Thứ năm, 28/03/2024, 20:14 [GMT+7]

Anh Đán nuôi lợn quy mô lớn

Thứ tư, 24/11/2021 - 16:39'
Trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn của hội viên nông dân Quyết Đức Đán tại bản Hoa Vân, xã Bình Lư (huyện Tam Đường) mỗi lứa nuôi trung bình từ 300-350 con. Việc sử dụng công nghệ cao khép kín trong chăn nuôi không chỉ giúp đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt mà còn góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Quyết Đức Đán sinh ra và lớn lên tại xã Đồng Trung (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Năm 2015, gia đình anh chuyển lên sinh sống tại bản Hoa Vân (xã Bình Lư). Anh thuê lại trang trại rộng hơn 4ha để phát triển chăn nuôi lợn thương phẩm, trồng ngô, dong riềng… Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn, trước khi vào tham quan chuồng trại chăn nuôi, chúng tôi được mặc trang phục bảo hộ và phun thuốc sát trùng đầy đủ. Ấn tượng đối với chúng tôi là hệ thống chuồng chăn nuôi của gia đình anh rộng rãi, được thiết kế khoa học, sạch sẽ; hàng trăm con lợn béo tốt, tranh nhau ăn trông thật mãn nhãn.

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Đán ở bản Hoa Vân, xã Bình Lư (huyện Tam Đường).

Tìm hiểu chúng tôi được biết, chuồng nuôi được thiết kế công nghệ cao khép kín, có hầm biogas đảm bảo vệ sinh môi trường. Chuồng được chia thành 2 dãy, anh Đán bố trí các dãy riêng để nuôi lợn nái sinh sản và lợn thương phẩm. Các dãy được bố trí đầy đủ hệ thống điện, quạt, máng chứa thức ăn, nước uống tự động. Giống lợn mà gia đình anh nuôi là giống lợn siêu nạc. Ưu điểm nổi trội của giống lợn này là tỷ lệ nạc cao (64%), tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn, chỉ từ 130-136 ngày có thể xuất bán. Hiện nay, trang trại lợn của gia đình anh nuôi trên 300 con lợn, trong đó có hơn 70 con lợn nái sinh sản, 150 con lợn thương phẩm, hơn 70 lợn con. Nhờ chủ động được nguồn con giống nên trang trại lợn của gia đình anh tiết kiệm được chi phí, đồng thời chất lượng con giống đảm bảo.

Anh Đán vui mừng chia sẻ: “Để nuôi lợn đạt hiệu quả cao, tăng trọng lượng nhanh, gia đình tôi chú trọng chế độ ăn của lợn, tùy từng giai đoạn phát triển của lợn sẽ điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Ngoài ra, thực hiện tiêm phòng định kỳ đầy đủ các loại vắc-xin, hàng ngày vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, buổi sáng mở các cửa sổ, bật quạt để tạo sự thông thoáng, chiều tối thì đóng cửa sổ để chắn gió, giữ ấm cho đàn lợn. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đàn lợn của gia đình tôi sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Mỗi năm gia đình tôi xuất trung bình 55-60 tấn, giá trung bình 55.000 đồng/kg lợn hơi cho thành phố và các huyện trong tỉnh, mỗi năm thu nhập 300-400 triệu đồng”.

Để đàn lợn lớn nhanh, khỏe mạnh, công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh được anh đặc biệt chú trọng. Trước đây, anh thường xuyên phun thuốc khử trùng 2 lần/tuần đối với khu vực chuồng chăn nuôi và xung quanh trang trại. Nhưng từ khi dịch bệnh tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn xã Bình Lư, gia đình anh phun thuốc khử trùng 1 lần/ngày. Đồng thời, rửa chuồng mỗi ngày 4 lần (sáng, trưa, chiều, tối). Ngoài ra, anh tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin như: tụ huyết trùng, dịch tả… cho đàn lợn. Nhờ đó, đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Anh Lò Văn Hào - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lư đánh giá: “Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình hội viên Quyết Đức Đán (ở Chi hội Nông dân bản Hoa Vân) là một trong những mô hình lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Việc sử dụng công nghệ cao khép kín trong chăn nuôi không chỉ giúp đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại thu nhập cao mà còn góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Là một trong những tấm gương hội viên nông dân điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương, anh Đán và các hội viên nông dân thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh để tích lũy kinh nghiệm, áp dụng hiệu quả vào việc chăn nuôi của gia đình mình”.

Với cách chăn nuôi khoa học, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh hợp lý, tin rằng mô hình chăn nuôi lợn của hội viên Quyết Đức Đán sẽ ngày một phát triển, là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để hội viên nông dân trên địa bàn nhân rộng trong thời gian tới.

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...