Thứ sáu, 19/04/2024, 12:07 [GMT+7]

Vượt khó làm giàu

Thứ tư, 17/11/2021 - 14:05'
Cần cù, chịu khó, mạnh dạn đổi mới trong chăn nuôi, trồng trọt là bí quyết làm giàu của gia đình ông Nguyễn Văn Hợi (ở bản Tân Bắc, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên).

Chúng tôi đến thăm nhà ông Hợi khi ông đang tất bật chăm sóc đàn lợn, gà, ngan, rồi lại vội vàng bón phân, làm cỏ cho vườn cà chua, bí xanh. Khi công việc đã vãn, ông Hợi mới có thời gian trò chuyện với chúng tôi. Quệt những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên trán, ông Hợi cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, năm 1984 ông đưa vợ lên Lai Châu lập nghiệp. Song sống ở vùng đất mới, vợ chồng ông gặp muôn vàn khó khăn, dù làm đủ nghề kiếm sống nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, rồi khi 3 đứa con lần lượt ra đời cuộc sống lại càng vất vả hơn.

Nhưng với quyết tâm thoát nghèo, ông Hợi động viên vợ tích cực phát nương, khai hoang ruộng nước để cấy lúa, trồng ngô, nuôi thêm con gà, con lợn cải thiện cuộc sống. Sau đó, ông nhận thấy trồng rau mang lại thu nhập cao nên đã chuyển đổi gần 1ha lúa nước gần nhà và vườn tạp sang trồng các loại rau. Bước đầu bắt tay vào làm, ông tìm hiểu cách trồng, chăm sóc rau của các hộ dân trong vùng. Khi khảo sát nhu cầu thực tế, ông thấy mô hình trồng rau xanh mang lại hiệu quả kinh tế, vừa có rau xanh sạch ăn hàng ngày lại vừa cung cấp ra thị trường. Vì vậy, mùa nào trồng rau đấy nên trong vườn nhà ông lúc nào cũng có rau bán. Mùa hè thì trồng rau ngót, đay, mồng tơi, dền, dưa chuột; mùa đông trồng su hào, bắp cải, súp lơ, cải thảo, cà chua.

Ông Hợi chăm sóc vườn bí xanh.

Theo ông Hợi, trồng rau xanh không khó, song cũng dễ thất bại bởi khâu chăm sóc và bón phân nếu không chú trọng sẽ không đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Để duy trì và phát triển diện tích rau xanh của gia đình theo hướng sạch, ông luôn tuân thủ quy trình từ khâu làm đất, bón phân và hạn chế phân, thuốc trừ sâu hóa học, chủ yếu sử dụng phân sinh học, phân chuồng. Nhờ cần cù, chịu khó, vườn rau xanh của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, gia đình ông Hợi cấy thêm 5.000m2 lúa séng cù để phục vụ nhu cầu gia đình, vừa bán tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, ông còn nuôi gà, ngan, lợn sinh sản và lợn thương phẩm. Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm nên đàn vật nuôi của gia đình thường bị ốm rồi chết. Không nhụt chí, ông động viên gia đình tiếp tục mua vật nuôi về chăm sóc. Để đảm bảo kỹ thuật chăn nuôi, ngoài học hỏi kinh nghiệm của bà con trong vùng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông còn nhờ cán bộ thú y xã hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi.

Hiện, gia đình ông có 400 con gà, ngan; 8 con lợn nái, mỗi năm đẻ 2 lứa (từ 8-10 con/lứa) và 20 con lợn thương phẩm, trừ chi phí mỗi năm mang lại thu nhập 200 triệu đồng. Ông Hợi chia sẻ: “Chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng kỳ công, chú trọng tiêm vắc-xin phòng các loại bệnh kết hợp các biện pháp vệ sinh phòng bệnh khác như: tiêu độc môi trường, khử trùng chuồng trại chăn nuôi… để đàn vật nuôi khỏe mạnh và lớn nhanh”.

Năm 2019, UBND xã Pắc Ta có chủ trương vận động các hộ nông dân trên địa bàn thực hiện các mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng cà chua socola và bí xanh. Ông Hợi cũng tích cực tham gia và được xã đưa đi tham quan, học hỏi mô hình của các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La. Gia đình ông Hợi chuyển 2.000m2 đất trồng rau sang trồng bí xanh và xây dựng nhà màng trồng cà chua socola. Nhờ sự kiên trì, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, mô hình bí xanh và cà chua socola thành công ngoài mong đợi, bán được giá cao. Nhận thấy có thể mở hướng phát triển kinh tế mới, năm 2020 ông Hợi trồng 2.000m2 bí xanh, 500m2 cà chua socola theo hướng 1 năm 2 vụ. Đến nay, mỗi năm gia đình ông thu 13 tấn bí xanh, giá bán buôn trung bình là 6 nghìn đồng/kg, cà chua socola thu được 6 tạ, bán 40-50 nghìn đồng/kg. Thời gian tới, ông tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng rau còn lại sang trồng bí xanh và cà chua socola để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Được biết, hiện nay từ chăn nuôi và trồng trọt, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông Hợi thu lãi hơn 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Vào vụ thu hoạch bí, cà chua, rau các loại ông còn thuê 4-5 lao động với mức 180 nghìn đồng/người/tháng.

Anh Tòng Văn Quý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Pắc Ta cho biết: “Ông Hợi là hội viên gương mẫu, sống hòa nhã với bà con làng xóm, nhiệt tình với công tác hội và các phong trào do bản, xã phát động; sẵn sàng giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong phát triển kinh tế, ông dám nghĩ, dám làm, biết vươn lên làm giàu, xứng đáng là tấm gương sáng để các hộ nông dân khác học và làm theo. Vừa qua, ông còn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2021”.r

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...