Thứ sáu, 29/03/2024, 12:19 [GMT+7]

Tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ sáu, 15/10/2021 - 14:35'
Cần cù, ham học hỏi, chị Lù Thị Hải Phương (SN 1975 ở bản Rừng Ổi Khèo Thầu, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, đem lại cuộc sống ấm no và gia đình chị được huyện, xã tặng giấy khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

Sinh ra trên quê hương Hồ Thầu, sau khi lập gia đình, vợ chồng chị Phương được bố mẹ chia cho 1,2ha ruộng 1 vụ lúa. Bấy giờ, gia đình chị quanh năm đói nghèo do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ, manh mún, không đủ bữa ăn hàng ngày. Không nản, từ năm 2014 đến nay, chị tích cực học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu giống lúa thuần chất lượng cao thay cho giống lúa địa phương, năng suất thấp. Ngay từ đầu vụ mùa, chị chủ động đăng ký mua giống lúa với cán bộ xã, bản. Chị đưa máy cày, bừa vào làm đất; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gieo cấy, làm cỏ, bón phân và thu hoạch lúa đúng lịch thời vụ. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình chị thu hoạch hơn 4 tấn thóc; trong đó, bán 3 tấn thóc séng cù chất lượng cao, thu trên 30 triệu đồng. Nhắc đến kinh nghiệm sản xuất lúa chất lượng cao, chị Phương tâm sự: “Để lúa phát triển tốt, tôi tận dụng nguồn phân chuồng ủ hoai bón lót ngay từ khi cày, bừa đất. Khi lúa bén rễ (sau khi cấy từ 7-10 ngày), tôi bón thúc đạm, lân cho lúa hồi xanh. Hàng ngày, tôi chú trọng thăm đồng, khơi mương dẫn nước tưới, tránh để lúa “khát”. Đồng thời, kiểm tra, phát hiện, phòng trừ sâu bệnh hại lúa hiệu quả”.

Chị Phương chăm sóc cây dong riềng.

Mặt khác, chị còn tăng 0,5ha ngô lai vụ đông xuân trên chân ruộng 1 vụ lúa. Thu hoạch lúa mùa đến đâu làm đất gieo trồng ngô đông xuân tới đó. Toàn bộ sản phẩm ngô hạt chị dùng để chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Chị nuôi hàng trăm con gà, 10 con lợn thịt/lứa và 3 con trâu sinh sản. Nhờ chủ động được thức ăn, con giống, mỗi năm thu lãi 60 triệu đồng tiền bán gia súc, gia cầm. Chị cũng tận dụng bờ ruộng, khe nương khai hoang, mở rộng thêm diện tích sản xuất lạc, đậu tương vừa để cải thiện bữa ăn vừa bán ra thị trường tăng thêm thu nhập.

Không dừng lại, năm 2020, chị là người đầu tiên của bản mạnh dạn đem giống dong riềng về trồng 3.000m2 trên đất ruộng 1 vụ lúa. Toàn bộ sản phẩm củ dong riềng xát lấy bột bán cho tư thương xã Bình Lư làm miến dong, thu lãi 40 triệu đồng. Nhận thấy việc trồng dong riềng cho thu nhập cao hơn so với gieo cấy 1 vụ lúa, năm nay, chị chuyển đổi 5.000m2 ruộng sang trồng dong riềng. Giờ đây, diện tích dong riềng xanh tốt, hứa hẹn một mùa bội thu. Mỗi năm, chị thu lãi trên 150 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt.

Từ đầu năm đến nay, chị tích cực hướng dẫn bà con trong bản chuyển đổi nương, ruộng kém hiệu quả sang trồng dong riềng. Chị cung cấp giống, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc dong riềng theo hướng hàng hóa. Đến nay, hàng chục người dân nghe và làm theo chị, thành công với chuyển đổi diện tích ngô, lúa sang trồng dong riềng. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia các hoạt động của bản, như: vệ sinh môi trường nông thôn, biểu diễn văn nghệ và giúp đỡ bà con lúc ốm đau, hoạn nạn. Hiện, chị đang giúp 2 hộ nghèo của bản kinh nghiệm gieo cấy lúa thuần chất lượng cao; hỗ trợ vốn, giống gia cầm khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Những năm qua, gia đình chị nhận được nhiều Giấy khen của huyện, xã Hồ Thầu biểu dương hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...