Thứ sáu, 26/04/2024, 01:56 [GMT+7]

Cô gái dân tộc Mông đam mê làm du lịch

Thứ năm, 03/02/2022 - 10:08'
(BLC) - Không vốn, không kiến thức nhưng với niềm đam mê cô gái dân tộc Mông, Giàng Thị Chà - bản Sùng Chô, xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) đã khởi nghiệp thành công từ việc phát triển du lịch - dịch vụ, góp phần đưa ngành Du lịch của địa phương ngày càng phát triển.

Những ngày đầu xuân chúng tôi có dịp xuống tham quan Khu du lịch tại bản Gia Khâu 1, xã Sùng Phài. Trên con đường bê tông sạch đẹp, hoa đào, hoa mận dọc 2 bên đường đang nở rộ, tô điểm thêm cho ngôi làng bình yên. Gia Khâu nằm trong một thung lũng nhỏ, bao bọc xung quanh là các dãy núi cao, với hệ thống hang động nguyên sơ như hang Ron, hang Khỉ và hang Gấu. Khu du lịch bản Gia Khâu 1 luôn là điểm đến hấp dẫn bởi vẻ đẹp hoang sơ, trong lành vốn có.

Đang nhanh tay trang hoàng lại khu vườn hoa, chị Giàng Thị Chà phấn khởi nói: Đây là thời điểm chúng tôi đón khách du lịch. Mỗi ngày chúng tôi tiếp đón 50 - 100 khách. Do đó, chúng tôi đang cải tạo, tu sửa lại một số bồn hoa, cây cảnh sao cho đẹp nhất để thu hút khách du lịch đến vui chơi, chiêm ngưỡng và chụp ảnh trong những ngày lễ tết.

Ảnh 1

Ngoài làm du lịch chị Chà còn có niềm đam mê với nghề truyền thống.

Dừng tay mời chúng tôi chén trà nóng. Chị Chà bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp của bản thân. Chị Chà nhớ lại: Trước kia, với người Mông chúng tôi khi con gái đến 12 -15 tuổi là phải dựng vợ gả chồng. Bỏ học và làm mẹ khi tuổi đời còn quá nhỏ. Nhưng tôi lại có suy nghĩ khác, phải nỗ lực học hành đầy đủ, đi ra xã hội mở mang kiến thức. Thoát khỏi mình, thoát khỏi những hủ tục lạc hậu. Đặc biệt, ngày bé tôi luôn ao ước mình được làm việc liên quan đến du lịch. Bởi, được đi nhiều nơi, được giao lưu, học hỏi với nhiều người.

Với nghị lực, khát khao từ bé, Chà không những hoàn thành chương trình học phổ thông (ít cô gái Mông lúc bấy giờ thực hiện được), Chà còn theo học Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex mở tại Điên Biên chuyên ngành Tài chính - Tín dụng. Học xong ra trường thì Chà làm tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Lai Châu từ năm 2012 nhưng đến năm 2018 Chà quyết định xin nghỉ việc. Bởi trong tiềm thức Chà luôn muốn làm gì đó vừa thay đổi bản thân vừa mang lại thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, Chà thấy rằng các mặt hàng nông sản địa phương, sản phẩm dân tộc bán có giá thành rẻ hoặc không có chỗ tiêu thụ. Với những suy nghĩ đó cuối năm 2018 chị Chà mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Dịch vụ - Du lịch Nậm Loỏng với 11 thành viên.

Vệ sinh bồn hoa

Chị Chà dọn vệ sinh vườn hoa trong khu du lịch.

Chị Chà cho biết: Hoạt động chủ yếu của HTX là trao đổi mua bán gạo, cung cấp dịch vụ du lịch và dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, tôi vận động các thành viên thực hiện các mô hình phát triển du lịch cộng đồng; bảo tồn, phát huy các sản phẩm thêu dệt thổ cẩm để bán cho khách du lịch. Từ năm 2018 đến nay HTX đã in bao bì, nhãn mắc cho sản phẩm gạo tẻ râu của chị em phụ nữ trong xã và cung cấp ra thị trường trên 50 tấn gạo; 10 tấn thịt trâu, lợn sấy và hơn 10.000 lít rượu ngô Sùng Phài.

Song song với việc quản lý, điều hành HTX, chị Giàng Thị Chà còn đấu thầu, quản lý Khu du lịch Gia Khâu 1. Để thu hút khách du lịch, chị thường xuyên vận động bà con tổ chức dọn dẹp vệ sinh, cải tạo cảnh quan nhà ở, trồng hoa và đặc biệt duy trì nghề thêu dệt thổ cẩm để phát triển du lịch cộng đồng tại bản. Chị Chà chia sẻ: Mới nhận Khu du lịch tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn có những lúc nản chỉ muốn bỏ cuộc quay về làm nông nghiệp. Bởi, kiến thức để làm du lịch còn hạn chế, không có mối quan hệ, khách đến tham quan ngày một ít dần. Có đêm nằm thức trắng để suy nghĩ về con đường làm du lịch của bản thân.

Ý nghĩ chợt le lói - đó là học hỏi từ những người bạn của mình. Nghĩ là làm, Chà liên hệ với các bạn để hỏi và học cách làm du lịch. Mỗi ngày một ý tưởng, mỗi ngày một cách làm. Dần dần Chà cũng làm được điều mà mình hằng mong muốn. Kết nối, quảng bá du lịch thông qua các trang mạng xã hội tìm kiếm khách hàng, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, hàng thổ cẩm. Chị Chà cho biết thêm: Ngoài tự mình mày mò tôi còn tổ chức cho các hội viên của mình đi tham quan học hỏi tại các địa phương trong tỉnh phát triển mạnh về du lịch cộng đồng như: bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu; bản Lao Chải, xã Khun Há (huyện Tam Đường). Nhờ đó, các hội viên cũng hiểu và biết cách làm du lịch hiệu quả hơn. Nếu như năm 2018 chúng tôi chỉ đón được 500 lượt khách thì từ năm 2019 đến nay số khách du lịch tăng lên trên 5.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Với chị Chà tuy công việc vất vả, bận rộn nhưng chị luôn cảm thấy vui vẻ, việc lựa chọn thành lập HTX để khởi nghiệp là một quyết định đúng đắn và cơ bản đã thành công. Thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 100 triệu đồng/thành viên. Thời gian tới Chà sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng HTX thu hút các thành viên tham gia. Do đó, chị Chà mong muốn: Các cấp, ngành tạo điều kiện cho HTX tiếp cận được nguồn vốn và mở các lớp đào tạo về du lịch cho các thành viên trong HTX tham gia nhằm nâng cao kiến thức làm du lịch cho các thành viên.

Bạch Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...