Thứ bảy, 27/04/2024, 01:34 [GMT+7]

Mô hình trồng ổi của chị Thím

Thứ tư, 23/09/2020 - 17:33'
Cùng bán ổi cho những khách đi đường, nhưng gùi ổi của chị Vàng Thị Thím ở bản Phai Cát, xã Khổng Lào (huyện Phong Thổ) luôn hết trước. Có được điều đó là do gia đình chị đã có cách chăm sóc ổi theo cách riêng. Nhờ đó, nguồn thu nhập của gia đình chị cũng nâng lên đáng kể.

Theo chân chị Thím lên nương, tôi thấy những trái ổi vít xuống làm cong cả cành cây. Có những quả đã chín vàng thơm mát thu hút đàn chim rừng bay về làm tổ. Chia sẻ về quá trình trồng ổi, chị Thím hồ hởi: Diện tích đất này gia đình tôi từng trồng ngô, lúa, chuối và cây trẩu nhưng đều thất bại do đất không hợp. Nhiều người giới thiệu mua cây ổi giống ở những địa chỉ bán trên mạng nhưng mua hàng nguồn gốc mập mờ tôi không yên tâm; do đó, năm 2017 tôi cùng chồng trực tiếp đến Học viện Nông nghiệp Hà Nội tìm hiểu về giống ổi ngon, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Được cán bộ kỹ thuật dẫn đi tham quan mô hình ổi, tư vấn cách trồng, chăm sóc, vợ chồng tôi đã được trang bị kiến thức về giống ổi lê này.

Chị Thím thu hoạch ổi.

Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm lại không như tưởng tượng, bởi nương xa, độ dốc lớn đi vất vả, nhất là thiếu nước tưới trong mùa khô. Tuy nhiên, với sự đồng lòng quyết tâm, vợ chồng chị ngày ngày phát cỏ, đào hố trồng hơn 500 cây ổi lê và kéo nước từ khe suối về nương 2km. Nhận thức được việc sử dụng thuốc diệt cỏ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nên dù diện tích đồi lớn (5ha), cỏ phát sau vài hôm đã mọc xanh rì, rậm rạp nhưng gia đình chị vẫn kiên trì dùng dao phát cỏ.

Chị Thím bảo, phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức lao động nhưng đổi lại có thể giữ vi lượng cho đất trước tác hại của hóa chất và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là niềm vui lớn hơn. Đất không phụ công người, sau 8 tháng trồng, ổi ra những trái đầu tiên. Số lượng quả nhiều, có những cây đậu tới hơn chục quả. Tuy nhiên, để cây có tán rộng, quả to, chị Thím tỉa mỗi cây còn 5 - 6 quả. Năm 2018, gia đình chị bán ổi thu 30 triệu đồng. Trong năm 2020, ước tính thu về khoảng 50 triệu đồng.

So với trồng lúa, ngô, thì trồng ổi vất vả nhưng lại được giá. Sau mỗi đợt thu hoạch phải tỉa, cắt ngọn, cành già để cây mọc chồi mới ra quả nhiều hơn. Nhằm tránh côn trùng phá hoại, tác động từ thời tiết, quả nào cũng phải bọc trong túi nilon, túi xốp nên mất nhiều công đoạn. Ngoài việc bón lót phân chuồng, NPK mỗi năm gia đình chị còn mua hạt đậu tương về nghiền nhỏ làm chất bón. Có thời điểm chị còn ủ hạt đậu để đạt hiệu quả cao hơn trong việc tăng độ tơi xốp, lượng đạm, thoáng khí cho đất; giúp cây ổi có sức đề kháng, phòng chống được các bệnh vàng lá, thối rễ… Đây cũng là bí quyết giúp ổi ngọt và là cách làm khác biệt với 3 hộ cùng trồng ổi trên địa bàn. Nhờ đó, ổi do gia đình chị Thím trồng có hương vị ngon, ngọt, giòn hơn hẳn, được nhiều khách hàng tìm đến mua.

Theo như cách nói dân dã của chị Thím thì từ khi trồng ổi, gia đình chị có “đồng ra đồng vào”. Đặc biệt như thời điểm hiện nay, một số mặt hàng quả khó bán thì sản phẩm ổi của gia đình chị vẫn dễ dàng tiêu thụ, được người dân chọn lựa. Tiền bán ổi gia đình chị mua thêm các loại cây ăn quả lâu năm khác về trồng xen kẽ như: mít, bơ, mận. Hơn 100 cây phủ xanh ngát khắp đồi. Trong tương lai không xa, diện tích đồi của gia đình chị Thím sẽ có nhiều trái cây được thu hoạch, mang lại nguồn lợi đáng kể cho gia đình chị.

Câu chuyện trồng ổi của gia đình chị Thím đã giúp tôi hiểu thêm về cuộc sống của người nông dân nơi đây, dù sinh sống ở những vùng đất khó nhưng bằng ý chí quyết tâm, ngày ngày miệt mài cần mẫn lao động, tự mày mò tìm cách làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo cách làm mới thì dù có khó khăn đến đâu trồng cây cũng sẽ được hái những quả ngọt lành.

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...