Thứ năm, 25/04/2024, 07:01 [GMT+7]

Bí thư chi bộ gương mẫu, làm kinh tế giỏi

Thứ sáu, 03/12/2021 - 17:00'
Tới bản Nà Phái, xã Phúc Than (huyện Than Uyên), chúng tôi được nghe mọi người kể về chị Đỗ Thị Nhâm - Bí thư Chi bộ tích cực, gương mẫu trong mọi hoạt động đoàn thể của xã, bản và là tấm gương phát triển kinh tế trên địa bàn với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tiếp và trò chuyện với chúng tôi tại trang trại chăn nuôi, trồng trọt, chị Nhâm cho biết: “Từ năm 2012 được sự tín nhiệm của cấp ủy, bà con trong bản, tôi được bầu làm bí thư chi bộ bản. Tôi tích cực cùng ban chi ủy vận động đảng viên, Nhân dân trong bản lao động sản xuất, đưa máy móc, cây con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Chủ động khai hoang mở rộng diện tích canh tác và chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng dứa, nhãn chín muộn theo chủ trương của huyện. Vận động bà con trồng và thu hoạch lúa, hoa màu đúng khung thời vụ; chủ động chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho vật nuôi, cây trồng”.

Là Bí thư chi bộ, chị Nhâm luôn chủ động tham mưu và phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, các đoàn thể bản triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Vận động đảng viên, Nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do các cấp phát động. Chấp hành tốt nội quy, quy định của bản, xã và pháp luật; không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; xóa bỏ hủ tục trong việc hiếu, hỷ, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.

Chị Nhâm chăm sóc mía.

“Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” là phương châm sống mà chị Nhâm đặt cho mình. Chính vì vậy, để làm gương cho đảng viên và Nhân dân trên địa bàn noi theo dù mới hơn 30 tuổi nhưng người phụ nữ nhỏ nhắn, trên gương mặt luôn thường trực nụ cười đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế VAC với quy mô lớn hàng tỷ đồng.

Chị Nhâm nói: “Để phát triển kinh tế, làm gương cho bà con trong bản, xã và đảng viên trong chi bộ noi theo, năm 2012 tôi quyết tâm đầu tư chăn nuôi lợn và trâu thương phẩm, trồng mía. Từ mô hình chăn nuôi, mỗi năm thu nhập từ 100-200 triệu đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, năm 2019 gần 100 con lợn của gia đình nuôi bị chết, gây thiệt hại nặng nề hàng trăm triệu đồng. Trâu thì nuôi nhỏ lẻ nên cũng không đem lại hiệu quả. Tôi luôn tâm niệm “còn người là còn của”, vì vậy, đầu năm 2020 tôi đầu tư làm lại chuồng trại và chuyển hướng sang làm chuồng trại to, rộng để chăn nuôi bò thương phẩm theo hình thức nuôi nhốt. Đến tháng 5/2020, thông qua Hội Nông dân tôi được hỗ trợ vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để đầu tư mua 9 con bò về nuôi. Cùng với đó, giữa năm vừa rồi tôi trồng thêm hơn 3.000m2 nhãn”.

Theo quan sát, trang trại của chị Nhâm được bố trí hợp lý, khép kín. Tất cả đều được chị tận dụng để làm thức ăn và phân bón như: lá mía dùng làm thức ăn cho bò và cá; phân bò ủ hoai mục bón thúc cho cây mía, nhãn. Nhờ đó, vừa đảm bảo thức ăn cho bò, vừa tiết kiệm được chi phí mua phân bón cho cây trồng. Hiện, nhà chị Nhâm đang nuôi 9 con bò; chăm sóc 1,4ha mía đường; 3.000m2 nhãn. Chị còn đào ao thả cá để có thêm thức ăn hằng ngày và bán trang trải cuộc sống.

“Tôi chủ động phòng chống dịch cho bò bằng cách tiêm phòng theo quy định; mùa đông bổ sung thêm muối cho bò và che chắn chuồng trại, hạn chế gió lùa. Cắt tỉa lá, vun gốc mía, bón phân và trồng dặm đối với những gốc mía đã lâu năm, cằn cỗi. Tôi còn trồng cỏ voi xen mía để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Hiện nay, mía của gia đình chị Nhâm thường bán cho các quán giải khát trên địa bàn và đổ buôn cho các tỉnh: Sơn La, Lào Cai và thành phố Lai Châu. Bò thường bán cho các thương lái trên địa bàn. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, trung bình mỗi năm thu về hơn 300 triệu đồng” - chị Nhâm chia sẻ.

Chị Nhâm còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do địa phương phát động; thường xuyên giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn về vốn, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Tích cực tham gia hỗ trợ các tổ tiết kiệm vay vốn; tuyên truyền, hỗ trợ các hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Với những đóng góp của chị Nhâm, đến nay bản chỉ còn 12 hộ nghèo; 3 năm liền bản đạt danh hiệu bản văn hóa; các chỉ tiêu nghị quyết chi bộ đề ra nhiệm kỳ trước đều đạt và vượt. Chị nhận được nhiều Giấy khen do Hội Nông dân, UBND huyện, xã trao tặng, điển hình là Bằng khen của UBND tỉnh tặng hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2020.

Minh Khôi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...