Thứ bảy, 27/07/2024, 10:12 [GMT+7]

“Trái ngọt” sau nửa nhiệm kỳ nỗ lực giảm nghèo

Thứ năm, 15/02/2024 - 15:26'
Năm 2023 đánh dấu nửa chặng đường triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nghị quyết, chương trình trọng điểm, nhiệm vụ đột phá đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Bức tranh sau nửa nhiệm kỳ đã khái quát toàn diện trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội với nhiều dấu ấn nổi bật, trong đó phải kể đến mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình đạt 3,4%/năm (vượt nghị quyết, riêng năm 2023 giảm 4,66% so với cuối năm 2022). Kinh tế của tỉnh tăng trưởng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc ngày càng nâng lên.

Bức tranh xuân tươi sáng
Một mùa xuân mới lại về, cùng với người dân muôn nơi trong cả nước, ở các bản làng từ vùng thấp đến vùng cao của tỉnh náo nức chào đón năm mới. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước về cơ sở hạ tầng: đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đời sống người dân đổi thay; nhân dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong không khí mùa xuân, khi những cành đào, cành mận đã khoe sắc, chúng tôi về thăm bản Lướt (xã Mường Kim, huyện Than Uyên) - nơi thành lập Ban cán sự Đảng đầu tiên (tiền thân của Đảng bộ tỉnh ngày nay).
Điểm nhấn của bản là khu di tích lịch sử bản Lướt được sửa chữa, mở rộng khuôn viên khang trang, đẹp hơn. Người dân trong bản nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, đưa cây, con giống mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào canh tác, nuôi trồng. Đến nay, bản còn 5 hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm. Bản đã hình thành 3 tổ hợp tác sản xuất: tổ hợp tác liên kết sản xuất chăn nuôi, trồng trọt; tổ hợp tác về xây lắp điện; tổ xây dựng. Điều này càng tô điểm thêm bức tranh xuân tươi đẹp về vùng quê hương cách mạng anh hùng.

Cây quế là cây trồng đang mang lại nhiều tín hiệu vui cho bà con xã Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn).

Tâm sự với chúng tôi, đồng chí Soi Văn Hạnh - Bí thư Chi bộ bản Lướt chia sẻ: “Tôi luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, tích cực phát triển kinh tế để bà con noi theo. Đến nay, gia đình tôi trồng được 3.000m2 chè, 2.000m2 chanh leo, 200 cây bưởi...; ngoài ra, còn nuôi lợn, mỗi lứa 50-60 con. Nhờ đó, kinh tế ổn định, mỗi năm thu nhập trên 120 triệu đồng”.
Đi trong tiết trời mùa xuân, thành phố Lai Châu hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới, sức sống mới. Có được diện mạo này, thành phố Lai Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo. Vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội, các chỉ tiêu trên tất cả các lĩnh vực của thành phố đều đạt khá, nhất là chỉ tiêu giảm nghèo chỉ còn 1,56% (năm 2023). Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc thành phố Lai Châu từng bước được nâng lên.

Người dân xã Hua Nà (huyện Than Uyên) phát triển chăn nuôi gia súc.

Ngược lên cao nguyên huyện Sìn Hồ, trong không khí tươi vui, đồng chí Lý Thị Na - Quyền Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ phấn khởi chia sẻ: “Sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện có 16/35 chỉ tiêu thành phần đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nổi bật là thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm trên 5%/năm. Thành quả này minh chứng cho sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân quyết tâm xây dựng Sìn Hồ ngày càng giàu đẹp. Huyện huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là vùng sản xuất; quy hoạch và đưa cây trồng, con giống phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế. Gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới và phát huy vai trò chủ thể của người dân”.
Hệ thống chính trị vào cuộc, người dân đồng lòng quyết tâm
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, 22/55 chỉ tiêu thành phần nghị quyết đề ra đã đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, nổi bật là kinh tế tiếp tục tăng trưởng, trung bình trong 3 năm (từ 2021-2023) đạt khoảng 3,91%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt khoảng 47,45 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,4%/năm, riêng năm 2023 giảm còn 23,88%.
Có được thành quả này, theo đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh, đó là nhờ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, với tinh thần "Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới và phát triển", Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành chương trình hành động và các nghị quyết chuyên đề, đề án với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và phân công trách nhiệm, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện quyết liệt. Các chính sách, chương trình giảm nghèo được triển khai khá toàn diện, đầy đủ. Từ đó, tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững và có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhân dân thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ) sản xuất đương quy khô.

Theo đó, tỉnh đã ban hành và triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, phát triển rừng bền vững, phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung: 3.859ha lúa hàng hóa; gần 27.000ha cây chè, quế, cao su và 11.053ha dược liệu; 200 trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; trên 200.000m3 thể tích nuôi cá lồng lòng hồ thủy điện và cá nước lạnh; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 52%...
Ngoài ra, tỉnh hình thành và phát triển 2 vùng kinh tế quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: vùng kinh tế quốc lộ 32 - quốc lộ 4D - quốc lộ 12 là vùng kinh tế động lực chính, bao gồm các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, thành phố Lai Châu và Phong Thổ. Tập trung phát triển du lịch, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, phát triển đô thị, kinh tế biên mậu. Vùng kinh tế nông - lâm sinh thái sông Đà gồm các huyện: Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, phát triển theo định hướng phát triển rừng, cây cao su, dược liệu, thủy điện. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, bình quân giải quyết việc làm cho gần 8,7 nghìn lao động/năm.
Trong mơn man hơi thở mùa xuân, đặt chân đến các bản làng trong toàn tỉnh, mỗi người đều cảm nhận sự đổi thay, khởi sắc rõ nét. Đồng bào ở các bản vùng thấp đến vùng cao tích cực thi đua lao động sản xuất trên mảnh đất quê hương. Năm 2023 cũng đánh dấu mốc 115 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh; 20 năm chia tách, thành lập tỉnh. Sự kiện này càng tiếp thêm động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, hăng hái, thi đua xây dựng tỉnh ngày càng khang trang, to đẹp, thịnh vượng hơn, từng bước vươn lên để theo kịp đà phát triển của đất nước.

Hương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu nói chung,...
Khó kiểm soát giết mổ gia súc
Kiểm soát giết mổ gia súc là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng giết mổ gia súc nhỏ, lẻ và phân tán vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung đã và đang...
Một đời tận tụy với ngành Điện
(BLC) - Đó là chị Vương Thị Thanh Thủy - Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Lai Châu. Tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với mọi công việc, chị Thủy đã cùng với biết bao thế hệ cán bộ ngành Điện...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.