Thứ năm, 25/04/2024, 08:50 [GMT+7]

Ông chủ vườn cây ăn quả

Thứ sáu, 19/06/2020 - 07:25'
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, ông Bùi Đức Chiến ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) nỗ lực tìm tòi, học hỏi, không ngại khó, ngại khổ để đưa kinh tế gia đình phát triển. Đến nay, ông đã trở thành chủ vườn cây ăn quả lớn có tiếng ở địa phương, mỗi năm trừ chi phí thu nhập trên 100 triệu đồng.

Biết đến ông Chiến qua lời giới thiệu của trưởng thôn Thống Nhất nhưng sau nhiều lần hẹn gặp, đến nay chúng tôi mới có dịp đến thăm. Ngôi nhà ông ở ngay cạnh mặt đường quốc lộ 4D, còn trang trại lại cách đó vài kilômét. Đường vào trang trại là đường đất men theo ven núi. Sau cơn mưa đường trơn, trượt, có chỗ lầy lội, chúng tôi phải đợi ông đích thân ra đón vào. Ngồi phía sau, đôi lúc bánh xe máy trượt dài mà tôi thót tim, còn với ông Chiến thì chẳng thấm thía gì bởi một ngày ít nhất 2 lần ra vào trang trại, tôi luyện nhiều thành quen. Giờ ông thuộc lòng từng góc cua, hòn đá lớn nhỏ trên đường, cũng giống như cuộc đời ông nhiều gian truân, vất vả mới có được thành công.

Ông Chiến cùng vợ thu hoạch mít.

Ông Chiến cùng vợ thu hoạch mít.

Đến trang trại, chúng tôi ngỡ ngàng khi khắp nơi là cây trái được trồng cẩn thận, cây cách cây, hàng nối hàng đều tăm tắp, khác xa quang cảnh hoang vu, đầy cây dại ở đường đi. Những cây nhãn tán rộng đang vào độ quả nhỏ, phía ngoài là hàng chục cây mít sai quả, trông rất thích mắt. Đi thăm vườn, ông Chiến kể: “Tôi sinh ra và lớn lên tại thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Năm 1984, đi bộ đội đóng quân tại tỉnh Lai Châu, sau khi ra quân, tôi quyết định ở lại đây lập nghiệp cùng vợ là một cô gái Thái hiền lành, tốt tính. Vợ chồng tôi phải đi xin tre về làm nhà tạm, khai hoang đất làm ruộng vườn. Từ hai bàn tay trắng, dần dần vợ chồng tôi cũng có 1,8ha đất để trồng ngô, khoai, chuối, củ dong. Cứ ngỡ được ông trời thương, cuộc sống vơi bớt khó khăn nhưng không ngờ trận lũ lụt lịch sử năm 1992 dâng nước ngập suối Nậm So quét sạch cây trồng, gia đình tôi mất trắng”.
Quyết tâm không cam chịu đói nghèo, ông Chiến cùng vợ bắt tay làm lại từ đầu. Năm 2007, thấy nhiều hộ dân trồng cây ăn quả lâu năm mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Chiến dành dụm tiền mua cây giống về trồng, thậm chí cất công đi mấy ngày xuống vườn ươm ở 2 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái mua giống xoài, mít, nhãn về trồng. Chớ trêu thay, cây vừa bén rễ, hồi xanh, gia súc trong bản thả rông phá hỏng. Vợ chồng ông phải bỏ ra 8 triệu đồng thuê máy xúc đào đường hào, mua thêm thép gai, xi măng đổ cột làm hàng rào bảo vệ. Từ ấy trở đi, dưới bàn tay chăm sóc cẩn thận của vợ chồng ông, các loại cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Năm 2016, được Nhà nước triển khai dự án hỗ trợ trồng táo, gia đình ông cũng tham gia. Giờ trong vườn có 100 cây táo, 70 cây nhãn, 60 cây mít, 60 cây xoài, 30 gốc chuối, gần 2.000m2 dứa. Tất cả các loại cây ăn quả đã cho thu hoạch. Mùa nào thứ ấy, cây ăn quả mang lại nguồn thu chính cho gia đình. Trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất ra thị trường trong và ngoài huyện từ 5-7 tấn hoa quả các loại. Hoa quả ngon, mẫu mã đẹp, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hầu hết, các thương lái vào tận nhà mua, số còn lại gia đình ông bán lẻ ở nhà và chợ thị trấn.
Khi được hỏi về bí quyết giúp cây ăn quả cho năng suất, chất lượng, ông Chiến vui vẻ cho biết: “Ngay từ khi trồng phải chú trọng về kỹ thuật, khoảng cách theo hướng dẫn. Hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu thông qua việc mua máy đốn cỏ, sử dụng các vỏ chai nhựa làm bẫy bắt ong vàng, bắt sâu thủ công”. Đặc biệt, tùy theo loại cây để bón phân cân đối, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ làm từ cây lạc, đỗ, phân xanh… tăng độ phì nhiêu cho đất. Riêng với cây táo, hàng năm vợ chồng ông cất công thuê xe ôtô lên xã Lản Nhì Thàng mua 6-7 tấn phân trâu khô về ủ thêm NPK khoảng trên 2 tháng cho hoai mục rồi bón để cây đủ dinh dưỡng, cho quả giòn, ngọt. Trước mùa mưa, ông cũng chống cây cẩn thận, hạn chế gió bão làm đổ, gãy cành.
Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, bên cạnh việc trồng cây ăn quả, gia đình ông Chiến còn trồng trên 1.000m2 bí, ngô, khoai sọ; duy trì nuôi gà đẻ trứng và gà thương phẩm (300-400) con/năm. Ông còn đầu tư 58 triệu đồng làm ao, hệ thống ống dẫn nước sạch vào ao, nuôi cá trên diện tích 400m2 mặt nước. Ghi nhận sự nỗ lực của gia đình, tháng 1/2020 vừa qua, ông Chiến vinh dự được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen có thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2019.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...