Chủ nhật, 12/05/2024, 18:05 [GMT+7]

Giáo dục Lai Châu góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn cán bộ

Thứ ba, 23/11/2010 - 14:37'
(BLC) - Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh, sự tận tâm hết lòng vì nghề của các thầy, cô giáo… con em đồng bào các dân tộc đã khắc phục khó khăn, đầu tư cho tương lai bằng việc tới trường học chữ.

NHỮNG NGÀY ĐẦU

Học sinh lớp 8A1 - Trường THCS Nậm Loỏng (xã Nậm Loỏng, thị xã Lai Châu) trao đổi bài sau giờ học.

Những bản làng xa lắc trên đỉnh núi, đường giao thông đi lại khó khăn, vắng bóng người qua lại. Thiếu cơ sở vật chất trường lớp và nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền đã hạn chế bước chân các em học sinh đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa tới trường. Những khó khăn khách quan và chủ quan của những ngày đầu chia tách tỉnh đã kìm hãm sự phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) tỉnh nhà.

Cụ thể ngay năm học đầu tiên 2004 – 2005, toàn ngành giáo dục tỉnh ta từ hệ mầm non đến THPT mới có 215 trường, với 3.773 lớp và 73.864 học sinh. Trong đó, cơ sở trường lớp chiếm 41,8% là nhà tạm, nhiều trường phải học ba ca và học nhờ nhà dân. Hệ thống giáo dục mầm non chưa được phổ cập, chủ yếu có điểm trường ở các trung tâm xã, vùng địa bàn thuận lợi, tại các điểm bản vùng sâu, vùng xa hầu như chưa có lớp mầm non.

Nhận thức của một bộ phận nhân dân các dân tộc có suy nghĩ “đói chữ không chết, đói cơm mới chết”. Vì lẽ đó, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú dân nuôi chưa được quan tâm, hầu hết các em khi đến trường phải tự túc tiền sinh hoạt, ăn ở nên vào những tháng giáp hạt, học sinh bỏ học theo cha mẹ đi nương.

Bên cạnh việc thu hút học sinh ra lớp gặp nhiều khó khăn thì trình độ, năng lực của một bộ phận giáo viên đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục của tỉnh (toàn tỉnh có tới 479/5.583 thầy cô có kiến thức dưới chuẩn). Đây là một trong những trở ngại đến sự phát triển của nền giáo dục tỉnh nhà.

TÍN HIỆU VUI

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, quan điểm chỉ đạo đúng đắn của các cấp lãnh đạo địa phương và sự triển khai đồng bộ, quyết liệt của toàn ngành GD & ĐT; từ chương trình 159/CP và Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, đề án phát triển giáo dục ở 62 huyện nghèo… cơ sở trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay toàn tỉnh đã có 3.902 phòng học kiên cố và bán kiên cố.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong việc đưa con em đến trường. Năm 2009, tỉnh ta đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục THCS, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT đạt 92,14%, 97,9% xã, phường, thị trấn duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Bước sang năm học 2010 – 2011, toàn ngành GD & ĐT tỉnh đã có 401 trường, 6.028 lớp, 108.185 học sinh. Tỷ lệ học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 97,3%, tỷ lệ học sinh THCS đi học đúng độ tuổi đạt 83,4%, tăng 40,1% so với năm học trước. Huy động học sinh 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 98,1%. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới, Sở GD & ĐT đã quan tâm hơn đến chất lượng giáo viên, bằng chứng là đã có 8.277/8.531 giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn.

Ông Đỗ Văn Hán – Giám đốc Sở GD & ĐT cho biết: “Để nâng cao chất lượng, hiệu quả và hoạt động giáo dục, Sở GD & ĐT đã xây dựng kế hoạch Quy hoạch phát triển GD & ĐT giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, chỉ đạo và triển khai việc dạy học theo từng đối tượng học sinh và đặc thù vùng miền. Trong quá trình lên lớp, giáo viên sẽ dạy học sinh cái có thể học rồi mới đến cái phải học, nhằm trang bị cho các em kiến thức thật, kỹ năng thật và phương pháp tự học có hiệu quả. Ngành GD & ĐT coi công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, vì vậy ngành GD & ĐT lấy việc nâng cao chất lượng giáo viên làm khâu đột phá, giúp giáo viên tự tin, chủ động chiếm lĩnh phương pháp, kiến thức để sáng tạo, đề ra các phương án dạy học đa dạng, phù hợp với từng đối tượng học sinh, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.

KHÓ KHĂN CÒN ĐÓ

Trong khi số lượng học sinh các cấp học, bậc học trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, thì kéo theo là nhu cầu điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, phòng ở cho học sinh bán trú gia tăng. Thế nhưng, hiện nay toàn tỉnh còn thiếu 2.126 phòng học, trong đó có 1.518 phòng học tạm và 608 phòng học nhờ. Hệ thống, trang thiết bị thư viện còn nghèo nàn, phòng học bộ môn và phòng học chức năng hạn chế. Việc sử dụng đồ dùng học tập, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa không được thực hiện vì thiếu điện.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chương trình kiên cố hóa trường lớp học, từ Đề án Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012, tỉnh ta được phê duyệt thi công 1.432 phòng học, 772 phòng công vụ, với tổng vốn 287,428 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh mới hoàn thành và đưa vào sử dụng được 552 phòng học và 258 phòng công vụ. Tuy nhiên, do khó khăn về địa hình, hạ tầng giao thông, thời tiết khắc nghiệt… nên suất đầu tư công trình lớn, trung bình là 442 triệu đồng/phòng học. Như vậy, với nguồn vốn trên tỉnh ta chỉ có thể hoàn thành được 1/3 số lượng phòng học, nhà công vụ theo kế hoạch.

Giáo dục tỉnh ta đã có những bước đột phá mới, trường lớp, học sinh, giáo viên tăng cả về số lượng và chất lượng. Để đạt được các mục tiêu về phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra, ngành GD & ĐT tỉnh đã và đang phát huy lợi thế, tranh thủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương để xây dựng nền giáo dục tỉnh nhà phát triển. Tuy nhiên, với đặc thù của tỉnh miền núi, khó khăn còn nhiều nên rất cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng.

Tây Bắc

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...