Thứ sáu, 29/03/2024, 20:01 [GMT+7]

Nghệ sỹ đa tài

Thứ ba, 22/09/2020 - 10:39'
(BLC) - Cách nói chuyện rất duyên, toát lên sự năng động, sáng tạo, đau đáu những nỗi niềm trăn trở trong từng tác phẩm... và liên tiếp giật giải thưởng ở đa dạng các lĩnh vực - Hà Minh Hưng, phóng viên, họa sỹ Tạp chí Văn nghệ Lai Châu, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh là nghệ sỹ đa tài, được nhiều người mến mộ.

Hữu duyên

Cái duyên với hội họa mộc mạc như chính con người Hà Minh Hưng. Thời học phổ thông, vốn có năng khiếu văn học với biệt danh “Hưng văn”, từng là thành viên trong cuộc thi tìm hiểu lịch sử “Đường lên đỉnh Nghĩa Lĩnh” của trường cấp III Hùng Vương (thị xã Phú Thọ), thành viên Câu lạc bộ thơ Hương Cọ của trường…, nhưng anh lại rất thích vẽ và luôn là cây cọ chủ chốt trang trí báo tường, các cuốn lưu bút học trò... Niềm đam mê của anh như được tiếp thêm lửa khi một lần cùng bố đi chợ Mè (Phú Thọ) gặp người bạn của bố hướng dẫn, dạy vẽ cho các anh chị chuẩn bị thi đại học. Chỉ bằng vài nét phác thảo, tô điểm tài hoa của họa sỹ, những bức tranh như chứa đựng hồn quê đầy sức hút và sống động, khiến Hưng mê đắm và xin bố được thi vào vào Khoa họa - Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ.

Phát huy tài năng thiên phú của mình, ngoài thời gian học, Hà Minh Hưng còn rèn giũa đôi tay và kiếm sống bằng nghề truyền thần chân dung bằng sơn mài, vẽ hoành phi, câu đối ở làng mình (xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Thủa đó, từ đôi tay vàng và khiếu thẩm mỹ, anh được dân làng trả công bằng rất nhiều thóc, gạo.

Năm 2004, Lai Châu chia tách, thành lập. Được gia đình động viên, anh mạnh dạn nộp hồ sơ lên tỉnh mới lập nghiệp và được phân công công tác tại Trường THCS Hồng Thu (huyện Sìn Hồ) tháng 9/2005. Đây là địa phương chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống, Trường cũng mới được thành lập nên rất nhiều giáo viên trẻ ở các tỉnh lên công tác. Hè năm học đầu tiên, anh quyết định ở lại, không về quê. Do thiếu giáo viên, anh được Ban Giám hiệu giao tham gia dạy phổ cập giáo dục môn ngữ văn và lịch sử. Đêm ở vùng cao như đến sớm hơn, trong bóng đêm giữa làn sương mỏng anh thấy loang loáng ánh đèn pin, những bước chân hối hả của học sinh từ các bản xa cứ tối tối về trường học chữ. Cuối tuần, anh lại về bản chơi, tìm hiểu phong tục tập quán, cùng trưởng bản đến từng nhà vận động học sinh đi học... Những tưởng chỉ công tác xa quê đôi ba năm rồi về, nhưng đồng cảm với những gian khó của bà con vùng cao và tình yêu với cô giáo đồng hương như sợi dây vô hình gắn kết, níu kéo anh ở lại, gắn bó với Lai Châu.

Vốn sẵn năng khiếu viết văn, rảnh rỗi anh lại viết lách. Anh tâm sự: “Mình thấy làm báo có rất nhiều cái hay nên cũng tập tành viết. Năm 2008, hưởng ứng Cuộc thi viết về những điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ chất liệu thực tế cuộc sống trong một lần đến xã Phìn Hồ chơi và được nghe kể, chứng kiến những hành động ý nghĩa dù còn nghèo khó của dân bản, anh đã viết bài “Ông Vàng hiến đất xây trường”. Niềm vui vỡ òa khi tác phẩm vinh dự đoạt giải nhì cấp tỉnh.

Năm 2013, một vị khách đặc biệt đến bản Seo Lèng (xã Phìn Hồ) và ghé thăm nhà anh, đó là nhà văn Đỗ Thị Tấc - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh. Cuộc gặp này như cơ duyên, tạo bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Hà Minh Hưng. Thấy trong nhà anh treo nhiều tranh, bà Tấc hỏi han, trò chuyện về nghệ thuật và bộc bạch trăn trở, Lai Châu (thời điểm đó) vẫn chưa thành lập được Chi hội Mỹ thuật do không có họa sỹ tham gia triển lãm hàng năm. Được bà khích lệ vẽ tranh, anh đã tập hợp, động viên giáo viên hội họa ở các trường cùng cháy lên ngọn lửa đam mê, tham gia sáng tạo tác phẩm. Và, năm 2014, lần đầu tiên tỉnh Lai Châu có tác phẩm mỹ thuật tham dự Triển lãm khu vực với gần chục họa sỹ. Tại Triển lãm khu vực Việt Bắc - Tây Bắc, tác phẩm “Đa làng” của Hà Minh Hưng vinh dự được Hội đồng nghệ thuật chọn tham dự giải thưởng Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam.

Năm 2015, anh được nhà báo, nhà thơ Đỗ Thị Tấc đề xuất về công tác tại Hội VHNT tỉnh. Ngoài công việc phóng viên - biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Lai Châu, thời gian gần đây Hà Minh Hưng còn vẽ tranh tường, vẽ trang trí deco, vẽ lên các vật dụng theo yêu cầu của khách đặt... Tại Triển lãm tranh nghệ thuật “Đất và người Lai Châu” nhân kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh, tác phẩm khắc gỗ độc bản “Chợ bản” của anh tinh tế đến từng đường nét khiến nhiều người ngắm không muốn rời đi. Được biết, để thai nghén, cho ra đời những tác phẩm thế này đòi hỏi người họa sỹ phải đầu tư thời gian, tìm tòi đề tài, nội dung, tạo hình cực cao, giữ được cảm xúc khi đục khắc trên từng thớ gỗ, cảm nhận độ nông sâu, độ vỉa, gò, đường khối...

Từ giáo viên công tác ở trường xã, sống ở bản, chuyện Hà Minh Hưng lên tỉnh công tác thật bất ngờ và tình cờ. Song trải qua ngần ấy thời gian cũng đủ chứng minh nhận xét của nhà báo, nhà thơ Đỗ Thị Tấc: “Hà Minh Hưng như một thứ rượu chưa được chưng cất, có thời gian ủ, sẽ ngon thôi...”.

Liên tiếp giật nhiều giải thưởng

Được chứng kiến anh say sưa sáng tạo các bức họa, chúng tôi ấn tượng cách mà anh dốc hết gan ruột với đứa con tinh thần của mình. Cũng bởi dồn hết tâm trí vào từng nét vẽ, từng câu, từng chữ, Hà Minh Hưng đã thực sự thăng hoa và giành được nhiều giải thưởng từ báo chí đến VHNT do các cấp trao tặng.

Nghệ sỹ Hà Minh Hưng nhận giải thưởng trong cuộc thi thơ và truyện ngắn “Những làn gió Tây Bắc” được tổ chức tại tỉnh Hòa Bình vào tháng 9/2019.

Nghệ sỹ Hà Minh Hưng nhận giải thưởng trong cuộc thi thơ và truyện ngắn “Những làn gió Tây Bắc” được tổ chức tại tỉnh Hòa Bình (tháng 9/2019).

Chỉ sau khi được kết nạp là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam một năm, năm 2017 anh đã giành Huy chương Đồng tại Liên hoan Triển lãm ảnh khu vực phía Bắc tại Bắc Giang với tác phẩm “Thoát” về tục cấp sắc của người Dao (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường). Không dừng lại ở đó, tác phẩm này còn được lọt vào Liên hoan Triển lãm ảnh quốc tế Việt Nam 2017. Cũng trong năm đó, một lần nữa tác phẩm “Đa làng” mang về cho anh giải B - Giải thưởng VHNT Lai Châu lần thứ II năm 2017.

Năm 2018, tác phẩm bút ký “Cột mốc sống giữa biên cương” của Hà Minh Hưng đăng trên Báo Người Lao động lọt vào chung khảo Cuộc thi viết về tấm gương Dân vận khéo giai đoạn 2017 - 2020. Năm 2019, anh lại có truyện ngắn “Tam giác mạch” đạt giải thưởng Truyện ngắn ấn tượng trong Cuộc thi “Những làn gió Tây Bắc” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Báo Văn nghệ Hòa Bình tổ chức.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn và nhiều người hâm mộ Hà Minh Hưng, tựu chung lại kể cả văn học hay nghệ thuật, các tác phẩm của anh đều lột tả cặn kẽ tâm hồn, khát vọng với những những độc đáo trong văn hóa của người vùng cao. Trong quá trình trải nghiệm và sáng tác, anh có nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi niềm trăn trở. Bởi bức tranh cuộc sống vẫn có những mảng màu xám và để lại nhiều tiếc nuối. Anh trầm ngâm: “Có những vùng quê đẹp mình từng đặt chân đến chiêm ngưỡng và sáng tạo qua tranh, thế nhưng có dịp quay lại, thật hụt hẫng khi bản sắc không còn giữ được nhiều. Làm sao để giữ gìn, níu kéo lại vẻ đẹp riêng có ấy là câu hỏi thật khó tìm câu trả lời”.

Có những câu chuyện đời của chính anh đã làm chất liệu, tạo cảm hứng cho Hà Minh Hưng sáng tác tác phẩm, tiêu biểu như “Tam giác mạch”. Đây là câu chuyện xoay quanh cái duyên của anh khi gặp một cô bé yêu hội họa. Anh vẽ tặng cô bé bức tranh và hứa mang tặng cho cô nhưng cuộc sống xô bồ cứ cuốn anh đi, đến khi anh chợt nhớ thì cô bé đã ra đi mãi vì căn bệnh ung thư quái ác...

Trò chuyện cùng anh chưa khi nào hết thú vị và dường như không có hồi kết. Do lịch của anh dày đặc nên chúng tôi đành tạm chia tay. Nung nấu dự định hoàn thành bộ sưu tập về cuộc sống vùng cao qua những bức tranh và tổ chức một triển lãm cá nhân trong thời gian tới đó là ao ước của Hà Minh Hưng. Chúng tôi tin, những dự định của anh sẽ sớm thành công bởi nguồn suối sáng tạo trong tâm hồn người nghệ sỹ như anh không bao giờ ngừng chảy.

Thu Trang - Hồng Thủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...