Thứ ba, 19/03/2024, 12:45 [GMT+7]

Ông Ự làm giàu

Thứ tư, 15/09/2021 - 09:40'
Chăm chỉ lao động, không bỏ cuộc khi gặp khó khăn và chủ động thay đổi cách làm trong trồng trọt, chăn nuôi, ông Đèo Văn Ự, dân tộc Thái ở bản Phai Cát (xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ) trở thành tấm gương người cao tuổi điển hình làm kinh tế giỏi với thu nhập bình quân hàng năm (trừ chi phí) gần 200 triệu đồng.

Ngôi nhà 2 tầng khang trang, bề thế nhất, nhì bản; sân rộng với rất nhiều ngô đang được phơi khô chờ bảo quản là những ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến thăm gia đình ông Ự. Ở tuổi 64, khi mái tóc và làn da đã nhuốm màu thời gian nhưng ông Ự vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông luôn tay làm việc, chỉ khi thấy có khách đến nhà ông mới dừng nghỉ chốc lát.

Ông Đèo Văn Ự chăm sóc ao cá của gia đình.

Ông Ự kể: “Tôi sinh ra và lớn lên tại bản Phai Cát, trong một gia đình có 6 người con. Tôi là con thứ 2, bố mẹ làm nông nghiệp, cuộc sống khó khăn, mới học hết lớp 4 tôi đã nghỉ học ở nhà giúp đỡ bố mẹ công việc gia đình. Sau này, khi trưởng thành tôi khao khát tìm cách phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo, thậm chí làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Do vậy, tôi cùng vợ khai hoang 1ha ruộng, chăm chỉ cấy lúa, trồng ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm”.

Sau vài năm làm việc cật lực, nhận thấy nếu làm theo cách truyền thống chỉ đủ nguồn lương thực, thực phẩm gia đình, ít có dôi dư. Ông Ự chủ động đến các hộ làm kinh tế giỏi trong và ngoài xã, lên mạng tìm hiểu thêm thông tin để có kinh nghiệm, từng bước áp dụng linh hoạt vào thực tế, phù hợp với điều kiện gia đình. Thay đổi lớn nhất của gia đình ông chính là năm 2010 khi quyết định chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, “tự cung, tự cấp”, sang chăn nuôi gia trại theo hướng hàng hóa. Lợn, vịt thương phẩm là hướng phát triển kinh tế được ông lựa chọn. Song song với việc tăng mạnh về quy mô chăn nuôi (từ 1-2 con lợn, vài chục con gia cầm sang nuôi 2 con lợn nái, 30-40 con lợn bột, trên 200 con vịt/lứa) ông Ự chú ý hơn đến kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.

“Làm kinh tế chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là với người vừa học vừa đúc rút kinh nghiệm như tôi. Có thời điểm tôi chăn nuôi bị dịch bệnh hoành hành làm vật nuôi chết hết, mất cả vốn lẫn lời. Tôi buồn, xót xa nhìn tài sản “đội nón ra đi” nhưng không nản chí mà tự động viên mình cố gắng hơn. Ví như nuôi lợn, tôi tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ cám gạo, ngô, phụ phẩm nông nghiệp dư thừa nấu lên làm thức ăn vừa đủ dinh dưỡng lại hạn chế chi phí chăn nuôi. Theo định kỳ, vật nuôi tiêm phòng đầy đủ, khu vực chuồng trại xây dựng cẩn thận đảm bảo “thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông” và luôn được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, hạn chế nguồn phát sinh dịch bệnh. Đối với chăn nuôi vịt, gia đình tôi thực hiện làm khu nuôi riêng. Hàng ngày, đun nước cho vịt uống, đặc biệt chú trọng đến giai đoạn vịt được hơn 1 tháng nuôi hay bị bại liệt phải cho uống thuốc phòng” - ông Ự cho biết thêm.

Không phụ công người chăm sóc, vật nuôi của gia đình ông Ự lớn nhanh. 1 năm ông nuôi được từ 3-4 lứa vịt, 2 lứa lợn. Chăn nuôi trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Ngoài ra, gia đình ông Ự còn duy trì dịch vụ làm máy xay xát; cấy 4.000 m2 lúa, 1ha ngô, mỗi năm cho thu 4 tấn thóc, trên 1 tấn ngô hạt. Tận dụng những diện tích đất sẵn có ông đào 2 ao thả cá. Hiện nay, với 1.000 m2 mặt nước, chăm sóc tốt bằng thức ăn sạch (cỏ các loại), không sử dụng thức ăn sẵn, mỗi năm gia đình ông xuất bán 2-3 tạ cá thịt. Từ đó, nâng tổng thu nhập của gia đình ông mỗi năm sau khi trừ chi phí lên gần 200 triệu đồng.

Thăm khu sản xuất của ông Ự ở giữa cánh đồng nơi con đường bêtông chạy đến tận ngõ, chúng tôi cảm nhận rõ cảm giác yên bình và sức sống mới của vùng quê đang từng ngày khởi sắc. Bức tranh nơi đây như được tô điểm sinh động hơn khi ở giữa là những ao cá rộng, đàn vịt tung tăng bơi lội, xung quanh là những ruộng lúa xanh mướt của gia đình ông Ự đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, khi kinh tế gia đình phát triển, ông Ự có điều kiện nuôi các con khôn lớn, trưởng thành, nay đã có gia đình riêng. Năm 2019, gia đình ông xây dựng được ngôi nhà mới trị giá trên 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Ự còn là người truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế cho nhiều người dân trong bản. Ông cũng là người luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hương ước của bản.

Nhận xét về ông Ự, anh Mào Văn Hiệm - Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng bản Phai Cát khẳng định: “Ông Ự thân thiện, dễ gần, hăng hái tham gia vào các phong trào, hoạt động của địa phương như: chương trình xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… Ông còn là người uy tín của bản nhiều năm liền, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, được Nhân dân tin tưởng, quý mến”.

“Thay nếp nghĩ, đổi cách làm” trong phát triển kinh tế, ông Ự không chỉ gây dựng được cuộc sống mới cho bản thân, gia đình mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Tấm gương sáng của ông Ự xứng đáng được ngợi khen và nhân rộng trong cộng đồng.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...