Thứ sáu, 29/03/2024, 15:55 [GMT+7]

Cựu chiến binh có cơ ngơi bạc tỷ

Thứ ba, 28/12/2010 - 17:09'
Ông không chỉ là chủ doanh nghiệp có tài mà tên ông còn gắn với sự thành công của mô hình nuôi rắn thương phẩm đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Ông là cựu chiến binh (CCB) Đỗ Trọng Khôi ở xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ.

Từ doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản

Xuất ngũ năm 1993, CCB Đỗ Trọng Khôi cùng vợ con rời quê hương Hải Dương lên bản Pa Nậm Cúm, xã Ma Ly Pho lập nghiệp. Khó có thể kể hết khó khăn của những ngày đầu nơi miền đất mới. Bà con hàng xóm chưa quen, là xã biên giới nhưng nền kinh tế nông nghiệp rất nghèo nàn, lạc hậu. Với đồng vốn ít ỏi trước khi xuất ngũ, ông Khôi cũng như bao gia đình khác trong bản tập trung làm ruộng và chăn nuôi. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tằn tiện chi tiêu, đến năm 2005, ông Khôi đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân Mai Hưng chuyên tiêu thụ, chế biến các sản phẩm nông sản như: lúa, ngô, sắn, dong giềng...

 Ông Khôi giới thiệu về máy sấy nông sản của gia đình. 

Bên chén trà nóng những ngày cuối năm, ông Khôi kể cho chúng tôi nghe: “Mới đầu bà con trong xã chưa có thói quen sản xuất lúa, ngô thành hàng hoá, sản phẩm không đủ xuất khẩu nên tôi cùng vợ lặn lội đến các bản làng xa xôi để thu mua. Vừa mua tôi vừa tuyên truyền, vận động, thậm chí cam kết tiêu thụ toàn bộ nông sản do bà con làm ra. Dần dần bà con tin tưởng nên nông sản làm ra đến đâu lại đem đến cơ sở của tôi tiêu thụ đến đó. Đến nay Ma Ly Pho trở thành xã có sản lượng ngô xuất khẩu lớn nhất huyện”.

Vừa tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ vừa tạo dựng niềm tin với nhân dân bằng việc thu mua nông sản đúng giá thị trường, HTX của ông đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Có điều kiện, ông Khôi đã đầu tư hệ thống dây chuyền tiên tiến và hiện đại để sấy và thái lát các sản phẩm nông sản sau khi thu mua cho nhân dân. Mỗi năm HTX thu mua và bán được gần 20.000 tấn ngô hạt, trên 10.000 tấn sắn củ và khoảng trên 80 tấn lúa nương… của nhân dân xã Ma Ly Pho và các tỉnh lân cận. Nông sản thu mua về ông cho lên dây chuyền sấy khô và cắt lát sau đó lại vận chuyển về các tỉnh miền xuôi và xuất khẩu sang Trung Quốc tiêu thụ. Ngoài việc chế biến nông sản, ông còn đầu tư xe tải, máy xúc để vận chuyển nông sản và chạy thuê cho các công trình trên địa bàn. Hàng năm trừ chi phí ông Khôi thu về từ 500 đến 600 triệu đồng.

Nhận xét về Doanh nghiệp tư nhân Mai Hưng, ông Lý Chào Xuân – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Trước đây nông sản của bà con trong xã bị tư thương các tỉnh và ở Trung Quốc ép giá, bà con vất vả làm ra hạt ngô, hạt thóc mà lãi chẳng được bao nhiêu. Vì vậy có vận động, tuyên truyền mãi bà con cũng chẳng làm. Chỉ khi Doanh nghiệp tư nhân Mai Hưng được thành lập, có đầu ra ổn định cũng là lúc cây ngô, cây sắn lên ngôi, người dân Ma Ly Pho chẳng ai bảo ai cứ đua nhau tìm đất, lật đá để trồng ngô và bà con đã có của ăn, của để từ đó”.

Được Đảng uỷ xã tín nhiệm, nhân dân tin yêu bầu ông làm Trưởng bản Pa Nậm Cúm, ông Khôi luôn gương mẫu và làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tích cực vận động nhân dân trong bản tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước gắn liền với cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thi đua sản xuất giỏi nhằm xoá đói giảm nghèo tiến tới làm giàu chính đáng.

… đến mô hình nuôi rắn cho thu bạc tỷ

Không bằng lòng với những gì mình đã có, ông Khôi luôn trăn trở tìm hướng đi mới, cách làm mới trong phát triển kinh tế sao cho vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi thăm mô hình nuôi rắn của một đồng đội cũ ở quê, thấy có hiệu quả cao, năm 2009 ông thử nghiệm nuôi 10 con rắn thương phẩm. Đàn rắn sinh trưởng và phát triển tốt lại không mất nhiều diện tích nuôi nên đến tháng 5 năm 2010, ông Khôi mạnh dạn đầu tư 800 triệu đồng mua 2.000 con rắn hổ mang (6gram/con) về nuôi. Đến nay, mỗi con đã tăng lên 2kg/con và hiện đã sinh sản lứa đầu tiên được hơn 1.000 con.

Ông Khôi bên đàn rắn hổ mang.

Theo ông Khôi, đàn rắn con nếu bán ra thị trường có thể thu về gần 1 tỷ đồng, song ông chưa bán vì muốn mở rộng mô hình nuôi rắn và tạo dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Khi chúng tôi hỏi, nuôi rắn có nguy hiểm lắm không, ông Khôi chia sẻ: “Nếu nói không nguy hiểm thì không phải nhưng phải hết sức cẩn thận. Trong quá trình nuôi rắn, nguyên tắc cẩn thận, tỉ mỷ luôn được đặt lên hàng đầu. Thức ăn cho rắn chủ yếu là cóc và gà con; cứ 3 ngày cho ăn 1 lần. Mùa đông thì giữ ấm cho rắn bằng cách lót rơm rạ và ủ chăn bông nơi rắn nằm để phòng bệnh. Chuồng trại nuôi rắn chỉ cần vài chục mét vuông đất quây bằng tường gạch cao chừng 1,5m, sau đó lót cỏ và thả tấm lợp Prôximăng vào làm nơi trú ngụ cho rắn. Đối với rắn con hay mắc các bệnh về da và tiêu hoá nên chúng tôi phải chăm sóc kỹ hơn. Khi rắn lớn rồi thì khả năng miễn dịch rất cao”.

Ông Khôi cho biết thêm: “Để mở rộng mô hình nuôi rắn, ngoài tham khảo sách báo, phải thường xuyên liên hệ với bạn bè học hỏi kinh nghiệm xử lý các tình huống, có như vậy mới đem hiệu quả kinh tế cao và đảm bản an toàn cho người nuôi”.

Tôi vẫn còn nhớ câu nói của Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ - ông Trần Văn Quế: “Ở xã vùng biên có vài CCB như ông Đỗ Trọng Khôi thì nông dân chẳng mấy mà biết làm giàu”. Từ 2 bàn tay trắng, lại lập nghiệp ở một vùng đất đầy khó khăn, những thành quả mà CCB Đỗ Văn Khôi đã đạt được thật đáng trân trọng.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...