Thứ năm, 25/04/2024, 07:46 [GMT+7]

Năng động, nhiệt huyết với nghề

Thứ sáu, 19/06/2020 - 17:45'
Năng động, yêu nghề, không ngại khó để đưa những thông tin, hình ảnh chân thực nhất của cuộc sống đến với bạn đọc - là những ấn tượng của các đồng nghiệp khi tiếp xúc với nhà báo Vương Thị Quỳnh Trang (Báo Lai Châu).

Có dịp cùng với nhà báo Quỳnh Trang đi tác nghiệp ở cơ sở chúng tôi mới hiểu rõ hơn nỗi vất vả của nữ phóng viên miền núi. Việc một mình một xe máy, ba lô quần áo, máy tính, máy ảnh... đã trở nên quá quen thuộc đối với Quỳnh Trang trong mỗi chuyến tác nghiệp. Trên suốt chặng đường đi những câu chuyện, kỷ niệm, trăn trở về nghề được Quỳnh Trang trải lòng giúp tôi có cảm giác chặng đường về với cơ sở dường như ngắn hơn.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phong Thổ, năm 2015, Trang tốt nghiệp đại học, mang theo hành trang và hoài bão tuổi trẻ, trở về quê hương và nhận công tác tại Báo Lai Châu với nhiệm vụ phóng viên. Trở thành phóng viên là niềm ước mơ từ bé, vì vậy, Trang có thêm động lực, quyết tâm theo đuổi đam mê với nghề mình đã chọn. Nhớ những ngày đầu tiếp cận công việc, Trang được lãnh đạo cơ quan phân công phụ trách thông tin, tuyên truyền tại huyện Phong Thổ. Đây là lợi thế bởi miền đất này là nơi sinh và lớn lên nên Trang rất am hiểu địa bàn và các phong tục tập quán của bà con. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như Trang nghĩ, thời gian đầu bước vào nghề, tin, bài phải viết đi viết lại. Có những bài thức trắng đêm mới hoàn thành mà khi gửi đi vẫn còn lo lắng không biết có phải viết lại hay không.
Trang tâm sự: “Thời gian đầu tôi cảm thấy rất áp lực khi thực hiện các tin, bài vì kiến thức học ở trường khác xa so với thực tiễn. Có những lúc tưởng như bỏ cuộc nhưng rất may mắn khi được anh chị đi trước hướng dẫn cách khai thác thông tin, sắp xếp, tìm những chi tiết đắt sao cho bài viết hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc. Đặc biệt, ngoài việc đọc thật nhiều sách, báo để nâng cao trình độ, chuyên môn, tôi vẫn luôn tâm niệm: phóng viên phải lăn lộn cơ sở, gần gũi với người dân, viết bằng “cái tâm” của mình để có cái nhìn đa chiều, đưa những thông tin chính xác, hình ảnh chân thực đến với bạn đọc”.

Phóng viên Quỳnh Trang tác nghiệp tại rừng thảo quả thuộc xã Làng Mô, huyện  Sìn Hồ.

Phóng viên Quỳnh Trang tác nghiệp tại rừng thảo quả thuộc xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ.

Quả thật, nhờ những chuyến đi giúp Quỳnh Trang trưởng thành hơn, có những bài viết hay mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh chân thực đời sống của bà con. Điển hình năm 2015, Trang có nhiều bài báo hay ở các xã biên giới: Vàng Ma Chải, Ma Ly Chải, Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ). Nhớ lại chuyến công tác đó, Trang chia sẻ: “Sáng sớm, tôi cùng đồng nghiệp xuất phát từ thành phố Lai Châu đến Sì Lở Lầu - xã biên giới xa nhất của huyện Phong Thổ. Đường đi gập ghềnh, quanh co, uốn lượn, nếu không là tay lái cứng thì không thể đi qua được những khúc cua tay áo một bên là núi, một bên là vực. Mới đi được gần nửa quãng đường thì trời bất chợt đổ mưa, con đường đất đỏ bỗng chốc biến thành lầy lội, trươn trợt. Tôi dùng hết sự khéo léo để điều khiển xe máy sao cho không bị đổ. Mọi thứ càng khó khăn hơn khi tới địa phận giữa xã Vàng Ma Chải và Tung Qua Lìn lại xảy ra sạt lở đồi, gây tắc đường. Lúc này đúng là “tiến thoái lưỡng nan” nhưng quyết không bỏ cuộc hai chị em động viên nhau người dắt, người đẩy xe vượt qua đoạn đường, dù bị ngã rất nhiều lần, đồ đạc, quần áo lấm lem bùn. Dù vất vả, nhưng chuyến đi này chúng tôi có những tư liệu quý về các chiến sỹ biên phòng, đồng bào dân tộc. Từ đó có một số tác phẩm đáng nhớ như: “Một trăm lời nói hay không bằng một việc tốt”; “Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải đồng hành cùng người dân”… được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng Giấy khen”.
Tuổi trẻ không ngại khó, ngại khổ, năm 2016 Trang xin được chuyên tác nghiệp trên địa bàn huyện Sìn Hồ. Đây là một trong những địa bàn khó khăn của tỉnh được chia làm 2 vùng: vùng cao và vùng thấp. Vùng cao quanh năm mây mù bao phủ, mùa đông rét đậm, rét hại, có năm rét đỉnh điểm xuất hiện băng tuyết. Còn vùng thấp nắng nóng, oi bức. Có những bản phải đi bộ hàng chục cây số, đến nơi rồi nhưng không thể làm được việc vì bà con bận đi nương, lên rừng; có hôm đi cơ sở ở các xã vùng cao không thể ghi hình chụp ảnh vì mây mù giăng kín. Khó khăn vất vả là vậy, nhưng với lòng yêu nghề và mong muốn được chia sẻ với những khó khăn của bà con địa phương là động lực để Trang vượt qua gian khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mảnh đất Sìn Hồ giống như là quê hương thứ hai của Trang, vì thế, sau khi lập gia đình, con còn nhỏ nhưng đầu năm 2020 Trang vẫn tình nguyện ở địa bàn huyện Sìn Hồ với mong muốn có những bài báo phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với các cấp, các ngành.
Bên cạnh đó, Quỳnh Trang là đoàn viên năng động, giàu lòng nhân ái, chia sẻ với nhiều mảnh đời, hoàn cảnh éo le. Từ những chuyến đi cơ sở, được tận mắt chứng kiến khó khăn của học sinh ở các điểm trường vùng cao, những cụ già neo đơn không nơi nương tựa… qua mạng zalo, facebook, Trang kết nối với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp chung tay ủng hộ tiền, quà, gửi tới những địa chỉ cần giúp đỡ. Những món quà nhỏ nhưng chứa đầy tình cảm và người nhận cảm thấy ấm lòng.
Câu chuyện về cô nhà báo trẻ 9X năng động Vương Quỳnh Trang như tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ đam mê nghề báo, nhất là làm báo ở các tỉnh miền núi. Bởi với Trang “Nghề báo giúp tôi rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ, khẳng định bản thân”.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...