Thứ năm, 25/04/2024, 11:11 [GMT+7]

Ông Ín phát triển kinh tế

Thứ năm, 02/07/2020 - 14:32'
Đến bản Nậm Ngập, xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) hỏi thăm ông Tao Văn Ín ai cũng biết vì ông là một trong những người biết nắm bắt thời cơ và mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế với những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Từ sự nỗ lực cần cù, chịu khó trong việc đầu tư xây dựng mô hình kinh tế đã góp phần mang lại thu nhập cho gia đình ông Ín hàng trăm triệu đồng/năm.

Dáng người cao gầy, nụ cười hồn hậu nhưng đầy nghị lực và sự am hiểu đó là những gì chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với ông Ín. Tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2008 hình thành Thủy điện Sơn La, gia đình ông cùng bà con trong bản di dân đến nơi ở mới, đấy cũng là lúc đất sản xuất hạn hẹp vì đã ngập trong vùng lòng hồ thủy điện, mọi thứ phải làm lại từ đầu. Nhận thấy việc hình thành lòng hồ thủy điện sẽ giúp người dân có thêm nguồn thu nhập từ thủy sản, việc qua lại trên lòng hồ cũng sẽ phát triển, ông Ín đã mạnh dạn đầu tư tiền mở xưởng đóng thuyền, bè. Cùng với đó, ông đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế; nuôi gà vịt cung cấp thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày. Thuyền, bè đóng đến đâu bán hết đến đó, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Tuy nhiên sau khoảng 3-4 năm khi các hộ đã sắm đủ thuyền, bè, nhu cầu mua không còn cao ông Ín đóng xưởng và chuyển hướng đầu tư chăn nuôi lợn. Đàn lợn của ông duy trì khoảng 30-40 con, với giống lợn đen được các thương lái ưa chuộng đến thu mua. Từ tiền bán lợn trừ chi phí trung bình ông thu về khoảng 100 triệu đồng/năm. Năm 2019, ngoài duy trì đàn lợn ông nhận thấy gà sao đang là loại gà “hot” không chỉ bán thịt mà có người còn tìm mua về nuôi để làm cảnh vì nó có bộ lông đẹp. Nhất là trên địa bàn thời điểm đó chưa có ai nuôi loại gà này nên ông đã mạnh dạn mua 100 con gà sao về nuôi. Theo ông Ín, nuôi gà sao không mất nhiều công chăm sóc nhưng ban ngày gà kêu khá nhiều và to nên việc nuôi phải được chọn ở những nơi xa khu dân cư. Gà của ông lớn nhanh, phát triển tốt không bị dịch bệnh. Những tưởng niềm vui ấy sẽ trọn vẹn nhưng không may khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát đàn lợn khoảng 30-40 con của ông bị tiêu hủy toàn bộ gây thiệt hại nặng hàng trăm triệu đồng.

Ông Ín kiểm tra, chăm sóc đàn thỏ.

Ông Ín kiểm tra, chăm sóc đàn thỏ.

Ông Ín chia sẻ: Không cam chịu, cuối năm 2019, tôi bàn với vợ con dùng số tiền tiết kiệm được từ những năm trước cùng với số tiền hỗ trợ lợn dịch do Nhà nước chi trả để đầu tư xây dựng mới chuồng trại, lồng và mua chục đôi thỏ giống về nuôi với tổng số tiền đầu tư 33 triệu đồng. Sau 6 tháng thỏ đẻ lứa đầu, trung bình mỗi con đẻ khoảng 8-10 con và cứ sau khi đẻ lứa đầu sau 3 tháng thỏ có thể đẻ tiếp và từng con đẻ gối nhau. Lựa chọn thỏ để nuôi vì tôi thấy thỏ dễ nuôi, không mất nhiều công chăm sóc, đẻ nhiều mà trên địa bàn xã chưa có ai nuôi thỏ nên đầu ra sẽ dễ hơn.
Theo quan sát, khu chuồng nuôi thỏ được ông Ín sắp xếp khá khoa học khi hơn 1/2 khu chuồng ông dành làm chuồng thỏ, với 2 hàng lồng đối xứng ở giữa là lối đi. Tại mỗi cửa chuồng là bảng thông tin ngày phối giống, ngày sinh của thỏ, ông lắp hệ thống dẫn ống nước uống tự động cho thỏ. Thức ăn của thỏ được ông cho ăn định kỳ ít nhất 2 lần/ngày, quét dọn 1 lần/ngày đảm bảo sạch sẽ. 1/2 diện tích chuồng còn lại ông để nuôi sâu canxi và giun làm thức ăn cho gà, vịt, ngan. Đây là điểm đặc biệt mà trên địa bàn xã chưa ai làm.
“Qua tìm hiểu trên mạng internet, tôi thấy sâu canxi khá hữu ích vì chứa rất nhiều canxi bổ dưỡng trong giai đoạn phát triển thành sâu nên có tên gọi là sâu canxi; khi ăn, vật nuôi có sức đề kháng tốt. Vì vậy, tôi đặt mua trên mạng 1kg về nuôi. Mới nuôi được khoảng 3 tuần nhưng cơ bản thấy sâu canxi phát triển tốt. Tới đây tôi sẽ mua thêm giống sâu canxi, gà sao, gà thường và vịt, ngan để nuôi, mở rộng mô hình” - ông Ín chia sẻ thêm.
Từ sự cần cù, chịu khó, nhất là ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, không quản ngại khó khăn vất vả, không nản khi thất bại, giờ đây ông Ín đã vực dậy được mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình. Hiện, ông duy trì đàn thỏ khoảng 80 con, 3 con trâu, khoảng 50-70 con gà, vịt, ngan, 2 con lợn. Ngoài ra, ông còn gieo cấy gần 1ha ruộng lúa; sử dụng hơn 4.000m2 đất nương để làm nơi trồng cỏ voi cho trâu ăn. Cách đây 3 tuần ông Ín đã xuất bán lứa thỏ đầu tiên, giá bán 100 nghìn đồng/kg thu về khoảng 3 triệu đồng. Từ cuối năm 2019 đến nay từ mô hình chăn nuôi tổng hợp gia đình ông thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng/năm.
Với những việc làm của ông Ín, những năm qua ông luôn được xã khen ngợi và cũng là một trong những hộ tiêu biểu của bản, xã trong phát triển kinh tế, xứng đáng là tấm gương để mọi người học theo.

Minh Khôi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...