Thứ sáu, 13/12/2024, 13:07 [GMT+7]

Anh Lâu vượt khó

Thứ tư, 17/01/2024 - 10:37'
Phải thay đổi nơi ở do ảnh hưởng của thiên tai nhưng bằng nghị lực vượt khó, quyết tâm thoát nghèo, anh Giàng A Lâu ở bản Can Chu Dao (xã Mù Sang, huyện Phong Thổ) nhanh chóng ổn định cuộc sống gia đình. Đồng thời, phát triển kinh tế hiệu quả với thu nhập trung bình 200 triệu đồng/năm.

Được sự giới thiệu của cán bộ xã Mù Sang và trưởng bản Can Chu Dao chúng tôi tìm đến nhà anh Lâu. Sau những đoạn đường với khúc cua tay áo, ngôi nhà xây trên 100m2 của gia đình anh Lâu dần hiện ra. Trong nhà, anh Lâu cùng vợ đang bảo quản ngô làm thức ăn cho gia súc.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, vốn chịu khó, sau khi lập gia đình, anh Lâu chăm chỉ làm việc và hoàn thành ngôi nhà gỗ 3 gian (cách nơi ở hiện nay vài kilomet). Tuy nhiên, tháng 4/2018, trên địa bàn xã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây sạt lở nghiêm trọng. Gia đình anh Lâu cùng 3 hộ dân khác của bản Can Chu Dao nằm ở sườn núi, đất sạt lở đến gần nhà ở, thậm chí khu vực chuồng chăn nuôi sạt lở sâu, làm chết 2 con lợn. Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động cũng như nhận thấy rõ mức độ nguy hiểm, anh Lâu đưa vợ con di dời đến nơi ở mới.

Anh Lâu bảo quản nông sản.

“Gắn bó với mảnh đất cũ nên khi phải di dời gia đình tôi cũng luyến tiếc lắm, nhưng an toàn là trên hết. Thời điểm đó, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng, đã sử dụng 21 triệu đồng mua đất làm nhà, còn lại cùng với số tiền tiết kiệm trước đó thuê máy xúc san gạt mặt bằng. Cán bộ xã cùng dân bản hỗ trợ ngày công tháo dỡ, vận chuyển vật liệu, dựng nhà. Về nơi ở mới, đất chật hẹp, chỉ đủ chỗ ở, chăn nuôi, đi làm nương xa nhưng bù lại không phải thấp thỏm lo sợ khi mùa mưa đến. Các con đi học, vợ đi chợ gần hơn. Đó là động lực để chúng tôi cố gắng mỗi ngày” - anh Lâu tâm sự.
Mong muốn nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, gia đình anh Lâu trồng lúa (8.000m2), ngô (1ha), sắn (gần 2ha), đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của gia đình, chăn nuôi và bán ra thị trường thu về 30-40 triệu đồng/năm. Mặt khác, nuôi lợn nái tạo nguồn con giống ổn định, giảm đầu tư đầu vào. Trong quá trình nuôi, đảm bảo chế độ ăn cân đối, tiêm phòng đầy đủ, xây chuồng thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Nhờ đó, đàn lợn phát triển tốt, trừ chi phí, từ chăn nuôi lợn mang về thu nhập cho gia đình anh 70-80 triệu đồng/năm.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh còn nuôi thêm trâu. Các con khôn lớn, đi làm ở các tỉnh, thành miền xuôi, góp phần nâng thu nhập bình quân của gia đình anh lên 200 triệu đồng/năm. Anh chị đã tiết kiệm đủ tiền xây dựng thêm 1 ngôi nhà vào tháng 11/2021 trị giá gần 400 triệu đồng.
Trải qua bao khó khăn vất vả, bằng nghị lực vươn lên, gia đình anh Lâu có cuộc sống ổn định, trở thành tấm gương tiêu biểu, truyền cảm hứng để các hộ gia đình thuộc diện phải tái định cư trên địa bàn xã có thêm niềm tin, động lực cố gắng.
Anh Giàng A Chư - Trưởng bản Can Chu Dao cho biết, địa bàn của bản nhiều núi cao, mùa mưa, những ngôi nhà ở khu vực sườn núi rất dễ sạt lở. Thực tế ở bản đã có nhiều hộ phải di dời. Khi phải chuyển về nơi ở mới bà con có chút lo lắng nhưng chứng kiến thực tế cuộc sống của gia đình anh Lâu đã yên tâm, có động lực cố gắng; công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng dễ dàng hơn. Bản thân anh Lâu còn hòa đồng, cởi mở, thân thiện lại năng động, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương, được bà con yêu mến, học hỏi. Từ đó, tạo phong trào thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng dân cư.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Anh nông dân vùng biên giới làm giàu từ trông sâm Lai Châu
Thay vì trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống, nhiều năm nay, anh Tẩn Sài Sông dân tộc Dao ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) mạnh dạn đổi mới tư duy làm kinh tế. Với việc...