Thứ ba, 12/11/2024, 02:46 [GMT+7]

Điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương

Thứ năm, 05/09/2024 - 10:25'
“Muốn làm giàu phải kiên trì, không ngại khó, ngại khổ thì mới thành công”, nhờ nỗ lực thực hiện phương châm đó gia đình ông Hảng Dua Vàng (bản Hô Ta, xã Tà Mung, huyện Than Uyên) đã trở thành gương điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương.

Trước đây hoàn cảnh gia đình ông Vàng rất khó khăn. Dù đã tích cực phát nương, khai hoang ruộng nước để cấy lúa, trồng ngô, làm việc vất vả quanh năm nhưng lương thực cũng chỉ đủ phục vụ cho 7 miệng ăn. Khi được tham gia tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi do Hội Nông dân xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức và nghe cán bộ xã, huyện kể câu chuyện về những nông dân vươn lên thoát nghèo từ đồng đất quê hương, ông rất trăn trở vì gia đình cũng có đất rộng phù hợp với trồng trọt, chăn nuôi.
Quyết tâm thoát nghèo, năm 2015, được Hội Nông dân đứng ra tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ông vay 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua 5 con trâu, bò sinh sản về nuôi. Bước đầu khó khăn, vất vả vì kinh nghiệm chưa có, song vợ chồng ông luôn động viên cùng nhau chăn dắt, không thả rông bừa bãi; đồng thời, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của những người đi trước. Hiện, đàn trâu, bò của gia đình ông có hơn 20 con, thời điểm nhiều nhất là hơn 30 con.

Chăn nuôi đại gia súc giúp gia đình ông Vàng vươn lên phát triển kinh tế bền vững.

Ông Vàng chia sẻ: “Tôi nuôi trâu, bò được hơn chục năm nay. Tôi tự tìm hiểu cách phòng, chống dịch bệnh để trâu, bò khỏe mạnh. Thường thì vào mùa đông trâu, bò hay mắc các bệnh như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng… nên tôi chủ động tiêm phòng trước. Ngoài cho ăn cỏ, phải tích trữ rơm khô, muối vào mùa đông để vừa phòng, chống đói rét, vừa tạo được sức đề kháng cho trâu. Đối với bò, rơm không phải là thức ăn ưa thích nên phải bổ sung bột ngô, bột đậu tương và bã rượu để vỗ béo và nhanh sinh sản. Hiện nay, mỗi năm gia đình tôi bán từ 3 - 4 con trâu, bò với giá từ 10 - 30 triệu đồng/con”.
Nhận thấy lợn đen, gà thương phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, gia đình ông Vàng nuôi thêm 100 con gà, lợn. Để đảm bảo kỹ thuật chăn nuôi, ngoài học hỏi kinh nghiệm của bà con trong vùng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông còn nhờ cán bộ thú y xã hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi. Không phụ công người chăm sóc, đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện, gia đình ông có 300 con gà, 15 con lợn thương phẩm, 2 con lợn nái đen mỗi năm đẻ 2 lứa (5 - 7 con/lứa), mang lại thu nhập 60 triệu đồng/năm. Theo ông Vàng chia sẻ, chăn nuôi lợn, gà rất kỳ công vì mấy năm gần đây lợn thường bị bệnh dịch tả lợn Châu phi, gà bị nhiễm cúm H5N1. Do đó, ngoài tiêm các loại vắc-xin, ông chú trọng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh khác như: tiêu độc môi trường, khử trùng chuồng trại chăn nuôi… để đàn vật nuôi khỏe mạnh và lớn nhanh.
Bên cạnh chăn nuôi, gia đình ông Vàng còn trồng thêm 4.000m2 chanh leo, 2.000m2 chè để nâng cao thu nhập. Từ chăn nuôi, trồng chè, chanh leo, gia đình ông Vàng hiện có thu nhập từ 140 - 150 triệu đồng/năm (trừ chi phí).
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Vàng sẵn sàng hướng dẫn cho bà con trong bản cách phòng tránh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; cho vay vốn không lấy lãi.
Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm làm kinh tế, ông Vàng bộc bạch: “Không được nản chí trước những thất bại. Đồng thời, phải tìm hiểu những vật nuôi phù hợp với điều kiện ở địa phương, biết cách chăm sóc và phòng bệnh kịp thời. Hiện nay, tôi cũng đang chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho con cháu, bà con trong bản tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế”.

A.H

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Chi hội trưởng gương mẫu, đi đầu
Hơn 10 năm gắn bó với công tác Hội, chị Đỗ Thị Lả - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Mường (xã Mường Than, huyện Than Uyên) luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mạnh...