Thứ tư, 17/04/2024, 06:04 [GMT+7]

Tận tâm với sự nghiệp "trồng người" nơi đất khó

Thứ năm, 28/01/2021 - 14:59'
(BLC) - Nhắc đến thầy giáo Bùi Duy Nam – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS xã Tà Mung (huyện Than Uyên), nhiều người dân, học sinh và lãnh đạo xã đều cảm phục tấm lòng tận tụy, trách nhiệm với sự nghiệp "trồng người" nơi đất khó. Bên cạnh đó, thầy còn là tấm gương sáng về học tập và làm theo Bác.

Qua sự giới thiệu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Than Uyên, chúng tôi đến Trường PTDTBT THCS xã Tà Mung - nơi thầy Nam đang công tác. Giữa thời tiết lạnh, màn sương giăng kín lối, chúng tôi thấy bóng dáng người đàn ông đang căm cụi trong vườn rau ngay cổng vào. Biết chúng tôi muốn tìm gặp thầy hiệu trưởng của trường thì cười, trả lời “Chính tôi đây”. 

Thầy Nam chỉ tay về phía vườn rau, khoe: Đây là vườn rau do học sinh trong trường tự trồng đấy. Rau xanh tốt và ngon lắm. Vườn rau này chỉ là một góc trong mô hình "Nông trại trường học" mà nhà trường được Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện chọn làm điểm xây dựng. Ngoài ra còn có khu vực chăn nuôi lợn, gà, vịt, ao cá thêm thực phẩm cho học sinh bán trú. Đồng thời, rèn kỹ năng sống cho các em thông qua việc cùng thầy, cô tham gia các hoạt động trồng, chăm sóc rau, cho lợn, gà ăn.

Mỗi buổi chiều tan học, thầy Nam cùng học sinh chăm sóc vườn rau.

Mỗi buổi chiều tan học, thầy Nam cùng học sinh chăm sóc vườn rau.

Nói xong, thầy Nam mời chúng tôi về phòng làm việc. Nhâm nhi chén nước chè ấm, thầy tâm sự nhiều về cuộc đời, cái duyên với nghề giáo.

Thầy Nam (42 tuổi) sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông ở thị trấn Than Uyên, quê gốc của bố mẹ ở Thái Bình. Từ nhỏ, anh rất thích thể dục thể thao, muốn theo nghề của bố, trở thành vận động viên bóng đá. Thế nhưng, mẹ lại muốn anh trở thành thầy giáo. Chiều ý, sau khi tốt nghiệp THPT, anh thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai (hồ sơ do mẹ làm).

Mặc dù rất thích học tự nhiên nhưng vào trường mới biết là mẹ chọn đăng ký khối xã hội – nhân văn, dù không như ý muốn nhưng anh Nam vẫn cố gắng học thật tốt. Tốt nghiệp, anh về nhận  công tác tại Trường THCS xã Hố Mít (huyện Than Uyên lúc bấy giờ, nay là huyện Tân Uyên) dạy môn văn – sử. Vừa dạy, anh vừa nghiên cứu thêm các tài liệu, đổi mới phương pháp, sáng tạo trong truyền tải nội dung để thu hút học sinh trong mỗi bài giảng. Thời gian đầu, giao thông khó khăn, phải đi bộ mất vài ngày đường mới tới nơi, nhưng với quan điểm “đã lựa chọn nghề gì sẽ theo tới cùng”, anh khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ. Sau 4 năm gắn bó với Hố Mít, thầy Nam được điều chuyển về Trường THCS xã Mường Than công tác. 6 năm sau (năm 2012) tiếp tục được điều động, bổ nhiệm làm Hiệu phó phụ trách Trường PTDTBT THCS xã Tà Mung.

Theo chia sẻ của anh Nam, mỗi nghề có một cái hay, cái khó riêng. Từ nghề giáo, anh trưởng thành rất nhiều. Từ hiểu được cuộc sống khó khăn của học sinh, các bậc phụ huynh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa giúp anh đồng cảm, chia sẻ và trân trọng giá trị cuộc sống; yêu con người, quý trọng những điều tốt đẹp mà gia đình đã dành cho mình. Bên cạnh đó, anh học hỏi được ở đồng nghiệp nhiều vốn quý sống; bài học, phương pháp giáo dục hay để áp dụng trong công việc.

Thầy Nam tâm sự: Lúc đầu mới nhận nhiệm vụ lên Tà Mung, người thân không muốn vì sợ vất vả. Thế nhưng mình vẫn quyết tâm. Tới trường, cảnh vật hoang sơ, lớp học là những phòng tạm, vách nứa, vách gỗ, mái pờrôximăng có nhiều chỗ thủng. Tôi rất thương học sinh, thương thầy cô, luôn trăn trở làm sao để giáo dục nơi đây khởi sắc, các em được ăn no, mặc ấm. Đặc biệt, lúc ấy trường chia thành 2 điểm, 1 điểm ở trung tâm xã, 1 điểm dưới bản Lun mà điểm nào cũng khó khăn. Muốn chất lượng giáo dục tăng cao, thầy cô phải đồng lòng, học sinh được quan tâm đồng bộ. Tôi cùng Ban Giám hiệu nhà trường lên kế hoạch tham mưu với UBND xã, cùng lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể xuống các bản, vận động các hộ cho học sinh lên điểm trường trung tâm học. Lúc đầu, phụ huynh không nghe vì trường chật chội, không đủ chỗ ăn, chỗ ở.

Nói đến đây, thầy ngậm ngùi xúc động. Thầy Nam bảo rằng, lúc ấy cảm thấy bế tắc và nhiều lúc muốn từ bỏ. Nghĩ thương các em, mong muốn thế hệ trẻ trở thành công dân có ích cho xã hội, cống hiến cho quê hương Tà Mung đổi mới, thầy Nam lại thêm quyết tâm, động lực. Từ các mối quan hệ bạn bè, thầy kêu gọi các tấm lòng hảo tâm, doanh nghiệp giúp đỡ, ủng hộ nguyên vật liệu xây lớp học, đồ dùng học tập cho học sinh.

Năm 2015, sau bao nỗ lực của thầy cô, chính quyền, đoàn thể xã và sự ủng hộ nhiệt tình của các tấm lòng hảo tâm, 150 học sinh ở các bản Lun 1, 2, Khá, Xoong được lên điểm trường trung tâm học. Đảm bảo nguồn thực phẩm phục vụ học sinh bán trú lâu dài, trong khi sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ đáp ứng một phần so với nhu cầu, thầy Nam lên ý tưởng, bàn bạc với Ban Giám hiệu nhà trường triển khai Mô hình “nuôi bán trú” (nay gọi là "Nông trại trường học"). Thầy vận động thầy, cô trong trường cùng khắc phục khó khăn; huy động lực lượng đoàn viên, hội viên, phụ huynh chung sức san gạt đất trồng rau, nuôi gà, lợn bổ sung vào khẩu phần ăn bán trú của học sinh. Thầy Nam chia sẻ: Học sinh cần được đảm bảo dinh dưỡng, ăn no, mặc ấm, đủ sức khỏe mới có thể học tập tốt được.

Dẫn chúng tôi dạo quanh trường, xem các mô hình “Nông trại trường học”, thầy Nam phấn khởi: Từ những vực sâu, đồi cao, sau bao cố gắng của thầy cô, học sinh và phụ huynh là thành quả rất đỗi tự hào. Đó là ngôi trường khang trang sạch đẹp, khu bán trú đầy đủ tiện nghi, những vườn rau xanh tốt như kia. Nhờ đó, chất lượng giáo dục từng bước nâng lên rõ rệt, trường có 378 học sinh, trong đó 267 học sinh bán trú; tỷ lệ chuyên cần đạt trên 93%, hàng năm 100% học sinh tốt nghiệp THCS; tỷ lệ học sinh khá giỏi trên 35%, có học sinh giỏi đoạt giải cấp huyện.

Với những đóng góp của thầy Nam, Trường PTDTBT THCS xã Tà Mung được nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND tỉnh năm học 2015-2016. Bản thân Thầy Nam cũng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện, danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" cấp tỉnh; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Đặc biệt, sự trân trọng của lãnh đạo xã Tà Mung, đồng nghiệp và sự yêu mến, kính trọng của học sinh là thành quả xứng đáng nhất dành cho tấm lòng của thầy.

Đồng chí Hoàng Văn Thiết – Phó Bí thư Đảng ủy xã Tà Mung chia sẻ: Thầy Nam có tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Cũng nhờ công lao của thầy mà giáo dục của Tà Mung có nhiều khởi sắc hơn. Nhân dân rất vui mừng, phấn khởi, yên tâm khi con em đến trường được học tập, vui chơi và đảm bảo về sức khỏe.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...