Thứ bảy, 20/04/2024, 09:58 [GMT+7]

Hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”

Thứ ba, 28/07/2020 - 15:01'
Bằng tình yêu thương, lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, suốt 18 năm công tác trong ngành Giáo dục, cô giáo Bùi Thị Thuyên, giáo viên Trường Tiểu học Hồ Thầu (huyện Tam Đường) luôn cống hiến hết mình vì sự nghiệp “trồng người”, tận tình gieo chữ cho học sinh vùng cao.

Sinh ra tại vùng quê có truyền thống hiếu học tại xã Thụy Phúc (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), ngay từ nhỏ cô học trò nghèo đã chăm chỉ đèn sách với ước mơ trở thành cô giáo. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên, năm 2002 cô ra trường và về giảng dạy tại điểm trường Sử Thàng thuộc Trường Phổ thông cơ sở xã Hồ Thầu.
Đường sá đi lại khó khăn, từ trung tâm xã muốn lên bản chỉ có cách duy nhất là đi bộ, phải mất hơn 2 giờ đồng hồ. Nhớ lại những ký ức đó, cô giáo Bùi Thị Thuyên xúc động nói: “Đường lên bản quanh co, dốc thẳng đứng, đi được một tiếng tôi đã thấm mệt, chân rã rời, nhìn xung quanh chỉ có đồi núi, không một bóng người. Lúc ấy tôi thấy tủi thân, vừa đi nước mắt vừa lã chã rơi, nhưng sau hồi chấn tĩnh tôi lấy lại tinh thần để bước tiếp. Khi đi tới đầu bản nghe thấy từ đằng xa có tiếng nói vọng lại: Chào cô giáo, cô giáo lên bản à, câu nói giản dị ấy như giúp tôi xua tan hết mọi mệt mỏi sau một chặng đường dài”.

Cô giáo Thuyên cùng đồng nghiệp trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.

Cô giáo Thuyên cùng đồng nghiệp trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.

Trực tiếp giảng dạy tại điểm bản, cô nhận thấy các em đã 7 - 8 tuổi nhưng chưa biết đọc, biết viết, nhiều em phải đi làm giúp bố mẹ nên không được tới lớp, nhìn các em nhỏ cô không khỏi chạnh lòng. Cô bắt đầu dạy cho các em những kiến thức cơ bản, dạy thêm vào các buổi chiều. Sau giờ lên lớp, cô đến từng nhà tuyên truyền, thuyết phục phụ huynh cho con đến trường. Chỉ hết học kì I, các em đã biết đọc thành thạo, biết viết, đến lớp đông đủ. Vì đường sá xa xôi, tết năm ấy cô quyết định không về, ở lại ăn tết với đồng bào. Để cảm ơn tấm lòng của cô giáo, phụ huynh đã chuẩn bị những món quà tết giản dị và một bức thư chúc tết do chính tay các em học sinh viết. “Khi đọc những dòng chữ của các em, tôi thật sự rất xúc động, với một giáo viên trẻ mới ra trường nhận được tình cảm chân thành của học sinh, sự quan tâm của phụ huynh, tôi cảm thấy thêm yêu trường, yêu lớp, muốn gắn bó với nơi này”- cô giáo Bùi Thị Thuyên cho biết thêm.
Khi được chuyển về giảng dạy tại điểm trường trung tâm, cô càng nỗ lực phấn đấu hơn trong giảng dạy. Để có bài giảng hay, cô luôn học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, trên mạng intenet, tích cực tham gia các lớp tập huấn. Mỗi ngày đứng trên bục giảng, cô đều trăn trở với từng trang giáo án, tìm ra những phương pháp giảng dạy mới giúp học sinh dễ hiểu, tạo hứng thú cho các em học tập. Đa phần các em là người dân tộc thiểu số nên khả năng giao tiếp tiếng Việt còn hạn chế. Do vậy, ngoài trau dồi kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, cô Thuyên còn học thêm tiếng dân tộc Dao để truyền đạt nội dung bài giảng bằng 2 thứ tiếng, từ đó giúp các em hiểu bài nhanh hơn. Đối với các em học bán trú, cô giáo còn như người mẹ hiền, thường xuyên gần gũi, động viên, chỉ bảo các em vệ sinh cá nhân, rèn cho các em nếp ăn ở, sinh hoạt, học tập khoa học, ngăn nắp, giúp các em hòa nhập với môi trường mới.
Những năm trước đây, Nhân dân các bản đa phần không biết chữ, không biết cách làm ăn nên đói nghèo, lạc hậu cứ mãi đeo bám. Năm 2006 - 2007, cô được phân công dạy lớp xóa mù, ban ngày làm việc chuyên môn, ban đêm cô lại miệt mài, giảng dạy cho đồng bào. Nhờ sự nhiệt tình giảng dạy của cô chỉ trong một thời gian ngắn, người dân đã biết chữ, biết học tập kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi trên các trang báo, tài liệu, từ đó Nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Với cương vị là tổ trưởng chuyên môn, cô thường xuyên dự giờ thăm lớp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, mang đến cho các em những giờ học thú vị, sinh động. Bên cạnh đó, cô còn dạy mẫu các tiết khó, tư vấn cho giáo viên cách dạy từng mạch kiến thức để giáo viên trong tổ học tập, vận dụng. Ngoài ra, cô còn có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được đồng nghiệp, nhà trường đánh giá cao và áp dụng rộng rãi trong các trường tiểu học như: phương pháp rèn viết chính tả cho học sinh, biện pháp rèn đọc cho học sinh dân tộc Dao.
Thầy giáo Đặng Mạnh Trường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Thầu cho biết: “Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng cô giáo Bùi Thị Thuyên đã dành trọn tuổi thanh xuân cho trẻ em vùng cao, luôn nỗ lực phấn đấu trong công tác, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng để giáo viên trong trường học tập và noi theo”.
Với những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi, cô Thuyên nhận được nhiều danh hiệu cao quý, 8 năm liền cô đạt chiến sỹ thi đua cơ sở, 10 năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2018, cô vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hiện cô đang được nhà trường đề nghị cấp trên tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Cô giáo Bùi Thị Thuyên thực sự là một bông hoa đẹp trong vườn hoa rực rỡ sắc màu của ngành Giáo dục huyện Tam Đường.

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...