Thứ năm, 02/05/2024, 07:31 [GMT+7]

Vượt khó làm giàu

Thứ năm, 14/09/2023 - 18:18'
Kiên trì, nỗ lực vượt khó là điều mà anh Lò Văn Hương ở bản Đán Đăm (xã Hua Nà, huyện Than Uyên) khẳng định khi chia sẻ với chúng tôi về hành trình vươn lên làm giàu của bản thân và gia đình.

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, học hết lớp 9, anh Hương xin nghỉ để phụ giúp bố mẹ làm nông và chăm sóc 3 em còn nhỏ. Lớn lên, lập gia đình, cuộc sống của anh cũng không khá hơn. Hai vợ chồng dù chăm chỉ nhưng vẫn khó khăn. Năm 2015, anh Hương được Hội Nông dân xã Hua Nà định hướng phát triển kinh tế; vận động vay vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện thông qua tín chấp với tổ chức hội. Từ số vốn vay 80 triệu đồng, anh bàn với vợ đầu tư máy xay xát, mua 4 con lợn nái, 100 con gà, ngan, vịt và đào 1.000m2 ao thả cá.
Tuy nhiên, sau một thời gian chăn nuôi, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, đàn lợn bị chết do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi; cá không phát triển. Với tâm niệm “ngã đâu, đứng dậy ở đấy”, vợ chồng anh Hương kiên nhẫn gây dựng lại đàn vật nuôi. Cùng với đó, tìm hiểu kinh nghiệm từ các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và tham gia lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn do các cơ quan chuyên môn tổ chức mở tại xã, bản rồi đúc rút, áp dụng vào thực tế. Kết quả, việc chăn nuôi của gia đình đã thành công.
Nhận thấy cây chè ngày càng có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân trong bản, trong xã vươn lên thoát nghèo; anh Hương tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích và tập trung chăm sóc những nương chè cằn cỗi trồng trước đó. Đến nay, gia đình anh có 10ha chè, thu hoạch 80 - 85 tấn chè búp tươi/năm.

Anh Hương chăm sóc đàn gia cầm.

Khi UBND xã Hua Nà có chủ trương vận động các hộ nông dân trên địa bàn cấy giống lúa séng cù chất lượng cao và liên kết với Hợp tác xã Thanh Xuân (huyện Than Uyên) sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, gia đình anh Hương tích cực tham gia. Gia đình anh chuyển đổi 1.000m2 ao thả cá, 2.000m2 đất trồng ngô sang cấy lúa séng cù 2 vụ với tổng diện tích 7.000m2. Toàn bộ số thóc thu về đều được hợp tác xã thu mua giá bình quân 10 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm.
Qua tìm hiểu, nhu cầu tiêu thụ gia súc thương phẩm trên thị trường lớn, anh Hương mua trâu, bò về nuôi vỗ béo và sinh sản theo hình thức bán chăn thả. Đảm bảo nguồn thức ăn ổn định, anh tận dụng các khoảng đất trống, vạt nương trồng cỏ voi; tích trữ rơm, cỏ, lá ngô và ủ chua làm thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông. Anh Hương chia sẻ: Kỹ thuật nuôi trâu, bò khá đơn giản. Thức ăn để vỗ béo chủ yếu là cỏ voi và phụ phẩm nông nghiệp; thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như: ngô, khoai, sắn. Ngoài ra, cần chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại và tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Tuân thủ điều đó, đàn gia súc của gia đình lớn nhanh, hiện nay tổng đàn đã lên tới 20 con trâu, 17 con bò.
Từ mô hình kinh tế tổng hợp, trừ chi phí mỗi năm gia đình Hương thu lãi khoảng 450 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh còn giúp đỡ 2 hộ dân trong bản thoát nghèo; tạo việc làm thời vụ cho 8 lao động địa phương.
Dám nghĩ, dám làm cùng với nghị lực kiên trì, vượt khó của anh Lò Văn Hương đã đưa kinh tế gia đình phát triển và trở thành gương điển hình trong phong trào nông dân làm kinh tế giỏi ở địa phương. Ghi nhận sự cố gắng và nỗ lực của anh, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017 - 2021.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...