Thành công từ niềm đam mê
Kết thúc lượt thi đấu của mình, dù ngồi nghỉ ngơi nhưng ông Quang không dời tay cây nỏ của mình. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông cho biết: Từ nhỏ tôi yêu thích môn bắn nỏ. Tôi đã tham gia rất nhiều hội thi, cuộc thi, bình quân 2 - 3 lần/năm ở cả trong và ngoài tỉnh và đều đạt giải nhất hoặc nhì.
Được biết, trước đây, lúc rảnh rỗi ông Quang thường lấy các thanh tre dẻo và dây chun tạo thành cung bắn. Nhờ năng khiếu sẵn có cùng kỹ thuật, ông có thể bắn trúng tất cả các con vật hay trái cây dại ở trên cao, cứ như vậy trở thành người săn bắn giỏi có tiếng trong bản.
Ông Quang chia sẻ thêm: Từ xa xưa, cây nỏ là công cụ được người Mông chế tạo làm vũ khí, công cụ săn bắn nên có vị trí quan trọng và gắn liền với các nghi lễ, hoạt động sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất của đồng bào. Ngày bé, tôi thường cùng bố lên rừng. Bố săn bắn giỏi, đã truyền lại cho tôi những kỹ năng quan trọng đảm bảo ngắm, bắn trúng đích. Lần đầu tiên được cán bộ xã vận động tham gia Hội thao thể dục thể thao ở huyện Tam Đường vào năm 1996, tôi đã đoạt giải nhất môn bắn nỏ tại hội thao. Đây là tiền đề để tôi tự tin đăng ký tham gia tất cả các sự kiện thể thao của xã, thành phố, tỉnh tổ chức.
Ông Quang chỉnh nỏ trước khi tham gia phần thi bắn nỏ.
Theo kinh nghiệm của ông Quang để bắn trúng mục tiêu, một trong những yếu tố quan trọng quyết định độ chính xác là chiếc nỏ và mũi tên. Đầu tiên, thân nỏ phải được làm bằng gỗ cứng như gỗ nghiến. Đây là loại cây mọc trên các ngọn núi cao. Sau khi lấy gỗ về để khô mới chế tạo, kích thước nỏ tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của mỗi người. Để làm cánh nỏ, ông thường dùng cây tre già, bởi có độ dẻo dai và cứng cáp, đàn hồi tốt. Dây cung bằng vỏ cây lanh. Mũi tên được làm từ nhiều loại tre khác nhau, độ dài bằng nửa thân cánh.
Ngoài sở trường bắn nỏ, ông Quang còn là một trong những nghệ nhân chế tác nỏ đẹp, chuẩn, có tiếng của xã Sùng Phài. Khi đến mua nỏ, khách hàng sẽ được ông hướng dẫn cách cầm và kỹ thuật bắn. Bình quân mỗi năm, ông bán khoảng 5 chiếc nỏ. Ông Quang chia sẻ: Trong nhà tôi lúc nào cũng có hơn chục chiếc nỏ các loại, chủ yếu để trưng bày. Nếu khách thích và có nhu cầu, tôi sẽ bán. Có thời gian rảnh rỗi, tôi hay ngồi vót mũi tên. Làm nỏ vì yêu thích nên tôi có thể ngồi làm cả ngày không biết mệt.
Khi nói về ông Chẻo Diếu Quang, bà Sùng Thị Dẻ - Chủ tịch UBND xã Sùng Phài cho hay: Ông Quang đã mang về nhiều thành tích nổi bật cho thể thao địa phương, nhất là môn bắn nỏ; đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ vận động viên tiềm năng cho xã. Đặc biệt, trong Tuần Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Lai Châu lần thứ I năm 2023, đoàn vận động viên xã Sùng Phài đoạt giải nhất toàn đoàn môn bắn nỏ. Mỗi khi thành phố, tỉnh hay tỉnh bạn tổ chức hội thi thể thao, xã đều cử ông Quang tham gia. Ngoài ra, ông còn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào của xã; có công rất lớn gìn giữ và phát huy môn bắn nỏ truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Dương - Thương
Bình luận