Thứ bảy, 20/04/2024, 22:45 [GMT+7]

Thành công bước đầu từ trồng măng tây

Thứ ba, 16/06/2020 - 17:24'
(BLC) - Về bản San Thàng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu hỏi thăm mô hình trồng măng tây của anh Nguyễn Văn Hội ai cũng biết, bởi mô hình măng tây của anh Hội không chỉ phù hợp với đồng đất San Thàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người nông dân nơi đây.

Với niềm đam mê nông nghiệp của anh Hội, mô hình cây măng tây được anh thực hiện trồng thí điểm từ năm 1997 tại Hà Nội. Tuy nhiên do khí hậu không phù hợp, cũng như thiếu kinh nghiệm vì thế mô hình măng tây của anh đã thất bại. “Cơ duyên với cây măng tây là khi tôi gặp một bác nông dân tại phường Đông Phong, bác trồng mấy trăm cây măng tây và đã thu hoạch được 3 - 4 năm nay. Điều đặc biệt là bác ấy chưa có nhiều kinh nghiệm trồng mà cây vẫn sống khỏe, chứng tỏ cây măng tây rất phù hợp với đồng đất cũng như khí hậu của địa phương” - anh Hội bộc bạch.

măng

Anh Hội chăm sóc măng tây.

Không dừng lại ở việc nhìn nhận được sự phù hợp của loại cây trồng này, anh Hội quyết định bắt tay vào trồng thí điểm. Chia sẻ với phóng viên, anh Hội nhớ lại: “Khi tôi quyết định thực hiện mô hình măng tây, bên cung cấp giống là Công ty Toàn cầu (Hà Nội) có chút e ngại, vì vốn đầu tư và diện tích trồng quá lớn. Tuy nhiên, tôi vẫn cam kết thực hiện vì nhận thấy khí hậu phù hợp, bản thân cũng đã rút ra nhiều bài học sau lần thất bại trước và học hỏi thêm”. Ba loại măng tây được anh Hội lựa chọn gồm: UC157, Atlas và Apolo. Được biết, ba loại giống này thích hợp trồng với khí hậu tại Việt Nam và đem lại năng suất cao.

Vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm và học hỏi thêm, đến nay, mô hình thí điểm trồng măng tây của anh Hội đã thành công hơn mong đợi. Mỗi ngày cung cấp ra thị trường 70kg măng tây, với sự phát triển đều và hiệu quả như hiện nay, anh Hội nhận định bước sang năm tiếp theo sẽ đạt trên 1 tạ măng tây/ngày. Với giá bán hiện nay là 70.000 - 75.000 đồng/kg, măng tây đã đem lại nguồn thu nhập cho gia đình anh 180 triệu đồng/tháng (sau khi đã trừ chi phí). Từ mô hình thí điểm trồng măng tây, anh Hội còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động là người địa phương thực hiện những công việc thủ công như: thu hoạch, xử lý sản phẩm và làm cỏ.

Tuy nhiên, để triển khai mô hình, anh Hội cũng gặp một số khó khăn như: vốn  đầu tư ban đầu khá nhiều. Với 1ha măng tây, đến khi thu hoạch mất khoảng 500-600 triệu đồng, bao gồm bể xây, dàn tưới nước tự động. Tuy vậy, giống cây lại có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch diễn ra liên tục, khoảng 9 tháng/năm, tuổi thọ của cây đạt từ 8-10 năm. Đặc biệt, loại giống này phù hợp với môi trường sạch, không có hóa chất, hàm lượng dinh dưỡng cao. Vì thế, cây măng tây không chỉ được người tiêu dùng ưa chuộng mà còn bảo đảm định hướng phát triển nông sản sạch của thành phố Lai Châu.

Sau 1 năm trồng thí điểm mô hình măng tây, từ 1ha anh Hội dự tính mở rộng mô hình lên 40 - 50ha, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Trong thời gian sắp tới, anh Hội sẽ ký hợp đồng với Công ty Việt - Nhật (Hà Nội) trong việc tiêu thụ sản phẩm măng tây. Anh Hội cũng bày tỏ mong muốn, vốn đầu tư cho việc nhân rộng mô hình là rất lớn nên chính quyền địa phương, cùng các ban, ngành liên quan có những chính sách để hỗ trợ một phần nào đó cho bà con, giúp người dân có thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tạo bức tranh đa sắc màu cho nền nông nghiệp tỉnh.

Mô hình trồng thí điểm măng tây của anh Hội bước đầu khẳng định được hiệu quả kinh tế cũng như sự phù hợp với đồng đất Lai Châu. Điều này giúp anh có thêm nhiều cơ hội mở rộng diện tích trồng măng tây.

Măng tây là một loại thực phẩm quý, chứa nhiều chất dinh dưỡng như: vitamin A, B6, C, E, K, protein, sắt, kẽm... cùng nhiều khoáng chất tốt cho tiêu hóa. Gốc của măng tây còn dùng để làm trà uống, trà măng tây giúp hạn chế bệnh như: tiểu đường, cao huyết áp, điều hòa đường huyết, đặc biệt với những người bị ung thư sau khi trị hóa. Rễ của măng tây cũng được sử dụng làm dược liệu trong y học cổ truyền nhờ có tác dụng nhuận phế, chỉ khái, tiêu đàm, sát trùng.

Phương Nga

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...