Thứ ba, 14/05/2024, 19:54 [GMT+7]

Kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh năm 2016: Còn nhiều nỗi lo

Thứ hai, 22/02/2016 - 13:36'
Đầu tháng 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) có văn bản gửi các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), các sở GD và ĐT về những thay đổi trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2016. Đến nay, phần lớn các trường ĐH, CĐ đã chính thức công bố phương án tuyển sinh. Tuy nhiên, những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh năm 2016 đang gây nên những băn khoăn, lo lắng.

Băn khoăn cụm thi

Một trong những điểm mới khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 là việc triển khai các loại cụm thi. Trong đó, mỗi tỉnh, thành phố tổ chức: Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh (ĐH, CĐ) do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD và ĐT (gọi tắt là cụm thi ĐH); cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GD và ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH (gọi tắt là cụm thi tốt nghiệp). Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH. Việc thay đổi tổ chức các cụm thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh nhưng cũng gây nên những băn khoăn trong dư luận xã hội. Bởi thực tế việc tổ chức các cụm thi như năm 2015 (cụm thi tốt nghiệp ở từng tỉnh, thành phố và cụm thi ĐH liên tỉnh) khá hiệu quả, được dư luận đồng tình. Nếu triển khai cụm thi ĐH ở tất cả các tỉnh năm 2016 một cách cứng nhắc về địa giới hành chính có thể dẫn đến những xáo trộn đối với thí sinh. Thực tế có những thí sinh sang tỉnh bên dự thi lại gần, thuận lợi hơn là lên trung tâm của tỉnh đang cư trú dự thi.

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại cụm thi Trường đại học Bách khoa (Hà Nội).

Theo GS, TS Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi: Tổ chức cụm thi ĐH ở tất cả các địa phương sẽ khó khăn cho các trường khi về địa phương. Thực tế việc tổ chức cụm thi như năm 2015 không có gì phức tạp cho thí sính trong quá trình đi thi. Mặt khác, qua một kỳ thi, thí sinh, phụ huynh quan tâm đã biết và có thể quen với kiểu cụm thi năm 2015 và hiểu được sẽ thi ở chỗ nào, thi ra sao. Năm 2016, việc bố trí cụm thi lại thay đổi sẽ tác động đến tâm lý các em, nhiều vấn đề phức tạp sẽ nảy sinh. TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng: Giáo dục lâu nay có tình trạng chạy theo bệnh thành tích, chưa khắc phục được, cho nên việc giao cho các địa phương tổ chức thi vẫn sẽ gây ra sự ngờ vực của xã hội, là chưa thật sự nghiêm túc, chính xác. Vì vậy, cụm thi tốt nghiệp chỉ nên tổ chức ở những tỉnh miền núi, khó khăn trong đi lại, còn những tỉnh đồng bằng hoặc thành phố thì không nên. Đối với cụm thi ĐH có thể khách quan hơn, an lòng dư luận xã hội hơn nhưng tổ chức quá nhiều cụm cũng không dễ. Bởi các trường ĐH chủ trì cụm thi ĐH sẽ chịu trách nhiệm từ coi thi, chấm thi, ký giấy báo điểm… nhưng không phải trường ĐH nào cũng có đủ giảng viên dạy các môn giống như môn thi của kỳ thi THPT quốc gia để thực hiện tốt việc chấm thi. Vì vậy, nhiều trường vẫn phải huy động lực lượng giáo viên phổ thông vào chấm thi, nếu không sẽ khó thành công.

Nguy cơ thí sinh ảo

Cùng với một số thay đổi về cụm thi, công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 cũng có nhiều đổi mới. Trong đó, các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển có một số điều chỉnh cho thí sinh đăng ký xét tuyển đường qua bưu điện và trực tuyến; trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng; đợt xét tuyển đầu tiên kéo dài 12 ngày và mỗi thí sinh được đăng ký vào tối đa hai trường, mỗi trường tối đa hai ngành đào tạo. Riêng các đợt xét tuyển kế tiếp thời gian mỗi đợt kéo dài 10 ngày; mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển mỗi đợt vào tối đa ba trường; mỗi trường tối đa hai ngành đào tạo. Như vậy, số lượng nguyện vọng của thí sinh khá nhiều sẽ tạo nên tình trạng thí sinh ảo đối với các trường. GS, TS Trịnh Minh Thụ cho rằng: Vấn đề ảo thì các trường phải chấp nhận và phải tiên lượng trước để có những dự tính, dự báo và phân tích trong xét tuyển. Vì vậy, nhóm ngành có điểm thi cao cần gọi số dư nhiều vì những thí sinh đó có cơ hội đỗ ở nhiều trường khác nhau cho nên nguy cơ xảy ra ảo sẽ lớn hơn. Có thể có những ngành để khắc phục tình trạng ảo trường phải gọi nhập học gấp 1,5 lần, thậm chí 3,5 lần so với chỉ tiêu thì mới bảo đảm tuyển sinh đủ. Thí dụ, chỉ tiêu 100 thì phải gọi đến hơn 300 em. Điều đó rõ ràng khiến các trường vất vả hơn rất nhiều và phải chấp nhận có thể rủi ro.

Trong khi đó, PGS, TS Nguyễn Văn Nhã (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Với thay đổi như năm 2016 thì các trường ĐH, CĐ chắc chắn phải chấp nhận xảy ra tình trạng ảo trong tuyển sinh. Thực tế hiện nay, nhiều thí sinh còn a dua theo chúng bạn cho nên cũng không xác định học ngành theo sở trường, dẫn đến lượng ảo lại càng lớn. Chắc chắn các trường tốp dưới, một số trường ngoài công lập sẽ không thể có nhiều thí sinh nhập học đợt đầu. “Khi đã ảo, thì các trường phải lường trước để gọi dôi dư nhiều hơn chỉ tiêu dự định và không đoán được là khoảng bao nhiêu % thí sinh được gọi sẽ đến nhập học. Điều đó chẳng khác nào tổ chức đám cưới phát đi lượng thiếp mời khách nhiều hơn số bàn tiệc. Dự kiến quá nhiều dẫn đến thừa cỗ hoặc thiếu cỗ và trở nên dở khóc dở cười…” - PGS, TS Nguyễn Văn Nhã chia sẻ.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Nguyên tắc điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 là phát huy những điểm tốt của năm 2015 và điều chỉnh bất cập sao cho thí sinh yên tâm ôn tập cho tốt; có tâm lý thoải mái nhất khi tham gia kỳ thi. Tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, nhìn nhận một cách thẳng thắn Bộ GD và ĐT vẫn đang ôm đồm quá nhiều và thiếu tin tưởng các trường ĐH, CĐ. Về cơ bản những thay đổi của Bộ GD và ĐT chỉ là bổ sung một vài điểm mà dư luận xã hội còn phàn nàn, chứ chưa có thay đổi mới mang tính đột phá. Thực tế năm 2016 gọi là đổi mới nhưng bản chất vẫn như năm 2015. Cách thức tổ chức thi như hiện nay vô tình khuyến khích thầy, trò chỉ tập trung vào ba môn thi bắt buộc trong khi có hơn chục môn học dẫn đến tình trạng học lệch. PGS, TS Nguyễn Văn Nhã khẳng định: Nếu như Bộ GD và ĐT giao cho các sở chịu trách nhiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT và chỉ đạo sao cho thật sự nghiêm túc, thực chất; rồi phân hóa các thí sinh theo “ngưỡng được thi ĐH hay được thi CĐ”; còn việc thi vào ĐH, CĐ nào do thí sinh phải cân nhắc, lựa chọn và do trường ĐH “chịu trách nhiệm cao” tự quyết định chất lượng đầu vào... sẽ hợp lý hơn, phù hợp với Điều lệ trường ĐH và quy chế đào tạo ĐH hơn.

Chiều ngày 18-2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy để lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận xã hội (trong vòng 30 ngày). Theo đó, ngoài quy định về một số thay đổi trong đăng ký xét tuyển và xét tuyển thì những trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành, phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh. Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành, cần dành ít nhất 50% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống. Một số đối tượng ưu tiên được sửa đổi, bổ sung như: đối tượng ưu tiên theo khu vực, đối tượng ưu tiên thuộc xã đặc biệt khó khăn, xã vùng 135... Căn cứ kết quả thi của thí sinh, Bộ GD và ĐT xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển ĐH; đối với trường CĐ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào là: Tốt nghiệp THPT.

Theo Mạnh Xuân/nhandan/Thứ Năm, 18/02/2016, 23:15:56

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...
Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...