Thứ ba, 19/03/2024, 17:06 [GMT+7]

Vươn lên thoát nghèo

Thứ hai, 06/12/2021 - 15:43'
Từ một hộ nghèo hoàn cảnh kinh tế khó khăn, song bằng nghị lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo đã giúp gia đình ông Lò Văn Thượng, dân tộc Thái ở bản Nà Hoi (xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên) mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, gia đình ông trở thành điển hình phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi, trồng trọt và làm dịch vụ.

Qua lời giới thiệu của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Thân Thuộc - Lê Thanh Tuấn, chúng tôi tìm đến nhà ông Thượng. Thăm “cơ ngơi” của gia đình ông, không ai tin được dựng lên từ đôi tay của một nông dân từng thuộc diện hộ nghèo ở địa phương.

Vốn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thân Thuộc, từ nhỏ, ông phải chịu bao khổ cực vì cái đói, cái nghèo đeo bám. Nhiều lần ăn cơm độn sắn, độn khoai, thậm chí khi lấy vợ, rồi các con lần lượt ra đời thì cơm độn cũng không có để ăn. Từ gian khó đã nung nấu ý chí vươn lên thoát nghèo trong ông.

Vợ chồng ông Thượng dọn, rửa bể tắm nước khoáng nóng phục vụ khách.

Sẵn có ít chè bạc màu của bố mẹ để lại, ông Thượng cùng vợ khai hoang mở rộng thêm diện tích, cải tạo lại đất, chăm sóc đồi chè và trồng dặm những diện tích chè bị chết. Hồi ấy ngày nào bà con trong bản cũng thấy vợ chồng ông lên đồi chè lúc mặt trời còn chưa tỏ, trở về nhà khi cỏ cây đã ướt đẫm sương đêm. Nhiều người thấy vợ chồng ông vất vả còn khuyên không nên bỏ thời gian trồng chè, vì cây chè lúc đó giá trị kinh tế không cao. Song, bằng sự nhạy bén, cần cù chịu khó khi đồi chè nhà ông Thượng xanh mướt thì cũng là lúc cây chè “lên ngôi” bán được giá và đã giúp gia đình ông đổi đời.

Hiện nay, với 2ha chè shan tuyết cho thu hoạch rộ từ tháng 4 đến tháng 10, mỗi tháng gia đình ông hái tay 2 lứa, mỗi lứa từ 700kg đến gần 1 tấn chè tươi, giá bán trung bình 5 nghìn đồng/kg đã giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định hơn.

Ngoài trồng và chăm sóc chè, gia đình ông Thượng còn cấy 8.000m2 lúa nước vừa để phục vụ nhu cầu gia đình, vừa là nguồn thực phẩm để chăn nuôi vài trăm con gà, vịt và 5 con trâu sinh sản. Để đàn trâu sinh trưởng phát triển tốt, sớm sinh nghé con, ngoài khâu chọn giống, vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng vắc-xin theo pháp lệnh thú y, ông luôn chú trọng đến thức ăn cho trâu để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Thức ăn cho trâu ông Thượng thường chọn các loại cây cỏ xanh, rơm khô và phụ phẩm nông nghiệp như: cám gạo, cám ngô, bột cá. Hàng năm, đến mùa thu hoạch lúa, tích trữ rơm và phơi khô để dành cho trâu ăn. Vì vậy, so với các hộ trong vùng đàn trâu nhà ông Thượng sinh sản tốt hơn. Khi trâu cái hết tuổi sinh sản ông bán đi lấy tiền gây giống con khác. Hiện nay, mỗi nghé con từ 1 tuổi trở lên ông bán với giá 15-20 triệu đồng.

Không chỉ dừng lại ở chăn nuôi, trồng trọt, khu đất ông Thượng đang ở được thiên nhiên ưu đãi có nguồn nước nóng phong phú. Mới đầu ông chỉ xây dựng một bể tắm nhỏ phục vụ nhu cầu gia đình, họ hàng. Song với sự phát triển của xã hội, nhiều người biết đến lợi ích của việc ngâm, tắm nước khoáng nóng tốt cho sức khỏe nên tìm đến nhà ông Thượng. Thấy được nhu cầu của khách, năm 2018 ông đầu tư xây dựng 5 bể tắm để phục vụ khách với 2 mức giá, trẻ em 5 nghìn đồng/người/lần tắm, người lớn 10 nghìn đồng/người/lần tắm.

Là người thường xuyên đến tắm nước khoáng nóng nhà ông Thượng, anh Nguyễn Đức (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân huyện) chia sẻ: “Từ khi nhà ông Thượng mở dịch vụ cho ngâm, tắm nước khoáng nóng thì 1 tuần gia đình tôi đến 2-3 lần. Bởi ngâm, tắm khoáng nóng rất tốt cho sức khỏe, giúp thư giãn, giảm stress, lưu thông máu, tăng hô hấp. Đặc biệt là chữa các bệnh ngoài da. Mặc dù, trên địa bàn huyện Tân Uyên có một số điểm tắm nước khoáng nóng, nhưng gia đình tôi vẫn chọn đến nhà ông Thượng vì nước đã được kiểm định lượng lưu huỳnh thấp, khi ngâm - tắm không bị say và mệt mỏi”.

Hiện nay, ngoài phục vụ khách đến ngâm - tắm, gia đình ông Thượng còn làm thêm dịch vụ ăn uống nếu khách có nhu cầu, với giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/mâm cơm. Vì vậy, mỗi tháng gia đình ông Thượng tiếp đón khoảng 50 lượt khách đến tắm và sử dụng dịch vụ ăn uống tại chỗ. Vào thời gian cao điểm, nhiều khách đến tắm và ăn uống không có đủ chỗ ngồi để phục vụ. Do đó, gia đình ông đang hoàn thiện thêm ngôi nhà sàn trị giá gần 600 triệu đồng để phục vụ nhu cầu của khách. Được biết, từ chăn nuôi, trồng trọt, mở dịch vụ tắm nước khoáng nóng, trừ chi phí gia đình ông Thượng thu nhập 150 triệu đồng/năm trở lên.

Với sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm cùng với ý chí và nghị lực, ông Lò Văn Thượng đã đưa kinh tế gia đình phát triển. Ông đã trở thành tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...