Thứ bảy, 27/04/2024, 06:17 [GMT+7]

Anh Nhuần góp sức bảo tồn sâm Lai Châu

Thứ hai, 10/04/2023 - 12:49'
Mua sâm Lai Châu về trồng rồi nhân giống, gia đình anh Tẩn Sài Nhuần (ở bản Sín Chải) đã trở thành một trong những hộ có diện tích trồng sâm lớn nhất của xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ). Điều này, góp phần mang lại nguồn thu nhập cho gia đình và chung sức bảo tồn nguồn dược liệu quý của tỉnh.

Sì Lở Lầu là xã xa xôi nhất của huyện Phong Thổ. Nơi đây, khí hậu khá khắc nghiệt, mưa nắng thất thường. Để đến thăm vườn sâm chúng tôi phải liên hệ với cán bộ xã từ nhiều ngày trước và bắt đầu cuộc hành trình hơn 100km từ thành phố Lai Châu về vùng biên giới. Một trong số những điểm chúng tôi ghé thăm chính là vườn sâm của gia đình anh Nhuần. Dưới tán rừng, vườn sâm rộng được đầu tư cẩn thận. Luống nào luống ấy ngay ngắn, nhiều cây sâm đang phát triển, mầm mập mạp.
Được biết, gia đình anh Nhuần trồng sâm từ năm 2019. Thời điểm đó, một số bà con trong xã qua quá trình làm nương phát hiện cây sâm quý mang về trồng, một số mang bán với giá cao. Thấy cây sâm là cây dược liệu quý, tốt cho sức khỏe, hơn nữa phù hợp với khí hậu địa phương, giá trị kinh tế cao, triển vọng lớn; nếu thu bán mà không nhân giống thì khó bảo tồn được giống sâm, vì vậy, anh Nhuần sử dụng số tiền tiết kiệm của gia đình để mua cây về trồng trên diện tích 400m2. Trong quá trình trồng, anh tự học hỏi kinh nghiệm và vận dụng linh hoạt vào thực tế.
Anh Nhuần chia sẻ: “Sâm trồng khoảng 3-4 năm là có thể ra hoa, quả. Vì vậy, cứ vào thời điểm từ tháng 8, tháng 9 hàng năm, khi hạt sâm đã già chuyển sang màu đỏ, gia đình tôi tiến hành thu hái, sau đó phơi khô, bảo quản tốt ở nơi thoáng mát, đến tháng 11, tháng 12 khi khí hậu mát mẻ, ít mưa thì gieo giống. Đất để gieo được chúng tôi làm cẩn thận, thật tơi xốp, lên luống tránh ngập úng và tuyệt đối không bón bất cứ loại phân nào. Hình thức nhân giống là gieo vãi. Gieo xong sẽ phủ đất và lớp cây dương xỉ lên để cho đất ẩm. 1 tuần tưới nước 1 - 2 lần, nếu không nắng thì không cần tưới, đảm bảo độ ẩm vừa phải cho tỷ lệ nảy mầm cao”.

Anh Nhuần chăm sóc sâm.

Vừa nhân giống mở rộng diện tích, tăng số lượng cây trồng trong vườn, vừa chăm sóc tốt số lượng cây đã trồng, kết hợp cung ứng cây con ra thị trường, gia đình anh Nhuần đưa cây sâm trở thành cây trồng chính. Bên cạnh đó, gia đình anh cũng đầu tư mua vật liệu về làm mái che vườn, rào xung quanh cẩn thận, thuê 1 lao động trực tiếp làm việc, trông coi, tạo điều kiện để sâm phát triển tốt. Mỗi năm từ bán sâm gia đình anh thu lãi 40-50 triệu đồng.
Hiện nay, gia đình anh có 1ha trồng sâm. Trong đó, lượng cây sâm từ 1 năm tuổi trở lên là gần 2.000 cây, loại 5 năm tuổi có gần 800 cây. Dự kiến hết năm 2023, gia đình anh nhân giống mở rộng diện tích lên 2ha. Với giá bán và thị trường dễ tiêu thụ, không lo đầu ra như hiện nay thì chỉ sau vài năm nữa, gia đình anh có thể thu lãi từ 2-3 tỷ đồng.
Điều làm chúng tôi bất ngờ là không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Nhuần hiện còn là công chức địa chính của xã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh từng nhiều năm giữ chức vụ Trưởng Công an xã, Phó Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu. Năm 2019, khi 2 xã: Sì Lở Lầu và Ma Ly Chải sáp nhập thì anh đảm nhận vai trò công chức địa chính.
“Trong suốt quá trình công tác của mình, tôi hiểu những khó khăn mà bà con địa phương gặp phải và luôn mong muốn được làm điều gì đó để phát triển kinh tế gia đình và giúp người dân tìm ra cây trồng phù hợp để tăng thu nhập. Giờ đây cây sâm đang phát triển tốt, có nhiều triển vọng, tôi rất vui. Trong thời gian tới, tôi dự kiến sẽ trồng thêm sâm và hoàng tinh dưới tán rừng” - anh Nhuần cho biết thêm.
Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Nhuần đã và đang gợi mở cách làm mới trong phát triển kinh tế, khai thác tốt lợi thế địa phương, thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để bà con học hỏi. Mặt khác góp phần giữ gìn, bảo tồn nguồn giống dược liệu quý của tỉnh, tăng thu nhập cho gia đình.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...