Thứ tư, 17/04/2024, 04:25 [GMT+7]

Chị Sua làm giàu

Thứ năm, 21/10/2021 - 09:39'
Chị Vàng Thị Sua (37 tuổi) dân tộc Mông, hội viên Chi hội Phụ nữ bản Chu Va 12 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) là một trong những điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi ở địa phương. Nhờ tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Sinh năm 1984, tại bản Ý Lìn Hồ, xã Sang Tả Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, ngay từ nhỏ chị đã quen với việc đồng áng, chăm sóc đàn lợn, gà để đỡ đần cha mẹ. Sau khi xây dựng gia đình, năm 2000, vợ chồng chị chuyển về sinh sống tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình và bắt đầu lập nghiệp tại mảnh đất này. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp đầy gian khó, chị Vàng Thị Sua bộc bạch: “Thời gian đầu, vợ chồng tôi chuyển về bản Chu Va 12, cuộc sống khó khăn lắm, gia đình ở trong một căn nhà nhỏ, chỉ làm vài sào ruộng, chăn nuôi vài con gà, vì vậy cơm không đủ no, mặc không đủ ấm. Để vực dậy kinh tế gia đình, vợ chồng tôi cố gắng bươn trải, đi làm đủ mọi việc để kiếm tiền từ gặt thuê, đi xây, bốc vác… Sau nhiều năm cố gắng đã dành dụm được một khoản vốn nho nhỏ, tôi quyết định đầu tư chăn nuôi lợn, mở rộng diện tích lúa, trồng rừng, cây ăn quả ôn đới. Nhờ chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa từ 20-30 con/lứa, chăn nuôi đại gia súc đã giúp kinh tế gia đình tôi ổn định hơn. Cùng với đó, gia đình tôi còn trồng các loại cây có giá trị kinh tế như: 1ha đào chín sớm, hơn 1ha dong riềng, 5ha thảo quả, 7.000m2 lúa chất lượng cao, nhờ đó kinh tế khá, con cái được học hành đến nơi, đến chốn”.

Chị Sua chăm sóc vườn rau.

Những ngày giữa tháng 10, đến thăm gia đình chị Sua, chúng tôi thật sự ấn tượng với cơ ngơi mà gia đình chị đang sở hữu với chiều dài gần 50m mặt đường 4D cùng với ngôi nhà khang trang, to đẹp, nương dong riềng bạt ngàn, trải dài ngút tầm mắt. Qua cuộc trò chuyện với chị Sua, chúng tôi được biết, để phát triển kinh tế, gia đình chị trồng đa dạng các loại cây trồng, trong đó chú trọng những loại cây có giá trị kinh tế cao như: thảo quả, dong riềng...

Nhận thấy cây thảo quả phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương, chị mạnh dạn trồng và chăm sóc 5ha thảo quả, trung bình mỗi năm thu được 1,1-1,3 tấn thảo quả khô, với giá 110.000-130.000 đồng/kg, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Thấy hiệu quả kinh tế từ trồng dong riềng ở các xã lân cận như: Bình Lư, Hồ Thầu, chị Sua quyết định trồng hơn 1ha dong riềng. Mỗi năm gia đình chị bán được trên 50 tấn củ, tạo thu nhập thêm cho gia đình. Được sự định hướng trồng chanh leo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đầu năm 2021 gia đình chị trồng thử nghiệm chanh leo, hiện nay cây sinh trưởng, phát triển tốt, sai quả, thời gian tới chị quyết định đầu tư trồng hơn 500m2 chanh leo.

Không dừng lại ở đó, gia đình chị còn mua ôtô để chở nông sản thuê cho người dân trên địa bàn, đồng thời mua những mặt hàng như: mía, ngô, thóc, thảo quả… chở sang thị xã Sa Pa để bán. Ngoài ra, chị còn đầu tư mua máy xay xát để phục vụ nhu cầu của gia đình và xát thóc thuê để tăng thêm thu nhập. Dù công việc hàng ngày rất bận rộn nhưng chị Sua luôn lấy đó làm niềm vui, bởi chị nghĩ rằng “lao động là vinh quang”, chỉ có cần cù, chăm chỉ trong lao động sản xuất mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, con cái được học hành đầy đủ.

Không những là một hội viên phụ nữ phát triển kinh tế giỏi, chị Sua còn là một người vợ hiền, một người mẹ chịu thương, chịu khó, biết vun vén hạnh phúc gia đình. Niềm vui của chị không chỉ nhìn thấy đàn lợn khỏe mạnh, vườn dong riềng xanh tốt, mà niềm hạnh phúc hơn nữa đó chính là được chính tay mình nấu những bữa ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng cho các thành viên thân yêu trong gia đình. Với chị, trên tất cả đó chính là sức khỏe, mọi người phải khỏe mạnh thì mới có thể lao động và học tập tốt.

Chị Trần Thị Lượt - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Bình nhận xét: “Đồng chí Vàng Thị Sua là một trong những hội viên phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế của xã. Chị tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: đào chín sớm, thảo quả, dong riềng, chăn nuôi đại gia súc… Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, chị luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của chi hội. Ngoài ra, chị còn thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hội viên phụ nữ để từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Chị là một tấm gương sáng để các hội viên phụ nữ trong xã học tập và noi theo”.

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...