Thứ tư, 24/04/2024, 19:49 [GMT+7]

Chị Lý giữ nghề truyền thống

Thứ sáu, 26/11/2021 - 11:01'
Nhắc đến chị Hà Thị Lý (Tổ dân phố 26, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) hầu như ai cũng biết, bởi chị không chỉ hát hay, múa dẻo mà còn nổi tiếng may vá trang phục truyền thống dân tộc Thái khéo léo và đẹp.

Trong câu chuyện với chị Lý chúng tôi được biết, từ nhỏ chị đã được mẹ dạy cách thêu thùa, may vá trang phục dân tộc Thái và làm đệm bông. Nhưng, do bận học tập nên chị chưa có điều kiện thực hiện nghề, năm 1986 chị Lý đỗ vào Trường Trung cấp Sư phạm Nghĩa Lộ (tỉnh Hoàng Liên Sơn nay là tỉnh Yên Bái). Đến năm 1989, chị ra trường và được phân công dạy tại Trường Phổ thông cơ sở xã Mường Mít (huyện Than Uyên). Trong quá trình dạy học, chị vẫn đau đáu với việc gìn giữ nghề may vá truyền thống của dân tộc mình.

Chị Lý kể: Vào một buổi lao động tại trường cùng phụ huynh học sinh, lúc giải lao chị tình cờ nhìn thấy một phụ huynh đã miệt mài khâu múi đệm bông theo cách riêng và rất độc đáo, chị đã xin được học. Rồi từ đó, mỗi khi rảnh rỗi chị lại mua vải về tập làm đệm, không ngờ sản phẩm đầu tay thành công ngoài mong đợi. Thấy được nhu cầu của người tiêu dùng, chị nảy ra ý định làm thêm đệm bông và trang phục dân tộc Thái để bán lấy tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học và nuôi các con. Tuy nhiên, công việc dạy học bận rộn, chị không làm được thường xuyên và có ý định nghỉ. Nhưng nhiều lần khách hàng đến nhà đặt sản phẩm nên chị lại cố gắng. Tiếng lành đồn xa, những sản phẩm của chị ngày càng được nhiều người biết đến và đơn hàng mỗi ngày một tăng. Để kịp giao hàng cho khách, chị phải nhờ người thân phụ giúp và thuê thêm nhân công.

Chị Lý chia sẻ: Để làm một sản phẩm đệm bông theo đúng truyền thống của dân tộc Thái mất rất nhiều thời gian, từ việc lựa chọn nguyên liệu, vỏ đệm, đến chỉ để khâu cũng không giống như các loại chỉ may mặc khác, mà là loại chỉ sợi to, chắc, bền. Các công đoạn đều đòi hỏi phải kiên trì, tỷ mỷ và độ chính xác cao. Khi làm, mặt đệm được chia thành các ô vuông nhỏ thẳng hàng, rồi khâu hai mặt đệm ở các góc của ô vuông lại với nhau. Tiếp đến là công đoạn nhồi bông làm sao cho chặt, đều các ô vuông. Nhồi bông xong, lấy gậy đập đều lên mặt đệm để các múi đệm hình ô vuông nhỏ căng phồng đều đặn.

Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng hiện đại, người tiêu dùng muốn đặt mua đệm vừa mang đậm truyền thống dân tộc Thái, vừa muốn thay đổi mẫu mã sao cho đẹp, phù hợp với thời nay. Do đó, chị Lý đã lựa chọn loại vải có độ chắc bền, đẹp để sáng tạo ra cách làm đệm kiểu liền mảnh theo kích thước giường. Đồng thời, đệm có may thẳng và lõi trong làm bằng bông. Riêng với trang phục áo cóm chị cũng tỉ mỉ từng đường may và trang trí các họa tiết vừa tôn lên vẻ đẹp duyên dáng của người mặc, vừa giữ được những nét văn hóa cổ truyền trên trang phục của người Thái.

Chị Hà Thị Lý may trang phục dân tộc Thái.

Đến với chị Lý, khách hàng còn được tư vấn tận tình từ cách chọn màu vải, chất liệu đến kiểu dáng phù hợp. Chính vì thế, áo cóm của nhà chị khách nào mặc vào cũng thích, cũng ưng. Không chỉ người dân trong vùng, mà khách ở huyện Than Uyên và các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, thậm chí ở Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng biết và đặt hàng của chị qua mạng xã hội facebook, zalo. Chị Lý cho biết: “Thời điểm bận rộn nhất là vào các dịp tết hay mùa lễ hội, số lượng khách đặt trang phục và đệm lớn, có thời điểm lên hàng trăm đơn hàng”.

Tuy nhiên, vừa dạy học, vừa làm đệm, trang phục dân tộc, sức khỏe của chị ngày một yếu. Năm 2018 chị Lý quyết định xin nghỉ hưu sớm để toàn tâm, toàn ý giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc. Không chỉ làm đệm, trang phục áo cóm, chị còn may một số đồ dùng như: địu, mũ, túi, gối, đệm ghế…

Là người thường xuyên đặt hàng của chị Lý, chị Nguyễn Thị Hân (thị trấn Tân Uyên) chia sẻ: “Mặc dù không phải là người dân tộc Thái, song nhìn những sản phẩm chị làm rất đẹp, bền. Do đó, tôi cũng mua vài bộ trang phục dân tộc Thái để chưng diện khi đi chơi với gia đình, bạn bè. Ngoài ra, cũng mua đệm gửi về quê cho bố mẹ chồng sử dụng, ông bà đều khen đệm êm, ấm, sử dụng rất bền”.

Được biết, mỗi bộ áo cóm chị Lý bán với giá từ 350 nghìn đồng đến 1,4 triệu đồng, đệm từ 600 nghìn đồng đến 4 triệu đồng, riêng các đồ dùng như: địu, mũ, túi, gối… có giá từ 30-500 nghìn đồng/chiếc, tùy theo nhu cầu khách đặt. Hiện nay, trừ các loại chi phí, chị Lý thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động địa phương và được trả lương theo từng sản phẩm.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, chị Lý bộc bạch: “Nếu thị trường rộng mở, nhu cầu người tiêu dùng lớn, tôi tiếp tục giữ nghề và tuyển thêm nhân công. Đồng thời sẽ truyền dạy cho những người có đam mê với nghề may vá truyền thống của dân tộc. Hiện nay, đã có 3 người theo học miễn phí và rất thành công”.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...