

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã chúng tôi tới thăm gia đình chị Viện. Chị Viện chia sẻ: “Kinh tế gia đình khó khăn, nguyên nhân dẫn đến việc đói nghèo đeo bám đó là do không có vốn đầu tư làm ăn, tập quán canh tác còn lạc hậu, mang tính tự cung, tự cấp và chưa tìm được hướng phát triển kinh tế. Điều đó khiến tôi trăn trở làm sao cho gia đình mình thoát khỏi cái nghèo, được ấm no, hạnh phúc. Những suy nghĩ đó đã thôi thúc bản thân tôi phải suy nghĩ tìm tòi, học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm qua sách báo và trực tiếp đi thăm, tìm hiểu các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả ở bản An Tần để áp dụng vào phát triển kinh tế. Cùng với thuận lợi có đất đai rộng, tôi mạnh dạn tìm cách chuyển hướng sản xuất và chăn nuôi bỏ tập quán canh tác cũ, động viên các thành viên trong gia đình cố gắng lao động, không ngại khó khăn vất vả thì mới thoát nghèo được”.
Chị Điêu Thị Viện chăm sóc đàn lợn.
Với nghị lực của bản thân và sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức hội như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân xã về kỹ thuật, định hướng và sự giúp đỡ của anh em họ hàng về vốn, năm 2012 gia đình chị Viện đã mua 7 con lợn; 40-50 con gà, vịt và 10 đôi chim bồ câu về nuôi. Chủ động phòng dịch bệnh cho gia cầm; giữ chuồng trại luôn thông thoáng. Năm 2016 thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã chị Viện được vay 12 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách và Xã hội huyện Sìn Hồ để xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh mới, bể chứa nước phục vụ nhu cầu sử dụng và vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Năm 2017, từ chương trình hỗ trợ hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, chị Viện được vay 50 triệu đồng để xây dựng lại, mở rộng chuồng trang trại, đầu tư mua thêm con giống. Chị Viện tích cực trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các hộ gia đình khác; đăng ký tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do xã, huyện tổ chức và nghiên cứu, học hỏi từ cán bộ khuyến nông xã. Thông qua đó, chị Viện đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt; lựa chọn hình thức nuôi nhốt; chủ động phòng chống dịch bệnh. “Tôi còn nấu rượu bán, bã rượu làm thức ăn cho gia cầm; hơn 3.000m2 đất trồng lúa và ngô đảm bảo lương thực cho gia đình cũng như thức ăn cho gia cầm mà không phải mất nhiều tiền mua. Thời điểm đó, trung bình mỗi năm từ mô hình kinh tế tổng hợp trừ chi phí tôi thu về khoảng 100 triệu đồng/năm. đến năm 2018 khi nhận thấy nhu cầu thuê bàn ghế phục vụ hiếu, hỷ trên địa bàn ngày càng cao, trong khi trên địa bàn ít người phát triển dịch vụ này. Vì vậy, tôi đã dùng số tiền có được từ việc chăn nuôi trước đó mà chưa đến hạn phải trả tiền vay Ngân hàng đầu tư mua bàn ghế làm dịch vụ cho thuê; mua máy xay xát phục vụ bà con trong bản” - chị Viện chia sẻ thêm.
Qua nhiều năm nỗ lực tăng gia sản xuất phát triển kinh tế, hiện đàn lợn của gia đình chị Viện duy trì từ 10-15 con; khoảng hơn 100 con gà, vịt, ngan và chim bồ câu; 100 bộ bàn ghế; 2 máy xay xát và trung bình bán khoảng 200 lít rượu/tháng. Các sản phẩm chăn nuôi và rượu của gia đình chị Viện thường được các thương lái đến thu mua. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, trung bình tổng thu nhập từ 130 - 150 triệu đồng/năm (trừ chi phí), gia đình chị trở thành hộ khá trong xã, bản; 3 năm liền chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân xã công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi.









