Thứ tư, 15/05/2024, 04:40 [GMT+7]

Tam Đường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ năm, 25/02/2016 - 18:36'
(BLC) - Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo viên, đổi mới phương pháp dạy là những giải pháp mang tính chiến lược của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) huyện Tam Đường. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Năm học 2015 – 2016, huyện Tam Đường có 680 lớp với 15.298 học sinh. Để đáp ứng các điều kiện dạy và học, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu cho tỉnh, UBND huyện đầu tư xây dựng trường, lớp học và hỗ trợ tấm lợp để làm phòng học cho các nhà trường theo phương châm “3 cứng”. Ngay từ đầu năm học, Phòng rà soát, mua sắm bổ sung, cấp phát sách giáo khoa, vở viết cho học sinh đầy đủ, kịp thời. Đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học các trường được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của các trường. Toàn huyện hiện có 705 phòng học, trong đó 518 phòng học kiên cố; 141 phòng bán kiên cố, 46 phòng học tạm.

Giờ học môn Tiếng Việt của cô và trò lớp 5A1 (Trường PTDTBT Tiểu học Bản Hon).

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, Phòng GD & ĐT huyện đã chỉ đạo các trường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các xã, thị trấn trong việc huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số và nâng cao tỷ lệ chuyên cần ở các ngành học, bậc học trong đó tập trung vào cấp THCS. Thực hiện kế hoạch xây dựng trường chuẩn Quốc gia, phát triển mô hình trường PTDTBT trên địa bàn huyện, từ năm học 2010 - 2011 đến nay, huyện Tam Đường có 9 trường chuyển đổi thành mô hình Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT), trong đó có 7 trường tiểu học và 2 trường THCS với 1.215 học sinh. 14/14 trường mầm non tổ chức ăn bán trú với 4.954 trẻ (tăng 145 trẻ so với năm học trước). Đa số các trường mầm non làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh tham gia nấu ăn, đưa cơm cho trẻ. Điển hình như các trường Mầm non: Khun Há, Sơn Bình, Thèn Sin, Giang Ma. Từ đó, tạo động lực giúp các em gắn bó với trường, lớp, giảm tình trạng bỏ học. Kết thúc học kỳ 1 năm học 2015 - 2016, tỷ lệ học sinh chuyên cần bậc mầm non đạt 94,7%, tiểu học: 98%, THCS: 90,4%.

Có mặt tại trường PTDTBT Tiểu học Bản Hon những ngày sau tết Nguyên đán, khác với nhiều năm trước, sau dịp nghỉ tết, học sinh thường bỏ học thì nay trường vẫn giữ được không khí thi đua học tập hăng say của các em học sinh. Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Trần Văn Tân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Toàn trường có 17 lớp với 300 học sinh. Nhiều năm nay, các thầy cô giáo không còn phải đến từng nhà vận động học sinh trở lại lớp sau kỳ nghỉ tết. Kế hoạch nghỉ tết đã được quán triệt, tuyên truyền và được phụ huynh học sinh phối hợp thực hiện tốt nên học sinh đi học tương đối đầy đủ”.

Có được điều đó, những năm qua, trường PTDTBT Tiểu học Bản Hon luôn làm tốt công tác bán trú để phụ huynh và học sinh thực sự tin tưởng và gắn bó với trường. Hiện nay, trường có 4 phòng bán trú với 120 học sinh là con em đồng bào dân tộc Lự, Mông. Tham quan khu phòng học, phòng ở, nhà ăn, bếp, vườn rau của các em ở bán trú, chúng tôi thấy đều được bố trí gọn gàng, sạch sẽ. Các em cho biết, ở bán trú rất vui vì có thêm nhiều bạn mới và thời gian để học tập. 3 năm trở lại đây, tỷ lệ chuyên cần của Trường luôn đạt trên 98%, 100% học sinh hoàn thành chương trình học. Nhà trường có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa và trong các hội thi văn nghệ, thể thao của huyện.

Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Phòng GD & ĐT huyện còn hướng dẫn các trường tổ chức dạy học phù hợp với đối tượng vùng miền, đổi mới phương pháp dạy học. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở các xã: Khun Há, Nà Tăm; tiểu học: Khun Há, Sơn Bình; THCS: Nùng Nàng, Sùng Phài, Giang Ma, Thèn Sin. Đối với bậc mầm non, các trường đang tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số; lấy trẻ làm trung tâm… hướng tới sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Huyện Tam Đường còn là địa phương triển khai có hiệu quả mô hình trường học mới (VNEN). Ban đầu chỉ có 2 trường Tiểu học Nùng Nàng và Trường PTDTBT Tiểu học Thèn Sin thí điểm mô hình, năm học này đã nhân rộng thêm 4 trường với tổng số 44 lớp, 970 học sinh. Mô hình đã phát huy tính năng động, tư duy sáng tạo của học sinh, giúp giáo viên thay đổi kỹ năng, phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Phòng GD & ĐT huyện Tam Đường cho biết: “Thời gian tới, Phòng tiếp tục vận động, khuyến khích đội ngũ giáo viên không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục. Mở rộng hệ thống quy mô trường lớp; chú trọng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục của huyện nhà”.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...
Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...