Thứ bảy, 27/04/2024, 01:18 [GMT+7]

Người “thổi hồn” cho trà ô long cao cấp

Thứ hai, 13/09/2021 - 10:04'
Nhờ năng động, trách nhiệm, chị Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Công ty Cổ phần Trà Nam Dương (bản Hương Phong, xã Bản Bo, huyện Tam Đường) thành công với sản phẩm trà ô long cao cấp. Không chỉ phục vụ thị trường nội tiêu, chị còn đưa trà ô long ra các nước trên thế giới. Sự thành công của chị không chỉ đem lại lợi nhuận cho công ty mà công nhân, lao động và người dân trồng, chế biến chè cũng nhờ đó có cuộc sống mới.

Trẻ trung, nhanh nhẹn - đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Huyền. Sinh năm 1981 nhưng chị có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với việc trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè. Sinh ra và lớn lên ở xã Bình Lư, thuở nhỏ, chị chưa biết về trồng, chăm sóc cây chè. Năm 1998, chị xây dựng gia đình, về nhà chồng và “bén duyên” với cây chè từ ấy. Bấy giờ, gia đình chị ít chăm sóc, sản lượng chè búp thấp, thu nhập không đáng là bao. Gia đình chị nhiều lần muốn “quay lưng” với cây chè. Tuy nhiên, chị lại rất quyết tâm không bỏ cuộc. Chị chú trọng việc bón phân, phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật, thời vụ. Từ đó, chị dần khôi phục diện tích chè.

Chị Huyền cùng cán bộ xã Bản Bo kiểm tra chất lượng trà ô long.

Không dừng lại, năm 2014, chị chuyển đổi nương ngô kém hiệu quả sang trồng, chăm sóc 2ha chè kim tuyên chất lượng cao. Tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây chè. Từ đó có kiến thức để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng chè. Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng, đến nay, gia đình chị có 3ha chè kinh doanh; mỗi năm, thu hoạch từ 20 - 25 tấn chè búp tươi, thu trên 100 triệu đồng. Trước đây, gia đình chị ký kết bán toàn bộ sản phẩm chè búp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường, với giá ổn định từ 8 - 14 nghìn đồng/kg. Từ năm 2015 - 2018, chị còn thu mua chè búp của bà con trong xã cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường. Từ khi gắn bó với cây chè, chị cũng phải trải qua nhiều thăng trầm, thất thu do rớt giá và sâu bệnh gây hại. Cần cù, ham học hỏi, chị dần đúc kết kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến và kinh doanh chè.

Đúc kết kinh nghiệm từ trồng, thu hái, chế biến và kinh doanh chè, chị Huyền nhận thấy xã có vùng nguyên liệu chè búp chất lượng cao tập trung nên nảy sinh ý tưởng thành lập công ty chế biến sản phẩm trà ô long cao cấp. Nghĩ là làm, đầu năm 2019 vừa qua, chị mạnh dạn vay 2 tỷ đồng từ ngân hàng thành lập Công ty Cổ phần Trà Nam Dương. Từ đó, kêu gọi các cổ đông góp vốn đầu tư xây dựng kho, xưởng, dây chuyền sản xuất. Đến nay, công ty có tổng vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng. Công ty đang thu mua chè búp tươi của người dân trong xã với giá 8 nghìn đồng/kg. Để có sản phẩm chè búp chất lượng cao, ngay từ đầu năm, công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 100 hộ dân trong xã. Đồng thời, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn bà con kỹ thuật làm cỏ, vun xới và thu hái sản phẩn chè búp đạt tiêu chuẩn để chế biến thành sản phẩm trà ô long. Từ đầu năm đến nay, công ty đã sản xuất, bán ra thị trường Đài Loan trên 100 tấn trà ô long, trị giá 8 tỷ đồng.

Rót chén nước trà ô long nóng hổi mời chúng tôi, chị Huyền vui vẻ: “Đây là trà ô long cao cấp do công ty tôi sản xuất. 100% nguyên liệu sạch, được trồng, chăm sóc, thu hái theo quy trình, kỹ thuật an toàn. Công ty sản xuất, chế biến trà ô long trên dây chuyền công nghệ tiên tiến đạt chất lượng cao. Sản phẩm trà ô long của công ty được thị trường Đài Loan ưa chuộng”. Nhấp một ngụm trà ô long, chúng tôi cảm nhận được mùi hương thơm nhẹ pha lẫn vị chát, ngọt.

Nhắc đến chị Huyền, ông Đỗ Trọng Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Bo nhận xét: “Ngày đầu thành lập công ty chị Huyền gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Có thời điểm thiếu vốn, chị phải thế chấp sổ đỏ ngôi nhà của gia đình để vay vốn duy trì hoạt động công ty. Khó khăn là vậy nhưng chị luôn kiên trì nâng cao chất lượng sản phẩm, được thị trường Đài Loan ưa chuộng và tin dùng. Đến nay, chị tạo việc làm cho 50 công nhân, lao động với thu nhập ổn định từ 8 - 13 triệu đồng/người/tháng”.

Để có vùng nguyên liệu chè búp an toàn, bền vững, chị tranh thủ trưa, tối đến tận nhà khuyến cáo người dân không phun thuốc diệt cỏ. Người dân tuyệt đối tuân thủ theo quy trình kỹ thuật của chị hướng dẫn ở tất cả các khâu từ trồng, chăm sóc, bón phân đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, chị thu mua được sản phẩm chè búp sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nước ngoài. Hiện, công ty đã ký kết bán toàn bộ sản phẩm trà ô long cho thị trường Đài Loan. Vì vậy, công ty đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, tiên tiến của Đài Loan để cho ra đời sản phẩm trà ô long cao cấp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...