Thứ sáu, 29/03/2024, 00:57 [GMT+7]

Chị Phúng sản xuất kinh doanh giỏi

Thứ hai, 04/10/2021 - 10:45'
Chị Nùng Thị Phúng - tổ dân phố số 9, phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu) là tấm gương hội viên phụ nữ điển hình, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình với mô hình chăn nuôi tổng hợp.

Cũng như bao người phụ nữ thôn quê khác, tròn 20 tuổi, chị Phúng kết hôn với người con trai cùng bản. Sau khi lập gia đình, vợ chồng chị được bố mẹ cho 1 con trâu, 1 con ngựa và hơn 7.000 m2 đất làm của hồi môn. Có vốn trong tay, vợ chồng chị “chung lưng đấu cật” làm ăn. Chị Phúng tâm sự: Cha mẹ giao cho “cần câu cơm” nhưng trẻ người non dạ, bươn chải với cuộc sống còn nhiều khó khăn bỡ ngỡ, thời gian đầu rất khó khăn, nhất là khi 2 đứa con tôi lần lượt ra đời. Bên cạnh niềm vui, hạnh phúc là sự lo lắng, mong sao các con có cuộc sống đủ đầy. Bản thân không được học, không biết chữ nên tôi quyết tâm cho con ăn học đầy đủ.

Chị Phúng vệ sinh và chăm sóc đàn lợn.

Xác định rõ phương hướng, mục tiêu, chị Phúng tần tảo sớm hôm, nỗ lực phát triển kinh tế vì cuộc sống ấm no, vì tương lai của các con. Với của hồi môn bố mẹ cho làm vốn ban đầu, hàng ngày chị chăm sóc mong sao con trâu, con ngựa sớm sinh sôi nảy nở. Niềm vui hiện lên gương mặt, chị nhớ lại: Khi trâu, ngựa đẻ lứa đầu tiên vợ chồng tôi vui lắm. Thiết nghĩ mình đã làm được và mơ ước về những điều tốt đẹp trong cuộc sống dần hé mở cho gia đình nhỏ. Vợ chồng tôi lại nỗ lực và cố gắng nhiều hơn. Đến ngày xuất chuồng, tôi còn nhớ như in bán con nghé được hơn 5 triệu đồng. Số tiền đó vợ chồng tôi mua lợn nái về làm giống; mỗi lứa đều để lại nuôi lợn thịt. Cứ thế công việc chăn nuôi thuận buồm xuôi gió, gia đình tôi dần có của ăn của để.

Hiện tại, gia đình chị nuôi 3 con trâu và hơn 20 con lợn. Quan điểm trong chăn nuôi của chị cũng khá đơn giản, đó là đảm bảo nguồn thức ăn sạch, thường xuyên bổ sung chất khoáng, chất điện giải và quan trọng hơn nữa là phòng chống dịch bệnh. Do đó, những năm trước, dịch tả lợn Châu Phi ảnh hưởng lớn đến nhiều hộ dân xung quanh nhưng đàn lợn của chị vẫn an toàn tuyệt đối. Từ chăn nuôi gia súc mỗi năm gia đình chị thu nhập gần 100 triệu đồng.

Ngoài chăn nuôi chị còn làm thêm đậu phụ. Làm đậu được ví như là nghề gia truyền của gia đình vì trước đây bà và mẹ chị đã từng làm rồi sau đó truyền lại cho chị. Đậu phụ chị làm được nhiều khách hàng lựa chọn. Vừa tiếp chuyện chúng tôi chị vừa chuẩn bị đậu phụ cho buổi chợ chiều. Với cái nóng hừng hực của than củi và hơi nước, chiếc khăn lau mặt luôn thường trực trên vai không kịp khô bởi mặt chị lúc nào cũng nhễ nhại mồ hôi. Chị Phúng cười nói: Đậu phụ không khó làm nhưng đòi hỏi kỳ công và khéo tay. Và, nghề này tôi chỉ làm thêm lúc nông nhàn, giờ rất nhiều người làm đậu nên thu nhập chỉ đủ phụ thêm chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Có sẵn nguồn đậu, hơn 3 năm nay chị làm thêm món đậu phụ nhự, bởi đậu phụ nhự là món chấm mang đậm hương vị truyền thống của người Giáy. Chị Phúng cho biết: Đây là “món tủ” của mẹ chồng tôi. Bà làm món đậu phụ nhự rất ngon, người dân xung quanh thường xuyên tới nhờ cụ làm. Được bà truyền dạy nên tôi thử sức mình và cũng đã thành công. Đậu phụ nhự làm đến đâu bán hết đến đó, nhiều khách hàng còn đặt mua theo đơn.

Theo chị Phúng, làm đậu phụ nhự khá cầu kì, phải mất hơn 7 ngày. Muốn cho món chấm thơm, ngon thì không thể thiếu các gia vị: gừng, ớt, hạt tê tất cả phải rửa sạch, phơi khô, đem rang lên cho thơm rồi giã và trộn với đậu phụ lên men, cho thêm chút rượu trắng là hoàn thành công đoạn chế biến. Để thêm khoảng 1 tuần cho các gia vị, rượu ngấm đều vào từng miếng đậu, sau đó có thể thưởng thức ngay với các món rau, củ quả hay thịt luộc.

Giờ đây, các con đã trưởng thành, nhưng với chị, lao động chưa bao giờ là thời điểm để ngừng nghỉ. Từ sự quyết tâm, chịu thương, chịu khó và tinh thần học hỏi, vợ chồng chị Phúng đã gây dựng được cơ ngơi khang trang trên chính mảnh đất quê nhà bằng bàn tay lao động của mình. Thành công của anh chị chính là sự khích lệ to lớn, tạo động lực để chị em phụ nữ tại địa phương học tập, vươn lên, nâng cao đời sống, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhờ những nỗ lực đó, năm 2020 chị Phúng được UBND thành phố Lai Châu tặng giấy khen hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Bạch Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...