hóa đầy sáng tạo thành đường lối, chủ trương, chính sách và từng bước được hiện thực hóa thành công, thể hiện sinh động trong thành tựu đạt được ở từng chặng đường lịch sử cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta trong suốt chặng đường lịch sử từ năm 1930 đến nay.

Nằm ở cửa ngõ phía Tây bắc của Tổ quốc, Lai Châu luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Bác Hồ. Mặc dù chưa một lần đến Lai Châu, nhưng Chủ tịch Hồ chí Minh luôn quan tâm dõi theo mọi hoạt động, diễn biến từ phong trào cách mạng, đến lao động, sản xuất và đời sống của Nhân dân các dân tộc nơi đây. Vào tháng 6 năm 1949, Bác đã gửi tặng Ủy ban Kháng chiến Hành chính liên tỉnh Sơn - Lai bức ảnh chân dung của Bác có lưu bút với những lời dặn “Thi đua thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và ngày 12/12/1953 khi nhận được tin vui Thị trấn Lai Châu (trung tâm tỉnh lỵ Lai Châu) được giải phóng, mặc dù bận rất nhiều công việc nhưng Bác đã giành thời gian viết thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu. Bức thư tuy ngắn gọn nhưng chan chứa ân tình không chỉ là những lời thăm hỏi ân cần, tình thương yêu rất mực chân thành, sự cảm thông chia sẻ, khích lệ động viên của Bác đối với đồng bào và cán bộ Lai Châu, mà còn là lời căn dặn của Người bằng những việc làm, những yêu cầu rất cụ thể: “(1) Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau; (2) Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự; (3) Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được no ấm; (4) Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng. Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”. Những lời căn dặn toát lên tư tưởng đoàn kết, yêu nước và nhân văn sâu sắc; kết tinh những yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng cả cấp bách và lâu dài của Lai Châu.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân và thực hiện lời Bác dặn “Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được no ấm”, 70 năm qua Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu đã quyết tâm, đồng lòng, ra sức tăng gia sản xuất với mục tiêu để mọi người dân ngày càng được ấm no và hành phúc. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” quân và dân các dân tộc Lai Châu đã tích cực chiến đấu, tham gia phục vụ chiến đấu, vừa xây dựng cơ sở, vừa ra sức khai hoang ruộng đất, tăng gia sản xuất, huy động sức người, sức của cho chiến trường (trong chiến dịch Điện Biên Phủ mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp được 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh, huy động được 16.972 dân công), tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đồng bào các dân tộc vùng cao từng bước khắc phục tư tưởng, trông trờ, ỷ lại, định canh, định cư, khai hoang ruộng nước, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. 

Đặc biệt, sau gần 20 năm chia tách, thành lập tỉnh, với nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân các dân tộc, tỉnh Lai Châu đã vượt qua bao khó khăn thách thức của một tỉnh nghèo mới chia tách, đã phát huy và khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu để phát triển sản xuất, trong đó: đã tập trung mở rộng sản xuất, phát triển thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật; nghiên cứu lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị cao, có khả năng chống chịu tốt vào sản xuất thay thế dần các giống có năng suất, chất lượng thấp; đẩy mạnh cơ giới hóa vào các khâu của quá trình sản xuất qua đó từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của người dân; đồng thời tập trung thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp giúp người nông dân yên tâm sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị cao... Đến nay sản xuất nông nghiệp tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều thành tựu như: Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 225.000 tấn, tăng 115.677 tấn so với năm 2004, an ninh lương thực được đảm bảo, một phần lương thực được bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh với một số sản phẩm gạo đặc sản như: Tẻ râu, Séng Cù, Khẩu Ký, Nếp tan co ràng…; Bình quân lương thực ước đạt 460 kg/người/năm, tăng 165 kg (gấp 1,56 lần) so với năm 2004; Toàn tỉnh hiện có 3.859 ha lúa hàng hóa tập trung; tổng diện tích chè 9.816 ha, tăng 5.900 ha (gấp 2,5 lần) so với năm 2004; Diện tích chè 9.786 ha, sản lượng chè búp tươi 54.000 tấn; diện tích cây ăn quả 8.613 ha, sản lượng 61.000 tấn; cây dược liệu 11.063 ha (gồm: thảo quả, sa nhân, sâm Lai Châu, đương quy, đỗ trọng, cỏ thơm, sả, cây quả đỏ...); cây cao su 12.940 ha, sản lượng 10.100 tấn mủ khô; cây mắc ca 7.363 ha, sản lượng trên 4.000 tấn; tổng đàn gia súc chính đạt 353.350 con (đàn trâu 92.760 con, đàn bò 25.590 con, đàn lợn 235.000 con), tổng đàn gia cầm 1.809 nghìn con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 18.710 tấn (trong đó thịt lợn 11.610 tấn); tận dụng điều kiện diện tích rừng tự nhiên lớn với hệ thảm thực vật phong phú để phát triển nuôi ong lấy mật, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 1.670 cơ sở nuôi ong (06 Hợp tác xã và 1.664 hộ gia đình) với 19.546 đàn ong; diện tích ao nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh 1.013 ha, 56 cơ sở nuôi cá nước lạnh, 199.491 m3 nuôi cá lồng, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên 3.700 tấn; tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,3%, quản lý, bảo vệ rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng, đơn giá chi trả bình quân ước đạt 0,88 triệu đồng/ha, tập trung phát triển rừng trồng với các loài cây có giá trị cao như giổi, quế,...; toàn tỉnh có 171 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao và tiềm năng 4 sao của 74 chủ thể (trong đó có 2 sản phẩm 4 sao, 6 sản phẩm đạt tiềm năng 4 sao, 163 sản phẩm 3 sao).

Ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu đã cùng với các ngành, lĩnh vực khác đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Hiện nay, kinh tế của tỉnh đang phát triển khá nhanh và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế liên tục tăng trưởng, tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm đạt trên 10%; thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 2.000 tỷ đồng, gấp trên 80 lần so với năm 2004; bình quân GRDP/đầu người/năm năm 2023 ước đạt trên 47 triệu đồng, trong đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2023 ước đạt 6.107 tỷ đồng, tăng 5.582 tỷ đồng (gấp 11,7 lần) so với năm 2004; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 20,78 triệu đồng/người/năm, tăng 18,49 triệu đồng (gấp 9 lần) so với năm 2004. Văn hoá - xã hội có bước phát triển mới, sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí có nhiều tiến bộ, hệ thống trường, lớp, cấp học, ngành học phát triển nhanh, chất lượng dạy và học được nâng lên; tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, phát triển, tỷ lệ bác sỹ đạt 13 bác sỹ/1 vạn dân; các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được quan tâm thực hiện tốt, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em có chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hoá thông tin, báo chí, phát thanh - truyền hình, văn hoá, thể dục - thể thao có nhiều phát triển. Công tác xoá đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân mỗi năm giảm trên 5%. Bộ mặt nông thôn, đô thị của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đến nay tỉnh đã có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân 13,6 tiêu chí/xã, Lai Châu đã cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển, thực hiện được lòng mong ước của Bác “mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, xã hội văn minh, tiến bộ.

Chăm lo đời sống Nhân dân là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với Nhân dân. Vì vậy, để tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, nâng cao nhận thức, cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, về chăm lo đời sống Nhân dân nói riêng gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị và cá nhân. Đưa nội dung này vào chương trình, kế hoạch cụ thể của cơ quan, địa phương, đơn vị và cá nhân hằng năm, hằng quý, nhất là thành chuyên đề sinh hoạt tại chi bộ gắn với nhiệm vụ chuyên môn, bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức và hành động của mỗi cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên.

Hai là, gắn thực hiện nội dung chăm lo đời sống Nhân dân với việc tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị hằng năm, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Ba là, chú trọng việc lựa chọn, xây dựng và tuyên truyền sâu rộng những cá nhân, tập thể điển hình, những cách làm hay trong học tập, làm theo Bác về sự tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân, chăm lo đời sống Nhân dân để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và có hình thức kỷ luật nghiêm những cơ quan, địa phương, đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ chăm lo đời sống Nhân dân, gây bức xúc, phiền hà, nhũng nhiễu, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ./.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...