Thứ sáu, 26/04/2024, 23:57 [GMT+7]

Hưởng lợi từ rừng

Thứ tư, 18/11/2020 - 20:07'
Bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, hằng năm người dân huyện Nậm Nhùn được hưởng lợi từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Từ số tiền được nhận giúp nhiều bản xây dựng được các công trình cộng đồng, nhiều hộ có điều kiện phát triển kinh tế, nuôi dạy con em ăn học đầy đủ.

Người dân bản Nậm Xẻ (xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn) nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Người dân bản Nậm Xẻ (xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn) nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Đến thăm bản Mường Mô 1 (xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn) vào bất kể thời điểm nào trong năm đều nhận thấy không gian sống của bản xanh - sạch - đẹp, các công trình phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng đồng bộ. Ngoài các công trình từ nguồn vốn Nhà nước, thì có nhiều công trình do người dân cùng đóng góp xây dựng. Đồng chí Phan Văn Dơi - Trưởng bản Mường Mô 1 cho biết: “Sau khi bản được chia tách thành lập từ đầu năm 2017, qua họp bản thống nhất, bản đã xây dựng quỹ chung được đóng góp từ 10% số tiền chi trả DVMTR mỗi hộ được nhận hằng năm. Với số quỹ đóng góp bản đã xây dựng được 2 cây cầu dân sinh, tu sửa đường ra bến nước đầu bản; mua 6 xe chở rác, lắp hệ thống bóng điện chiếu sáng đường quanh bản; tu sửa, mua sắm đồ dùng trong nhà văn hóa bản với tổng chí phí hơn 200 triệu đồng. Qua đó, giúp xã đạt chuẩn và duy trì các tiêu chí nông thôn mới từ cuối năm 2017 đến nay. Từ lợi ích rừng mang lại, bà con dân bản ngày càng nêu cao ý thức bảo vệ rừng”.

Là xã tái định cư Thủy điện Lai Châu, xã Mường Mô có 10 bản, trên 680 hộ. Hàng năm, người dân trong xã được hưởng trên 12 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR. Từ số tiền được nhận hàng năm giúp nhiều hộ mua sắm ngư cụ phát triển nghề đánh bắt, khai thác thủy sản và nuôi cá lồng bè trên khu vực lòng hồ thủy điện, mở ra hướng phát triển kinh tế; từng bước ổn định đời sống sau tái định cư, thu nhập bình quân của xã hiện đạt 26 triệu đồng/người/năm.

Bản Huổi Chát (xã Nậm Manh) là một trong những bản đầu tiên của huyện Nậm Nhùn xây dựng mô hình bản du lịch cộng đồng. Bảo vệ tốt diện tích rừng được giao hàng năm đem về cho các hộ trong bản hơn 2 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR (trung bình mỗi hộ được nhận gần 20 triệu đồng). Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với hình thành bản du lịch cộng đồng, các hộ đóng góp hàng trăm triệu đồng từ tiền chi trả DVMTR xây dựng, kiến thiết bản. Từ năm 2018 đến nay, từ tiền chi trả DVMTR, bà con đóng góp hơn 113 triệu đồng đầu tư xây dựng 3 sân chơi chung cho bản với tổng diện tích 7.800m2; lắp 42 đèn đường trên các tuyến đường nội, ngõ bản; mua giống hoa về trồng; hỗ trợ 9 hộ xây dựng chòi dừng chân ngắm cảnh trong khu vực bản và trang bị thùng đựng rác cho các hộ gia đình…; thành lập quỹ chung để chi trả tiền điện đường hàng tháng và tu sửa các hạng mục bị hư hỏng.

Cùng với đóng góp chung, mỗi hộ dân trong bản nâng cao nhận thức sử dụng hiệu quả số tiền chi trả DVMTR được nhận. Từ năm 2017 đến nay, cả bản có trên 30% hộ dựng được nhà mới; gần 100% hộ xây dựng được nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Anh Giàng A Thàng, người dân bản Huổi Chát cho biết: “Với số tiền chi trả DVMTR, ngoài đóng góp xây dựng bản, gia đình tôi còn để dành đầu tư làm nhà rộng hơn, đẹp hơn để làm nơi nghỉ ngơi cho khách du lịch khi đến thăm bản. Nhiều hộ khác cũng làm theo, giờ đây bản tôi rất khang trang, nhiều hộ làm được nhà mới. Rừng đã mang lại ấm no cho các hộ dân trong bản”.

Năm 2019, toàn huyện Nậm Nhùn có 5.197 hộ được nhận tiền chi trả DVMTR, với tổng số tiền chi trả trên 70 tỷ đồng. Công tác tuyên truyền người dân về các điểm mới trong thực hiện chi trả tiền DVMTR được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ngay sau khi Nghị quyết 41/2019/QĐ-UBND quy định một số nội dung thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh được ban hành, huyện chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bằng nhiều hình thức phong phú, đảm bảo 100% khu dân cư được tuyên truyền. Nhờ đó, việc chi trả được các xã, thị trấn và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện phối hợp thực hiện nhanh, trong thời gian quy định. Nhiều xã người dân được chi trả nhiều tiền như: Mường Mô, Nậm Manh, Hua Bum, Nậm Chà… hầu hết là các xã xa trung tâm huyện, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên việc được hưởng lợi từ rừng là niềm vui của dân bản.

Để người dân sử dụng hiệu quả số tiền được nhận, chính quyền các xã, thị trấn luôn quan tâm làm tốt công tác giám sát, định hướng người dân sử dụng tiền để đầu tư phát triển kinh tế gia đình tăng thêm thu nhập, sinh lời từ tiền chi trả DVMTR. Tích cực phát triển rừng để hưởng lợi thêm nhiều hơn nữa từ rừng. 4 năm qua, toàn huyện trồng được 1.107,35ha rừng (trồng rừng thay thế: 544,38ha; đề án phát triển cây quế: 397,28ha; phát triển cây mắc-ca: 165,69ha). Cùng với đó, các xã, thị trấn thành lập 73 tổ đội xung kích phòng cháy chữa cháy rừng ở 100% bản trên địa bàn, với gần 5.000 thành viên, thường xuyên tuần tra bảo vệ và luôn nêu cao tinh thần cảnh giác để phát hiện và xử lý kịp thời những bất thường xảy ra đối với những cánh rừng đã nhận trông coi.

Thời gian tới, huyện Nậm Nhùn tiếp tục chú trọng thực hiện tốt chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp; đặc biệt là chính sách chi trả DVMTR và bảo vệ rừng phòng hộ nhằm đảm bảo quyền lợi, nâng cao thu nhập từ rừng cho Nhân dân. Từ đó, người dân ngày càng gắn bó, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả.

Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...