Thứ sáu, 19/04/2024, 03:56 [GMT+7]

Thành công mô hình đông trùng hạ thảo

Thứ hai, 30/08/2021 - 10:32'
Với niềm đam mê tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế đã giúp chị Phạm Thị Thư (Tổ dân phố số 5, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) thành công mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Trò chuyện với chị Thư, chúng tôi được biết, năm 2016, chứng kiến người thân bị bệnh tuyến giáp, suy nhược cơ thể, giảm sức đề kháng đã dùng đông trùng hạ thảo và thấy sức khỏe ngày càng tốt hơn. Từ đó, chị đã nghĩ đến việc nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo với mục đích chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng và mở hướng phát triển kinh tế gia đình. Chị Thư bắt đầu tìm hiểu các tài liệu, học hỏi cách nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tham khảo kiến thức của bạn bè trong nước và chuyên gia người Nhật, cũng như đi tìm hiểu thực tế tại nhiều cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo trong cả nước. Đầu năm 2018, chị Thư quyết định nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo tại quê nhà tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm gặp không ít khó khăn do thời tiết nóng, hiệu quả sản xuất thấp và chi phí đầu tư cao. Sau khi tìm hiểu điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, đầu năm 2020 chị Thư bàn với chồng nuôi thử nghiệm nấm đông trùng hạ thảo ở thành phố Lai Châu và đã thành công.

Chị Thư kiểm tra quá trình phát triển của nấm đông trùng hạ thảo.

Để nấm đông trùng hạ thảo đạt chất lượng và có nguồn nhân giống tốt chị đã mua giống ở Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam. Chị Thư nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo theo quy trình khép kín, từ sơ chế nguyên liệu để nuôi nấm từ gạo, nhộng tằm, khoai tây nghiền nát, sau đó mang hấp tiệt trùng và chuyển sang phòng lạnh cho nguội để bắt đầu cấy giống, ủ tối từ 7 - 10 ngày để nuôi sợi, sau đó mới đến giai đoạn tạo giá thể, nuôi giá thể và thu hoạch. Để đảm bảo nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo thành công, phòng nuôi cũng phải đảm bảo các điều kiện về tiệt trùng, hệ thống chiếu sáng, hệ thống máy lạnh và giàn giá để đặt bình nuôi. Trong quá trình nuôi nhiệt độ phải đảm bảo từ 18 - 20 độ C, độ ẩm dao động từ 78 - 90%. Chị Thư chia sẻ: “Mỗi lứa nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo chỉ từ 60 - 90 ngày có thể thu hoạch. Chi phí đầu tư cho công nghệ không lớn, song để có được sản phẩm chất lượng và hàm lượng cordycepin, adenosine cao đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng thì khâu quan trọng nhất vẫn là nhân giống ở giai đoạn bánh tẻ, bảo quản được giống và nuôi giống để không bị thoái hóa”. Nhờ sự cần cù, tỷ mỉ và chịu khó học hỏi, mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo của chị Thư thành công và được khách hàng ưa chuộng không chỉ chất lượng sản phẩm mà giá thành cũng phải chăng.

Cùng với đó, chị Thư xây dựng thương hiệu cho đông trùng hạ thảo và lấy tên nhãn hiệu sản phẩm với tên gọi SUKOVA - có nghĩa là sức khỏe vàng. Tiến hành đăng ký mẫu mã chất lượng sản phẩm với cơ quan chức năng. Đầu năm 2021, gia đình chị Thư vay vốn thêm của anh em, họ hàng và cùng với số tiền tích cóp đầu tư 3 tỷ đồng mở rộng quy mô sản xuất nấm đông trùng hạ thảo lên gần 500m2 với 3 cơ sở tại các phường: Đoàn Kết, Quyết Tiến và Tân Phong. Tiêu chí của đông trùng hạ thảo SUKOVA là lấy chất lượng để phục vụ thị trường, chính vì thế sản phẩm đông trùng hạ thảo của gia đình chị luôn có hàm lượng dinh dưỡng cao. Sản phẩm làm ra tiêu thụ tốt giúp cho gia đình chị thu nhập ổn định và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6-8 lao động địa phương, mức lương từ 4-8 triệu đồng/người/tháng.

Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, chặt chẽ và chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, cuối năm 2020, đông trùng hạ thảo SUKOVA của gia đình chị Thư là một trong 2 sản phẩm OCOP của phường Đoàn Kết được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao ở 2 dạng đông trùng hạ thảo sấy khô nguyên sợi và nhộng đông trùng hạ thảo khô. Hiện, sản phẩm của gia đình chị có mặt tại một số triển lãm, hội chợ và có độ phủ sóng thị trường khá rộng trong cả nước. Qua đó, góp phần cho thành công của đề án sản phẩm OCOP phường Đoàn Kết và thành phố Lai Châu.

Đánh giá về mô hình đông trùng hạ thảo của gia đình chị Thư, đồng chí Phạm Tiến Dũng - Phó Chủ tịch phường Đoàn Kết khẳng định: “Mô hình đông trùng hạ thảo SUKOVA đang là hướng đi đúng trong giai đoạn hiện nay, khi gia đình chị Phạm Thị Thư biết ứng dụng công nghệ vào sản xuất và mang lại hiệu quả tốt, đủ sức cạnh tranh với thị trường. Thành công của mô hình còn truyền cảm hứng khởi nghiệp, lập nghiệp cho nhiều hộ nông dân khác. Đồng thời, còn giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương”.

Thời gian tới, chị Phạm Thị Thư tiếp tục mở rộng thị trường, quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm đông trùng hạ thảo có tính chất chuyên biệt cho đối tượng sử dụng như: người ăn kiêng, người bị bệnh tiểu đường… Bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm làm giàu đã giúp chị Thư nghiên cứu sản xuất nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo thành công, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...