Thứ bảy, 05/10/2024, 06:34 [GMT+7]

Mười tám năm hết lòng với bệnh nhân tâm thần

Thứ năm, 16/08/2012 - 10:16'
(BLC) - Tính tình hiền lành, nhân hậu và gần gũi là cảm nhận của bất kỳ ai lần đầu tiên tiếp xúc với chị Đào Thanh Ka - Thư ký chương trình phòng, chống bệnh tâm thần thuộc Đội Y tế Dự phòng huyện Tân Uyên.

Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Than Uyên. Từ nhỏ, chị đã được chứng kiến dịch bệnh cướp đi nhiều sinh mạng của bà con dân bản, nhất là chứng kiến nhiều cảnh đời bất hạnh của những người bị mắc bệnh tâm thần và ước mơ trở thành y sỹ để khám, chữa bệnh cho họ ngày càng thôi thúc chị phấn đấu học tập ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp lớp y tá tại Trường Đào tạo y tế Lào Cai, chị được nhận công tác tại Trạm y tế Thân Thuộc, huyện Than Uyên (nay là huyện Tân Uyên). Tháng 11/2000 chị được cử đi học lớp Trung cấp Y Lào Cai, ra trường chị được phân công công tác tại Đội y tế Dự phòng huyện Than Uyên.

Chị Ka hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng thuốc.

Với lòng nhiệt tình, yêu nghề chị luôn học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn để khám chữa bệnh cho người bệnh. Sau 9 tháng công tác, chị được Trung tâm Y tế huyện Than Uyên cử đi học lớp chuyên khoa định hướng tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I Hà Nội.

 Hoàn thành khoá học chị được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách chương trình phòng, chống bệnh tâm thần tại Đội y tế Dự phòng huyện Than Uyên. Với địa bàn rộng, dân số đông, số người mắc bệnh tâm thần, động kinh lên đến hơn 80 người.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng chị đã tranh thủ sự phối kết hợp với những cán bộ của các Trạm y tế xã và các nhân viên y tế thôn bản để đến khám và điều trị cho những bệnh nhân ở xa không có điều kiện đến bệnh viện khám và điều trị bệnh.

Chị Ka kể lại, trước đây nhận thức của người dân còn hạn chế, gia đình nào không may có người mắc bệnh tâm thần hoặc động kinh thường bị bà con trong bản xa lánh vì phong tục tập quán lạc hậu cho rằng gia đình đó bị ma rừng làm, phải mời thầy mo, thấy cúng về làm lễ cúng ma gọi hồn, ngoài ra không tin bất cứ điều gì.

Mình suy nghĩ muốn thay đổi nhận thức của bà con cần có thời gian và lòng kiên trì nên đã trao đổi với các đồng chí lãnh đạo xã, cán bộ trạm y tế, già làng, trưởng bản để cùng tuyên truyền vận động nhân dân; kết hợp tuyên truyền tại các buổi họp khối phố, họp bản. Dần dần bà con đã thay đổi nhận thức nên đã hợp tác với cán bộ y tế trong việc chăm sóc sức khoẻ nói chung và chăm sóc sức khoẻ tâm thần nói riêng.

Cái khó khăn trong công tác chăm sóc bệnh nhân tâm thần là hiện nay chưa có cơ sở để điều trị tập trung nên bệnh nhân vẫn phải điều trị tại cộng đồng nên việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn, bệnh nhân hay tự ý bỏ thuốc, thấy đỡ thì không uống thuốc nữa, đến khi xuất hiện cơn co giật mới dùng thuốc cho nên việc điều trị không được dứt điểm.

 Thực hiện chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho cả huyện là một việc làm không đơn giản, nhưng được sự tín nhiệm của cấp trên cũng như của bà con nhân dân nên chị đã nỗ lực cố gắng chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân tâm thần. Không kể đêm hôm nếu có người ốm đau, lên cơn chị đều đến tận nhà để theo dõi, giúp đỡ người nhà đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để khám và được cấp thuốc điều trị, chị cố gắng đến từng hộ gia đình có người mắc bệnh để tuyên truyền, vận động người bệnh uống thuốc đều đặn, không được tự ý bỏ thuốc.

Đến kỳ phát thuốc nếu gia đình nào không đến lấy, chị và cán bộ y tế của trạm mang thuốc đến tận nhà, không để sót đối tượng. Do vậy, những năm qua, những bệnh nhân do chị phụ trách  đều được điều trị ổn định, hoà nhập cộng đồng, tham gia lao động sản xuât giúp đỡ gia đình.

Tháng 3/2009, huyện Than Uyên được chia tách làm 2 huyện là Than Uyên và Tân Uyên. Chị Ka đã tình nguyện nhận công tác tại huyện mới mặc dù cuộc sống của gia đình chị ở Than Uyên đã ổn định. Chị lại tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn của một huyện mới tách, gây dựng lòng tin với bà con nơi đây. Bệnh nhân Lù Thị Đỉa ở xã Nậm Cần huyện Tân Uyên bị mắc bệnh động kinh đã 5 năm, nhà xa phải đi bộ 6km mới tới nơi nhưng chị Ka đã không quản ngại mà vẫn đến để thăm khám và phát thuốc đều đặn cho bệnh nhân, hiện tại sức khoẻ của chị Đỉa đã ổn định, lao động bình thuờng giúp đỡ gia đình.

Anh Nguyễn Lương Nại - phụ trách Đội y tế Dự phòng huyện Tân Uyên cho chúng tôi biết: “Chị Ka  là một cán bộ  nhiều kinh nghiệm, luôn nhiệt tình với công việc, không quản ngại khó khăn, luôn cố gắng để chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho nhân dân trong huyện, được bà con tin yêu, bạn bè đồng nghiệp mến phục’’.

18 năm gắn bó với nghề là từng ấy thời gian chị luôn nỗ lực học hỏi nâng cao tay nghề góp phần chăm sóc sức khoẻ cho bà con ngày một tốt hơn, góp phần  xoa dịu nỗi đau của người bệnh.

Điều tâm đắc nhất của chị đó là: dù trong hoàn cảnh nào mình cũng phải làm việc với lương tâm và trách nhiệm, được chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh là niềm vui, hạnh phúc của mình. Thiết nghĩ, với những người không may mắc phải căn bệnh tâm thần, ngoài sự thương yêu của gia đình, làng xóm, cần lắm những cán bộ có tấm lòng như chị.

 

Bạch Mai – TTGDTT&SK

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...