Thứ tư, 15/05/2024, 00:48 [GMT+7]

Để việc phân luồng học sinh sớm trở thành hiện thực

Thứ năm, 25/02/2016 - 13:05'
Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phần nào đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, việc phân luồng học sinh sau THCS, THPT cũng như bảo đảm tính liên thông giữa các chương trình, trình độ, loại hình đào tạo trong hệ thống còn nhiều hạn chế.

Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Đống Đa (Hà Nội) trong giờ học môn Tiếng Anh.

Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới bao gồm: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục bậc cao, giáo dục thường xuyên-học tập suốt đời. Trong đó, giáo dục mầm non bao gồm nhà trẻ, mẫu giáo; giáo dục phổ thông cơ bản không thay đổi, gồm: tiểu học (năm năm), THCS (bốn năm), THPT (ba năm). Giáo dục tiểu học và THCS (chín năm), chỉ có một luồng là giáo dục cơ bản. THPT có ba luồng: định hướng chung (có tính hàn lâm, khoa học như hiện nay), định hướng kỹ thuật, công nghệ, hay định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao).

Giáo dục nghề nghiệp gồm: đào tạo sơ cấp; trung cấp ba năm (để bảo đảm khối lượng kiến thức phổ thông tối thiểu tương đương THPT); cao đẳng từ hai đến ba năm. Giáo dục bậc cao gồm: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, đại học từ ba đến bốn năm phân thành ba luồng: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, định hướng thực hành. Thạc sĩ từ một đến hai năm, phân thành hai luồng: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng.

Theo các chuyên gia giáo dục, cơ cấu hệ thống giáo dục nước ta hiện nay về cơ bản chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT. Không có sự nhất quán để tạo thành một hệ thống giáo dục mở vì khối giáo dục nghề nghiệp bị tách riêng biệt. Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) TS Lê Viết Khuyến, nêu vấn đề: Tại sao sơ đồ khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân lại bỏ trung cấp chuyên nghiệp và thay trung cấp nghề bằng trung học nghề. Điều đó sẽ không bảo đảm tính liên thông của hệ thống. Bởi vì theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp năm 2014, trung cấp (được gộp cả trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề nhưng thực chất là trung cấp nghề) có thời gian đào tạo từ một đến hai năm đối với học sinh tốt nghiệp THCS. Vì vây, có hai điều bất cập. Thứ nhất, tuổi lao động của người tốt nghiệp quá sớm. Thứ hai, đối chiếu với tiêu chuẩn quốc tế ISCED 2011 của UNESCO, trung cấp nghề chỉ tương ứng với cấp độ hai, không đạt được cấp độ ba như THPT cho nên người học không được quyền dự tuyển vào đại học, cao đẳng. Như vậy sẽ gây thiệt thòi cho người học dẫn tới việc tạo ra nguồn nhân lực dưới chuẩn, không bảo đảm hội nhập quốc tế. Trong khi ở các nước, học sinh học hệ trung học nghề vẫn được quyền học lên các bậc học cao hơn. Hậu quả của việc không phân luồng triệt để học sinh sau THCS trong nhiều năm qua dẫn tới nguồn nhân lực thấp kém về trình độ nghề nghiệp vì không được qua đào tạo.

Ngoài ra, vì chưa hình thành rõ ràng các hướng phát triển cho học sinh phổ thông, thiếu sự phân luồng người học hết giáo dục THPT (sau lớp 12), cho nên các hướng đào tạo hàn lâm và hướng kỹ thuật, công nghệ (khoa học ứng dụng) trong giáo dục bậc cao vẫn chồng lấn nhau về chương trình đào tạo, mô hình tổ chức, đo lường đánh giá và kiểm định chất lượng. Điều này đưa đến sự ách tắc liên thông hoặc giảm sút chất lượng liên thông. Sau THPT, học sinh có bốn khả năng: Vào học cao đẳng, đại học; trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, cao đẳng và cao đẳng nghề; đi làm. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn học sinh tập trung vào thi cao đẳng, đại học. Nguyên nhân là vì mặc dù cơ cấu phân luồng đã có nhưng cơ chế luồng không có chính sách và giải pháp cụ thể trong việc định hướng và giúp học sinh tự định hướng theo năng lực bản thân, còn giáo dục nghề nghiệp lại thiếu sức hút cần thiết. Chất lượng đào tạo ở các trường nghề chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ của xã hội, cho nên không thu hút được sự lựa chọn của học sinh sau khi học xong THPT.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng như các chuyên gia giáo dục đề xuất, để thực hiện hiệu quả việc phân luồng, nhà nước cần tăng cường chính sách khuyến khích người học đi theo luồng trung học nghề, bao gồm các ưu đãi về chính sách tuyển sinh, học phí, học bổng… Đáng chú ý, cần kiên quyết siết chặt chỉ tiêu đối với hệ THPT để việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT sớm trở thành hiện thực.

Theo QUÝ TÙNG/nhandan/Thứ Ba, 23/02/2016, 02:14:29

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...
Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...