Góp sức cho những cánh rừng thêm xanh
Ông Sách sinh ra và lớn lên ở xã Lâm Thượng (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái); chuyển đến thị trấn Phong Thổ sinh sống từ năm 2004. Nhận thấy tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống, ông tự giác chấp hành nghiêm các quy định không khai thác rừng trái phép, không mang nguồn lửa vào rừng trong mùa hanh khô. Từ khi được bầu làm Bí thư Chi bộ (tháng 4/2011-9/2021) và Tổ trưởng tổ dân phố (từ tháng 10/2021 đến nay), ông tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia giữ rừng.
Ông Sách chia sẻ: “Trong tổ dân phố chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ hưu trí, hộ kinh doanh và một phần làm nông nghiệp. Về cơ bản bà con chấp hành các quy định rất tốt. Tuy nhiên, cái khó của chúng tôi trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là diện tích rừng rộng (157,55ha) tiếp giáp với nhiều nơi như: thôn Vàng Bó (thị trấn Phong Thổ), xã Mường So, xã Hoang Thèn. Và, người dân của các tổ dân phố khác trong thị trấn, xã Hoang Thèn đang canh tác trên diện tích đất của tổ. Chính vì vậy, ngoài tuyên truyền đến nhân dân trong các cuộc họp, qua nhóm zalo tổ dân phố, cấp ủy, chính quyền bản còn phối hợp với UBND thị trấn, lực lượng kiểm lâm rà soát, tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng đến từng hộ dân”.
Ông Sách (bên trái) cùng người dân tuần tra bảo vệ rừng.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Lâm nghiệp, quy định của tổ dân phố trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là việc không được khai thác rừng trái phép, không mang nguồn lửa vào rừng, đốt nương đúng quy định. Nhờ đó, nhận thức, ý thức của người dân ngày càng nâng cao. Hiện, 314 hộ dân trong tổ dân phố Hữu Nghị (1 thành viên/hộ) tham gia lực lượng thường trực bảo vệ rừng. 50 người tham gia tổ chuyên trách bảo vệ rừng và ông Sách là tổ trưởng. Các thành viên trong tổ thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng (bình quân 1-2 lần/tháng); các hộ dân canh tác nương cũng cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho tổ và lực lượng chức năng.
Anh Lò Văn Thỉn ở tổ dân phố Hòa Bình cho hay: “Gia đình tôi có trang trại nuôi lợn, trồng cây ăn quả, mía, ngô… ở tổ dân phố Hữu Nghị nên thời gian sinh sống ở đây nhiều. Trong quá trình canh tác, được cán bộ thị trấn, ông Sách thường xuyên tuyên truyền, tôi chấp hành nghiêm việc đốt nương đúng quy cách, khi phát hiện người lạ vào rừng báo ngay cho chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm. Tôi nhận thấy diện tích rừng trên địa bàn tổ phát triển nhanh, mật độ dày và không còn tình trạng người dân tự ý khai thác cây mỡ trái phép như 8 năm về trước”.
Bà con chủ động bảo vệ rừng như tài sản của gia đình mình, 5 năm gần đây, trên địa bàn tổ dân phố không xảy ra cháy rừng, cháy thảm cỏ. Màu xanh của các cánh rừng ôm trọn lấy khu dân cư tạo bầu không khí trong lành. Không những vậy, người dân trong tổ còn được hưởng lợi từ rừng. Chỉ tính riêng trong năm 2022, tổ dân phố được chi trả 124 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này được tổ đưa ra họp, bà con thống nhất sung quỹ tập thể để chi cho hoạt động tuần tra bảo vệ rừng. Được động viên kịp thời, trách nhiệm thành viên trong tổ chuyên trách nâng cao, làm việc hiệu quả hơn. Với số tiền còn lại dành để chi cho các hoạt động chung của tổ như: xây dựng nhà văn hóa, khuyến học khuyến tài, thăm hỏi gia đình chính sách, tổ chức các hoạt động dịp tết thiếu nhi, trung thu…
“Mọi nội dung liên quan đến quản lý bảo vệ rừng, duy trì hoạt động tổ chuyên trách cũng như chi tiêu tiền quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng đều được chúng tôi tiến hành họp bàn, chưng cầu ý dân, tạo sự đồng thuận. Bà con phấn khởi, hồ hởi tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, hiệu quả công việc rõ nét. Diện mạo đô thị khang trang, xanh - sạch - đẹp, không khí trong lành. Cuộc sống bà con được cải thiện. Đây là động lực để chúng tôi làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình” - ông Sách cho biết thêm.
Với sự đóng góp tích cực của mình, nhiều năm, ông Sách đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2022, ông được UBND thị trấn Phong Thổ tặng Giấy khen có thành tích trong công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Thanh Hoa
Bình luận