Thứ tư, 17/04/2024, 04:46 [GMT+7]

Chị Danh làm kinh tế giỏi

Thứ bảy, 30/05/2020 - 17:22'
(BLC) - Chị Nùng Thị Danh (41 tuổi, dân tộc Thái), hội viên Chi hội Phụ nữ bản Hợp Nhất (xã Bản Bo, huyện Tam Đường) là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương. Từ phát triển trồng trọt, chăn nuôi, gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Nhanh nhẹn, hoạt bát là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với chị Nùng Thị Danh. Trước đây, gia đình chị chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi vài con lợn, con gà để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Với số tiền tích cóp được, năm 2000 chị bắt đầu mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi. Chị nuôi kết hợp lợn, gà, vịt, chim bồ câu… nhưng trọng tâm là phát triển nuôi lợn (giống địa phương, sức đề kháng tốt, giá trị kinh tế cao). Hệ thống chuồng trại được gia đình chị xây dựng kiên cố, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Trung bình mỗi năm gia đình chị nuôi 6 - 8 con lợn nái, mỗi con đẻ 10 - 14 con/lứa, khi đạt trọng lượng từ 10 - 15kg thì xuất bán. Từ đầu năm đến nay, gia đình chị xuất ra thị trường 10 tạ lợn với giá 170.000 đồng/kg lợn hơi.

chị nùng thị danh

Chị Danh chăm sóc vườn chanh tứ quý.

Chị Danh chia sẻ: “Thời gian qua, trong khi nhiều hộ nông dân dừng chăn nuôi lợn vì dịch lợn tả châu Phi, giá con giống đắt, nhưng tôi vẫn bám trụ, kiên trì chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế gia đình. Để đảm bảo chất lượng thịt thơm, ngon, tôi không nuôi tăng trọng, tận dụng các loại thức ăn sẵn có như: ngô, sắn, chuối… để giảm chi phí. Vì vậy, lợn của gia đình được người tiêu dùng tin tưởng, bán ra thị trường với giá thành ổn định. Ngoài ra, tôi còn trồng 3ha chè kim tuyên, hơn 20 cây chanh tứ quý, đào ao thả cá, chăn nuôi lợn, gia cầm… Nhờ vậy, kinh tế gia đình tôi đã khá hơn, trừ các khoản chi phí cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”.

Cùng với nuôi lợn, gia đình chị nuôi gần 200 con gia cầm các loại, 100 con chim bồ câu ta. Đối với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, chị lựa chọn thức ăn sao cho phù hợp để đảm bảo chất dinh dưỡng và quan tâm phòng chống dịch bệnh. Chị thường xuyên vệ sinh chuồng trại, cọ rửa máng ăn sạch sẽ; phun thuốc khử trùng 2 lần/tháng, nhờ đó đàn vật nuôi lớn nhanh, khỏe mạnh. 

Được xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình chị chuyển đổi diện tích trồng ngô kém chất lượng sang trồng 3ha chè kim tuyên (cho thu hoạch từ 5 - 6 vụ/năm). Chè kim tuyên có giá trị kinh tế cao, giá bán dao động từ 10 - 15 nghìn đồng/kg búp tươi. Ngoài ra, gia đình chị còn đầu tư trồng hơn 20 cây chanh tứ quý. Ưu điểm của giống chanh này là ra quả 4 mùa, quả to, mọng, mỗi năm cho thu hoạch từ 5 - 6 tạ, bán ra thị trường với giá 25.000 -30.000 đồng/kg.

Chị Nông Thị Lệ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bản Bo cho biết: “Chị Danh không chỉ năng nổ, nhiệt tình trong công tác Hội mà còn chăm chỉ, cần cù trong phát triển kinh tế. Mô hình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình chị đem lại thu nhập cao. Đây là điển hình về phát triển kinh tế để phụ nữ trong xã học tập, noi theo. Cùng với đó, chị còn thường xuyên giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật trồng chè, chăn nuôi cho các hội viên nghèo trong chi hội, giúp các hộ từng bước vươn lên thoát nghèo”.

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...