Thứ bảy, 11/05/2024, 12:18 [GMT+7]

”Liêu xiêu” những lớp học mầm non

Thứ năm, 17/11/2011 - 15:45'
(BLC) - 100% lớp học mầm non ở xã Sì Lờ Lầu (huyện Phong Thổ) vẫn trong tình trạng tạm bợ, phải học nhờ nhà dân, nhà văn hóa bản. Nhiều điểm bản không mượn được lớp học, cô giáo và phụ huynh học sinh góp công lao động, tranh tre nứa lá dựng lớp học tạm cho trẻ. 

Giờ ngủ trưa của trẻ điểm trường mầm non Thà Giàng.

Có mặt tại điểm Trường Mầm non Thà Giàng, chúng tôi không thể tin đây là nơi mà hàng ngày 26 trẻ từ 3 - 5 tuổi vui chơi, học tập và sinh hoạt. Căn phòng chỉ rộng chừng 10m2, được quây lại bằng những tấm phên nứa và ván gỗ mỏng. Đến lớp học vào buổi trưa nên chúng tôi được chứng kiến hình ảnh các bé ngủ ngay trên bàn và ghế. Trên những chiếc giường tự tạo đó cũng chẳng có chăn và gối.

Thấy có khách, cô giáo Hoàng Thị Ánh Sáng - giáo viên đứng lớp ra hiệu cho chúng tôi trật tự rồi nhẹ nhàng ra sân trò chuyện: “Các anh chị thấy lạ lắm phải không, vì đến giờ chắc chẳng còn lớp học nào liêu xiêu mà thiếu giường và chăn gối như thế này đâu nhỉ?. Đã 4 năm trôi qua mà tôi vẫn không thể quen với hình ảnh này. Nhiều lần nhìn các cháu ăn, ngủ mà rơi nước mắt. Bữa cơm đạm bạc chủ yếu là canh, rau và muối. Rồi khi ngủ cũng chẳng ngon giấc vì không giường chiếu, không chăn, gối”.

Một mùa đông nữa lại đến, ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, cái lạnh thường khắc nghiệt hơn rất nhiều. Thương bọn trẻ các cô giáo chỉ biết đốt lửa sưởi ấm cho các cháu ngủ qua trưa. 

Chúng tôi tiếp tục đến điểm trường Gia Khâu, do mượn được nhà văn hóa bản nên lớp học “khang trang hơn”. Song bên trong vẫn chỉ là những chiếc bàn, ghế gỗ cũ xếp xung quanh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thìn (giáo viên lớp mẫu giáo 4 tuổi) chia sẻ: “Để các cháu không phải “sơ tán” ra sân mỗi khi bản có việc họp dân, các cô giáo lại nói khéo để các bác họp tạm tại chiếc lán gần chợ. Chợ thì ồn mà lán chẳng có bàn ghế, song vì tương lai con em nên các bác cũng sẵn sàng chia sẻ những vất vả với nhà trường”.

Không chỉ ở các lớp học, ngay cả Ban Giám hiệu nhà trường cũng khá chật vật với điều kiện làm việc thiếu thốn. Do không có nhà hiệu bộ nên các cuộc họp đều diễn ra tại nhà cô hiệu trưởng, còn khi có Đoàn thanh, kiểm tra thì lại mượn tạm lớp học mầm non. 

Theo số liệu thống kê của nhà trường hiện toàn xã có 11 lớp mầm non với 260 học sinh. Do tỷ lệ đói nghèo cao nên việc xã hội hóa giáo dục của xã mới chỉ dừng lại ở việc góp sức lao động, tranh tre nứa lá làm nhà tạm, huy động trẻ đến lớp. Nhà trường đã nhiều lần kiến nghị với Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện nhưng vẫn chưa được giải quyết. Vì thiếu nhiều thứ như vậy nên việc huy động trẻ đến lớp gặp rất nhiều khó khăn.

“Cuối năm 2009, Đoàn lãnh đạo Nhà máy Rượu bia, nước giải khát Aroma (km3, đường 196, Nhân Hòa, Mỹ Hào, Hưng Yên) có dịp lên Sì Lờ Lầu, thấy nhà trường quá khó khăn nên đã hỗ trợ chiếu, thảm cho các điểm trường mầm non. Từ đó đến nay, năm nào Nhà máy cũng hỗ trợ các cháu mầm non quần áo, giúp các em vơi bớt những khó khăn, an tâm học tập. Cũng nhờ sự hỗ trợ đó mà các em đến lớp đông hơn, đều hơn so với trước”. Cô giáo Phạm Bạch Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cho chúng tôi biết.

Hiện nay nhà trường còn thiếu 2 giáo viên. Lớp học tại điểm trường Thà Giàng có 26 trẻ ở các độ tuổi khác nhau, rất hiếu động nhưng chỉ có 1 cô giáo. Ngoài ra, việc học ghép cũng gây nhiều bất cập trong công tác giảng dạy. “Trong khi trẻ 5 tuổi phải học chữ, thì trẻ 3 - 4 tuổi chuyển sang học múa hát, tô màu… một cô giáo không thể dạy hết cho các cháu được, chất lượng giáo dục cũng theo đó bị ảnh hưởng” - cô Hoàng Thị Ánh Sáng lo lắng.

Đồng chí Tẩn Sài Đông - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện nay, cái khó lớn nhất của xã vẫn là giáo dục mầm non. Đến thời điểm này, 100% điểm trường mầm non chưa có trụ sở hoạt động… Do nguồn ngân sách hạn hẹp nên xã chỉ có thể hỗ trợ một phần tấm lợp cho các điểm trường mầm non”.

“Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai”- đó là thông điệp chúng ta thường thấy trên các panô, ápphích và phương tiện thông tin đại chúng. Trẻ em ở xã Sì Lờ Lầu đang rất cần được học tập, vui chơi trong điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo hơn. Điều này rất cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...