Thứ ba, 19/03/2024, 13:37 [GMT+7]

Ý chí làm giàu của cựu binh Phạm Văn Lâm

Thứ sáu, 10/12/2021 - 10:51'
Nằm ẩn sâu trong những nương chè giáp núi, cơ ngơi bề thế của gia đình cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Lâm (tổ dân phố 1, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) dường như nổi bật hơn hẳn. Để sở hữu được khối tài sản tính hàng chục tỷ đồng trở lên như bây giờ, ít ai biết, ông đã trải qua những năm tháng rèn luyện bền bỉ trong quân ngũ và ý chí kiên cường vươn lên giữa đời thường như thế nào.

Được các đồng chí lãnh đạo Hội CCB huyện và thị trấn Tân Uyên giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Văn Lâm. Cuộc sống của ông được như hôm nay là nhờ vào sự cần cù, siêng năng, chăm chỉ của ông.

Mời chúng tôi chén nước chè, ông Lâm nói: Mấy hôm nay gia đình tôi đang bận nhiều công việc để lo hoàn thiện thủ tục thành lập Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên. Công ty có 3 cổ đông với tổng vốn điều lệ dao động từ 15-20 tỷ đồng. Đây là ước muốn của tôi sau bao năm làm nghề thu mua và bán chè búp tươi.

Ông Lâm chuẩn bị nguyên liệu chè để sao sấy.

CCB Phạm Văn Lâm tham gia quân ngũ từ năm 1986-1989 tại một đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ ngày nay). Tuy tham gia quân ngũ không nhiều song ông đã cùng đồng đội cắm chốt biên giới, tích cực lao động sản xuất, làm kinh tế cùng đơn vị; tham gia công tác dân vận, ổn định cuộc sống cho đồng bào khu vực biên giới. Đồng đội của ông cũng đã có người hy sinh do bị bẫy mìn, còn ông và những đồng đội khác may mắn được trở về vòng tay của gia đình, với quê hương, làng xóm.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ổn định gia đình, ông Lâm bắt tay vào làm kinh tế từ kinh doanh buôn bán ở chợ cho đến khi mua đất nông nghiệp trồng chè. Lúc bấy giờ, nhìn đâu cũng toàn cây cối um tùm, cỏ lau heo hút, đường đá cấp phối, nhà cửa lụp xụp. Nhìn lại quãng đường 30 năm gây dựng và phát triển kinh tế có thể thấy số phận đã quá ưu ái để mỗi lần ông quyết tâm “liều mạng” là bấy nhiêu lần thắng cuộc. Liều đến mức có thời điểm vợ chồng ông vay tiền ngân hàng với số vốn lên tới 5 tỷ đồng. Nhưng cứ đầu tư vào trồng chè, mua đất chè thì giá chè tăng; đầu tư vào dược liệu, nông sản thì sinh lời; đầu tư mua đất, nhà ở kinh doanh thì giá trị từ đó cứ cao lên mãi.

Vợ chồng ông bằng cách nào để tích lũy được nguồn vốn nhanh như vậy? Ông Lâm vui vẻ cho biết, từ chỗ nguồn vốn ít ỏi đầu tư kinh doanh, vợ chồng tôi cứ tích lũy dần và đầu tư thêm. Đầu tư đến đâu, vay đến đó, “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, cuối cùng nợ vẫn trả hết mà tài sản ngày càng nhiều thêm. Với việc tích lũy đất chè, mỗi năm ông lại mua thêm 1-2 lô, tổng cộng đến thời điểm này ông đã sở hữu trong tay 12ha chè nguyên liệu với sản lượng 350 tấn/năm.

Với vợ chồng ông Lâm, miễn làm ra đồng tiền lương thiện, ông không ngại việc gì. Nhưng luôn là người đi trước thời cuộc, thời điểm thảo quả cho năng suất cao, sản lượng lớn, cơ sở của gia đình ông là điểm đến tin cậy để nhiều hộ đồng bào vùng cao đến nhập hàng bán sỉ. 5-7 năm kinh doanh mặt hàng nông, lâm sản, ông đều tạo điều kiện cho người dân vay vốn làm ăn, đến mùa thu hoạch thì trả nợ bằng sản phẩm, tuy nhiên không có chuyện ép giá người nông dân. Với cách làm này, vừa được cho bà con, được cả cho ông nên đều “vẹn cả đôi đường”. 3 năm trở lại đây, tình hình băng giá, sương muối xuất hiện khiến nhiều diện tích thảo quả chết trắng, mất nhiều thời gian để phục hồi, bà con nông dân mất đi khoản thu đáng kể mà gia đình ông cũng không còn nguồn cung, vì thế mà việc thu mua mặt hàng này cũng tạm dừng để tập trung toàn bộ cho sản phẩm chè.

Năm 2006, vợ chồng ông mở nhà máy mini chế biến chè khô. Đến năm 2014, ông chuyển sang thu mua chè búp tươi và bán lại cho công ty lớn. Vậy mà giờ đây, ông đã là chủ của Công ty Cổ phần trà Tân Uyên, là nơi liên kết, tập hợp vùng nguyên liệu với khối lượng chè đủ cho công suất hoạt động của nhà máy khoảng 1.000-1.500 tấn. Với quy mô này, dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho 15 -20 lao động địa phương. Khi được hỏi về mức thu nhập bình quân/năm, ông Lâm khiêm tốn nói, những năm trước chưa xảy ra dịch Covid-19, trung bình gia đình ông thu về 1 tỷ đồng/năm nhưng vài năm trở lại đây chỉ đạt tối đa 700 triệu đồng/năm. Tổng giá trị tài sản của gia đình ông Lâm bây giờ đang sở hữu khoảng 30 tỷ đồng.

Với những nỗ lực, cố gắng ở độ tuổi gần 70, năm 2021, ông Phạm Văn Lâm được Hội CCB Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen về những thành tích nổi bật trong hoạt động tổ chức hội.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...