Đổi thay ở xã Nậm Cha
Đến xã Nậm Cha, chúng tôi không còn phải đi con đường đất đá, bùn lầy trước đây mà giờ đã có đường nhựa tới trung tâm xã và các bản. Đường giao thông thuận lợi kéo theo phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế của địa phương, nhiều công cụ, máy móc được đưa vào sản xuất, nông sản buôn bán thuận lợi, góp phần nâng cao cuộc sống người dân. Bên cạnh đó, đời sống văn hoá tinh thần nâng lên, các sân chơi thể thao, nhà văn hoá được xây dựng, nét đẹp truyền thống được giữ gìn, phát huy, giáo dục ngày càng đổi mới…
Để vực dậy xã khó khăn, điều cốt lõi là phát huy nội lực, làm cho người dân tự mình vươn lên, không ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ. Ngoài chủ động tiên phong, gương mẫu trong mọi công việc, cán bộ, công chức xã thường xuyên xuống cơ sở, đến với dân để tuyên truyền bà con xoá bỏ hủ tục, vươn lên thoát nghèo; hướng dẫn cách làm mới, hay, tiết kiệm kinh phí, giảm sức lao động trong phát triển kinh tế. Các anh vận động dân bản sử dụng máy móc thay thế sức người, gia súc, lựa chọn các giống ngô, lúa chất lượng để gieo trồng. Nhất là trong từng khâu như: cày cấy, gieo mạ, bón phân, phun thuốc trừ sâu đến thu hoạch, vận chuyển nông sản đều theo quy trình nhất định. Tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển trồng cây ăn quả, cao su, sắn và một số cây công nghiệp ngắn ngày. Đặc biệt, đây là xã thuộc diện tái định cư Thuỷ điện Sơn La, có nguồn nước, lại có nhiều bãi bằng, đồng cỏ phì nhiêu nên thích hợp phát triển nuôi gia súc, thuỷ sản. Ngoài ra, xã phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện tạo điều kiện giúp bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, mở các lớp dạy nghề, đơn giản hoá thủ tục hành chính khi người dân muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Người dân bản Diền Thàng (xã Nậm Cha) phát triển chăn nuôi dê.
Nhìn thấy hướng đi đổi thay cuộc sống, người dân ở 7 bản của xã quyết tâm vượt khó, tích cực lao động sản xuất. Diện tích sản xuất được khai hoang, cải tạo thêm, nới rộng những cánh đồng lúa, nương ngô với 440ha, năng suất ngô, lúa đạt từ 33 - 47 tạ/ha mỗi vụ. Thu hoạch xong, không cho đất nghỉ, bà con tiếp tục trồng 734ha sắn, năng suất đạt 20 tấn/ha, bán với giá 1.500 đồng/kg, giúp tăng nguồn thu nhập.
Chăn nuôi không còn nhỏ lẻ, phó mặc vào tự nhiên như trước mà đã quy mô hơn, có chuồng trại, bãi chăn thả. Được chăm sóc, phòng bệnh theo phương pháp khoa học nên vật nuôi sinh trưởng tốt. Hiện xã có 1.647 con gia súc, gần 7.000 con gia cầm. Nhất là việc nuôi dúi, nhím thương phẩm đã trở thành điểm sáng trong làm kinh tế, hiện xã có 40 hộ nuôi 700 con dúi, nhím. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn đầu tư kinh doanh thương mại, dịch vụ, nâng cao thu nhập. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 41,7%, thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/người/năm.
Anh Láy A Kẹo (bản Diền Thàng) nói: Trước đây, tôi chỉ làm ruộng nhỏ lẻ để đủ ăn chứ không thể phát triển kinh tế vì thiếu vốn, kiến thức. Nhờ cán bộ xã vận động, tôi tham gia các lớp dạy nghề và vay vốn để đầu tư nuôi dê. Tôi áp dụng kỹ thuật, tích cực phòng bệnh, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên nên đàn dê phát triển tốt (25 con). Tôi còn mở cửa hàng bán tạp hoá, làm công nhân trồng cây cao su nên cuộc sống không còn nghèo khó. Thu nhập mỗi năm của gia đình đạt 150 triệu đồng.
Cuộc sống sung túc, người dân đùm bọc, biết giúp đỡ nhau lúc khó khăn, góp sức cùng chính quyền xã xây dựng địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới, bà con góp được gần 1 tỷ đồng, hiến hơn 5.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hoá, điểm trường ở bản. Đặc biệt, dân bản còn đóng góp 280 bóng điện sử dụng năng lượng mặt trời để thắp sáng đường quê. Tích cực xây dựng đời sống văn hoá, duy trì bản sắc truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần. Hiện nay, xã có 580/723 hộ, 7/7 bản đạt danh hiệu văn hoá.
Anh Tẩn A Long - Chủ tịch UBND xã cho biết: Để nâng cao cuộc sống người dân, xã tiếp tục triển khai nhiều biện pháp, tăng cường tuyên truyền, vận động bà con vượt khó làm giàu, đầu tư vào các ngành nghề là thế mạnh của xã, tăng tỷ lệ lao động có việc làm. Xã phấn đấu hết năm nay, giảm thêm từ 5 - 6% hộ nghèo.
Thái Hà
Bình luận